Khi nàng Kiều lên sâu khấu kịch
Trong buổi tổng duyệt, vở Kiều đã để lại nhiều ấn tượng với người xem bởi sự đầu tư công phu và những thử nghiệm táo bạo trên sân khấu. Tới đây, nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, vở “Kiều” dựa theo tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du sẽ được biểu diễn chính thức phục vụ khán giả tại Nhà hát Kịch Việt Nam (Tràng Tiền, Hà Nội).
![]() |
Vở Kiều do nhà văn Nguyễn Hiếu chuyển thể từ tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du |
Vở Kiều do nhà văn Nguyễn Hiếu chuyển thể từ tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, NSND Anh Tú biên kịch và đạo diễn với diễn xuất của các nghệ sĩ tài năng của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Kiều là vở kịch có số lượng nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát tham gia đông kỷ lục, lên tới hơn 60 người, trong đó có nhiều nghệ sĩ tài năng được công chúng yêu mến: Diễm Hương (vai Thúy Kiều), Tạ Minh (vai Từ Hải), Tô Dũng (vai Kim Trọng), Khuất Quỳnh Hoa (vai Thúy Vân), Xuân Bắc (vai Hồ Tôn Hiến), Phú Ðôn (vai gã bán tơ), NSND Lan Hương (vai vợ gã bán tơ)...
Ðược biên tập và dàn dựng rút ngắn về dung lượng so với nguyên tác, nhưng vở diễn vẫn giữ nguyên những giá trị của tác phẩm, phản ánh giá trị hiện thực của xã hội loạn lạc, đầy rẫy bất công và thân phận của người phụ nữ thời phong kiến, đồng thời ngợi ca vẻ đẹp của tình yêu, lòng hiếu thảo, thủy chung, sự bao dung, vị tha và của vẻ đẹp tài, sắc, chí khí anh hùng…
Điểm mới của vở diễn là phong cách sân khấu được dàn dựng với nhiều thể nghiệm nhằm hấp dẫn khán giả trẻ. Theo NSND Anh Tú, trang phục của các diễn viên được thiết kế riêng, phù hợp với từng tính cách nhân vật. Đó là nhân vật Mã Giám Sinh, để lột tả sự tham lam, trang phục của Mã Giám Sinh có hình ảnh đồng tiền. Với Sở Khanh là hình ảnh con bướm cho thấy sự lọc lừa, mưu đồ và tính cách sở khanh của y với phụ nữ.
Bên cạnh đó sân khấu không được làm theo phong cách truyền thống với bục, bệ, phông hậu mà chủ yếu với nền chủ đạo là hoa sen. Hoa sen như một con người có diện mạo, có tâm hồn làm nền cho vở diễn. Kiều còn là vở kịch đáng xem khi kết hợp sinh động và hấp dẫn những hình thức hát, múa và động tác hình thể trong các cảnh diễn. Xuyên suốt là hình ảnh hoa sen làm nền trên sân khấu từ khi hé nở, sung mãn đến tàn khô, héo úa như hàm ý chứa đựng, bổ khuyết cho thân phận của một nàng Kiều tài sắc bị đày ải.
Hình ảnh vươn lên của hoa sen thanh khiết giữa bùn đen đã mang nhiều ý nghĩa bởi vượt lên tất cả chính là sự dâng hiến những cái đẹp, cái tinh túy nhất cho tình yêu, cho cuộc đời. Đây cũng là một thủ pháp mà theo NSND Anh Tú, sẽ làm cho sân khấu bớt cũ, bớt xa cách, đặc biệt là không làm cho giới trẻ thấy nhàm chán.
Ngoài ra, đạo diễn cũng đưa nhiều múa, hát vào vở kịch. Đặc biệt, phụ trách âm nhạc cho vở diễn, nhạc sĩ Giáng Son đã khai thác phần hát ở dạng ca khúc pop ballad nên rất dễ dàng được giới trẻ tiếp nhận. Kiều cũng thể hiện được phần nào tính dự báo của nguyên tác Truyện Kiều về những vấn đề xã hội khi đồng tiền và quyền lực không chân chính lên ngôi, sẽ làm đảo lộn nhiều giá trị, trong đó có những giá trị đạo đức tốt đẹp.
Đạo diễn NSND Anh Tú chia sẻ: “Kiều không chỉ là thân phận phụ nữ tài sắc trong môi trường như thế, mà còn có tính dự báo, khi đời sống xã hội không còn an ninh trong tâm hồn, trong trái tim con người thì mọi thứ đều vẹo vọ. Trong môi trường như thế, con người tốt không tồn tại được. Khi dựng vở này, tôi đặt mình trong từng vai diễn, cố gắng tìm cái tốt trong từng nhân vật.
Ví dụ, khi dựng nhân vật Tú Bà cho diễn viên Thúy Phương tìm cái tốt trong con người Tú Bà. Tú Bà cũng từng là gái bán phấn buôn hương, cũng trải qua thời trẻ bị giày vò, đến khi hết thời mới trở thành “má mì”. Tôi cố gắng đưa một vài chi tiết để nhân vật thể hiện cái tốt, nhưng phần tốt này không đủ để neo đậu lại”.
Nghệ sĩ trẻ Diễm Hương đã thể hiện thành công một nàng Kiều không cam chịu số phận mà còn biết đấu tranh quyết liệt cho quyền lợi và hạnh phúc của bản thân. Diễm Hương chia sẻ, vẫn xuất hiện trên sân khấu và truyền hình trong các vai hài, được giao vai Kiều ban đầu là một áp lực rất lớn với Diễm Hương. “Khi được giao vai Kiều, tôi có nói với chú Nguyễn Hiếu (tác giả kịch bản) rằng: “Chú ơi, con lo lắm, Kiều đẹp như vậy, con làm sao mà diễn được”.
Chú bảo: “Con cứ đóng theo cảm nhận của mình. Từ xưa đến nay, ai cũng biết Kiều đẹp, nhưng không ai biết Kiều đẹp như thế nào. Quan trọng là con diễn để khán giả thấy Kiều như thế nào”. Vì thế, tôi đã tự tin để diễn Kiều. Tôi đã khóc, đã cười theo thăng trầm của số phận nàng Kiều”.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
