Lan truyền tình yêu nghệ thuật truyền thống
Cùng gìn giữ, quảng bá nghệ thuật truyền thống dân tộc Nghệ thuật truyền thống giao duyên với điện ảnh |
Các phương tiện truyền thông trong nước cũng đã đề cập, báo chí nước ngoài cũng có bài viết. Có thể nói, thông qua việc làm của mình, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã làm mới các sản phẩm du lịch ở làng cổ Đường Lâm, góp phần thu hút du khách đến với ngôi làng Việt truyền thống này…
Làng cổ Đường Lâm là địa chỉ đã quá quen thuộc của nhiều du khách. Nhưng điểm đến quen thuộc này cần có sự làm mới để hấp dẫn hơn, đó cũng chính là mong muốn của nhiều người Hà Nội và một số tỉnh lân cận, để họ có thể trở lại thăm thú chứ không chỉ “đi một lần cho biết”.
Dường như thấu hiểu điều đó nên nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát luôn làm mới với những dự án cá nhân và kết nối cộng đồng. Mùa nào dường như anh cũng nghĩ ra nhiều “chiêu” để thu hút du khách gần xa. Như mùa hè vừa rồi, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát bắt đầu triển khai hoạt động làm tranh in khắc gỗ miễn phí. Đây không chỉ là một trải nghiệm thú vị mà còn giúp tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ và mang lại niềm vui cho khách du lịch.
![]() |
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã tổ chức hoạt động dạy làm gốm miễn phí khi du khách đến tham quan Đường Lâm |
“Khi tham gia hoạt động làm tranh in khắc gỗ, khách du lịch sẽ được hướng dẫn và trải nghiệm các kỹ thuật và kỹ năng cần thiết để hoàn thành tác phẩm của mình. Đồng thời, hoạt động này còn giúp phát triển tư duy sáng tạo của khách du lịch. Bên cạnh đó, khi tham gia hoạt động làm tranh in khắc gỗ, khách du lịch có cơ hội giao lưu và kết nối với người địa phương, chia sẻ kinh nghiệm và tạo ra những mối quan hệ mới", nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ, đồng thời cho biết, nội dung trên tranh được các bạn nhỏ hướng đến là hình tượng làng cổ Đường Lâm.
Sau mấy tháng triển khai, những đoàn khách đến trải nghiệm hoạt động này càng đông hơn, trong đó có rất nhiều em nhỏ đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Chia sẻ về điều này, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết, anh rất hạnh phúc khi thấy các em nhỏ ở nhiều nơi trên thế giới bước vào studio của mình. Anh nhận thấy sự hào hứng, thích thú của các em khi tìm hiểu kỹ thuật làm tranh in khắc gỗ. Bên cạnh đó, du khách khi đến đây cũng cảm thấy đây là một hoạt động hấp dẫn, mới mẻ. “Qua hoạt động này tôi có thêm nhiều động lực để tiếp tục thực hiện các hoạt động có ý nghĩa với cộng đồng hơn nữa", anh bày tỏ.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát là chủ nhân của nhiều công trình thiết kế sản phẩm du lịch của các tỉnh thành trên cả nước và đạt nhiều giải thưởng. Năm 2017, anh được UBND thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”.
|
Mới đây, anh lại tiếp tục thực hiện khơi dậy nghề làm gốm cũ tại Sơn Tây. Theo nghệ nhân Tấn Phát, trước năm 1945 tại vùng đất này cũng có những lò gốm ngày đêm nhả khói. Sản phẩm của những lò gốm này là gốm đỏ bàn xoay, nổi tiếng với nồi đình. Những sản phẩm này theo thương lái ngược sông Hồng đi Phú Thọ, Hòa Bình, Tuyên Quang…; hoặc xuôi về các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, nhiều thập niên trôi qua, nghề gốm nơi đây đã mai một. Nếu không có hành động thiết thực để phục hồi, lan tỏa thì thế hệ trẻ hôm nay sẽ không biết đến nghề truyền thống xưa của vùng đất Sơn Tây này…
Quan sát những hoạt động của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, thấy anh biết cách phát huy những thế mạnh của quê hương để thu hút du khách. Anh chia sẻ: “Là một nghệ sĩ, nghệ nhân sống trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, tôi hiểu được giá trị đặc biệt của vùng đất này. Sau quá trình học tập tại trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, được giao lưu, tham gia nhiều hiệp hội làng nghề, bạn bè trong nhiều lĩnh vực, tôi học hỏi được nhiều và hiểu rằng văn hóa của mỗi miền là một nét riêng, có những câu chuyện riêng. Văn hóa được hình thành từ nếp sống, địa lý, địa chất, thổ nhưỡng mỗi vùng đất. Vì thế, không thể có vùng đất nào giống hệt vùng đất nào. Chúng ta ở mỗi nơi hoàn toàn có thể phát huy hết năng lực và những giá trị riêng bởi thực sự chỉ có những con người sinh ra, lớn lên, dành trọn cuộc đời cho nơi ấy thì mới có thể thấu hiểu, phát huy hết những giá trị đó”.
Cái “lãi” mà Nguyễn Tấn Phát thu được là từ những ý tưởng của mình, suốt chục năm qua, mấy trăm học viên là trẻ nhỏ, người lớn tại Đường Lâm hoặc đến từ khắp nơi trên đất nước mình và cả du khách nước ngoài, mỗi người sẽ mang theo về nụ cười hiền lành của người nghệ sĩ tâm huyết với nghề; mang theo trong mình những dấu ấn khó phai với Đường Lâm và nhen nhóm những ký ức về sơn mài, tranh khắc gỗ…
Cũng như nhiều nơi, Đường Lâm đang thiếu những sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn địa phương đặc trưng để quảng bá hình ảnh của mình sâu rộng hơn nữa. Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đang từng ngày nâng tầm du lịch Đường Lâm, Sơn Tây xứ Đoài bằng chính sự sáng tạo và tâm huyết của mình.
Theo nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, hội nhập không nhất thiết phải đưa sản phẩm đi khắp năm châu. Muốn như thế thì ngay tại “sân nhà”, các sản phẩm ấy trước hết phải được hiểu, được yêu chuộng và người làm nghề, người làng nghề phải sống được, sống khỏe đã.
Anh cũng không giấu giếm tham vọng làm ra những tác phẩm nghệ thuật, có thể đặt trong không gian nghệ thuật và cũng có khi là những sản phẩm mini, hộp đựng đồ, là những thứ ai cũng có thể sử dụng trong cuộc sống thường ngày.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
