Cùng gìn giữ, quảng bá nghệ thuật truyền thống dân tộc
Loại hình sản phẩm tour du lịch này đã phổ biến trên thế giới song gần đây mới dần hiện hữu tại Việt Nam.
![]() |
Du khách thích xem biểu diễn rối nước |
Hội An đã rất thành công với chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” với ánh sáng, âm nhạc, đạo cụ rất đẹp cùng dàn diễn viên thể hiện rất chuyên nghiệp khiến cho Hội An trở nên gần gũi hơn với cả người Việt lẫn du khách quốc tế.
Cũng tại một miền di sản khác là Quảng Ninh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hạ Long (thuộc Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ Giải trí THQ) lại chọn biểu diễn văn hóa truyền thống Bắc bộ làm ngôn ngữ kể chuyện.
“Trong số nhiều loại hình nghệ thuật, THQ tin rằng, loại hình nghệ thuật này đủ sức hấp dẫn, cuốn hút không chỉ khán giả Việt mà cả du khách quốc tế bởi tinh hoa văn hoá của dân tộc đã được lưu giữ và kết tinh trong từng làn điệu dân ca, như là cách để chúng tôi quảng bá mạnh mẽ, giúp khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương trong mỗi người con Việt Nam”, ông Dương Văn Quý, Tổng giám đốc Nhà hát chia sẻ.
Tọa lạc tại Khu biệt thự Tây Hùng Thắng, phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, Quảng Ninh, cửa ngõ của thành phố Hạ Long, hiện tại nhà hát trở thành điểm đến của nhiều đoàn khách du lịch chủ yếu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia bởi lịch trình hợp lý cho du khách (gồm 4 suất diễn lúc 16h30, 17h30, 18h30 và 19h30); thời lượng vừa đủ 42 phút/show; không gian vừa rộng để đón đoàn khách đông (có sức chứa lên tới 280 người).
Sau một hành trình tham quan, được thư giãn, thả mình trong bầu không khí nghệ thuật dân gian truyền thống độc đáo, mang bản sắc Bắc bộ riêng có của người Việt. Như: hát quan họ mời trầu – làn điệu dân ca đậm chất kinh Bắc, với những liền anh liền chị mớ ba mớ bảy nấu nước, pha trà mời khách, giao duyên tình tứ. Một truyền thống hiếu khách của vùng đất quan họ Bắc Ninh.
Đó còn là tiết mục độc tấu sáo Mèo, độc tấu đàn bầu, các loại nhạc cụ dân tộc; múa hát “Cô đôi thượng ngàn” – làn điệu hát tín ngưỡng của người Việt, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, hay múa Dao. Song hơn nửa thời lượng show diễn được dành cho múa rối nước (Tễu, múa rồng, múa tiên). Chẳng phải múa rối nước được coi là đặc sản của Việt Nam đó sao. Nhiều khách thích thú, bấm máy liên tục, lưu lại khoảnh khắc đẹp, chẳng để cho riêng mình, mà còn muốn chia sẻ với người thân khi về nước, một du khách Ôxtralia chia sẻ.
“Nhà hát chọn nghệ thuật truyền thống làm điểm nhấn cho mỗi xuất diễn không chỉ muốn tái hiện lại bức tranh quê, cuộc sống thường nhật của người dân vùng Bắc bộ, quan trọng hơn, muốn tôn vinh những giá trị nghệ thuật truyền thống của đất nước, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, đến bạn bè quốc tế, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Dịch vụ giải trí THQ Dương Văn Quý nhấn mạnh.
Mới ra mắt công chúng chừng 3 tháng, “Bản sắc văn hóa Việt” - chủ đề Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hạ Long hướng tới, cộng hưởng với sự mến mộ của du khách, chương trình được kỳ vọng sẽ tạo thêm một “đặc sản” mới cho du lịch Hạ Long. Điều này góp phần “níu chân” du khách, kéo dài thời gian lưu trú cũng như tăng chi tiêu, vừa góp phần làm phong phú thêm cho sản phẩm du lịch Hạ Long, vừa tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là cho các diễn viên các đoàn nghệ thuật truyền thống của Quảng Ninh.
Theo các nhà nghiên cứu du lịch, sản phẩm du lịch là tập hợp các hoạt động, được bắt đầu từ khi du khách rời khỏi nơi cư trú cho tới khi kết thúc chuyến đi và trở về điểm xuất phát ban đầu.
Trong đó, bên cạnh những yếu tố cốt lõi như tài nguyên du lịch, cơ sở lưu trú và các hãng lữ hành, thì sản phẩm du lịch còn bao gồm: nhà hàng, khu vui chơi giải trí, casino, trung tâm mua sắm, đồng nghĩa cần chú trọng xây dựng, phát triển ngành công nghiệp văn hóa vừa góp phần làm gia tăng giá trị cho nền kinh tế quốc gia vừa là giải pháp hữu hiệu để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Chỉ khi nào đa số người dân trong nước yêu thích âm nhạc, phim ảnh, sân khấu của đất nước mình, và tin tưởng tiêu dùng sản phẩm văn hóa của dân tộc mình thì mới đủ tự tin để quảng bá giá trị văn hóa dân tộc ra thế giới.
Để tiếp tục kế thừa và phát huy “Bản sắc văn hóa Việt” cần phải có tri thức và bản lĩnh, sự linh hoạt và sáng tạo mới mong biến di sản văn hóa thành tài nguyên, thành sức mạnh nội sinh và động lực phát triển. Bên cạnh đó là tận dụng tối đa những ưu thế của công nghệ thông tin để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá những nét đẹp đặc sắc riêng có của văn hóa cha ông đến với giới trẻ, ra thế giới.
Mong sao Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hạ Long có thêm nhiều nội lực, mãi giữ lửa để du khách được thư giãn, thăng hoa cùng các nghệ sĩ.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
