Còn mãi những “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”
Đây là dịp để các nghệ sĩ tưởng nhớ, tri ân một “tượng đài sân khấu kịch nước nhà” và cũng là cơ hội để khán giả đắm chìm vào những cảm xúc mà các vở diễn của Lưu Quang Vũ mang tới.
![]() |
Một cảnh trong vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy (kịch bản Lưu Quang Vũ) do Nhà hát Tuổi trẻ dựng lại |
Ngược dòng thời gian, tháng 9/2013, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng đã tổ chức Liên hoan các vở kịch của tác giả Lưu Quang Vũ nhằm tưởng niệm 25 năm ngày mất của nhà viết kịch này. Ở sự kiện cách đây 5 năm, công chúng yêu nghệ thuật sân khấu đã được thưởng thức nhiều vở diễn nổi tiếng do Lưu Quang Vũ sáng tác do các đơn vị như Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hải Phòng, Kịch nói Nam Định, Ca kịch Huế... dàn dựng.
Điều đặc biệt, trong các đêm diễn, khán phòng đều kín khán giả và từ đó khơi dậy niềm đam mê, thói quen, tình yêu đối với sân khấu Việt nói chung, các vở diễn của Lưu Quang Vũ nói riêng.
5 năm trước, Liên hoan các vở kịch của tác giả Lưu Quang Vũ đã giới thiệu đến người xem những tác phẩm đặc sắc, giàu giá trị nội dung và nghệ thuật của tác giả họ Lưu. Dù các vở diễn được sáng tác qua một phần tư thế kỷ, nhưng những tác phẩm của Lưu Quang Vũ để lại vẫn mang tính thời sự và có sức hấp dẫn với công chúng.
Các vở diễn như: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Trái tim trong trắng”, “Ông không phải bố tôi”, “Mùa hạ cuối cùng”, “Lời thề thứ 9”… được dàn dựng lại, nhưng có sự kết hợp với yếu tố điện ảnh, ngôn ngữ mới mẻ đã làm tăng hiệu quả, tác động đối với người xem.
Vẫn là những câu chuyện xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, những bài học về sự trung thực, dũng cảm, đấu tranh hay sự né tránh trước cái xấu, cái sai trái… nhưng kịch của Lưu Quang Vũ không mờ phai giá trị và chinh phục khán giả bằng giá trị chân - thiện - mỹ.
Nếu vở: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là sự dằn vặt đấu tranh giữa linh hồn và thể xác, giữa dục vọng và lý tưởng để con người được trở về chính bản chất của mình, thì vở kịch “Ông không phải bố tôi” lại phản ánh những vấn đề trong mối quan hệ gia đình, những đổi thay của luân thường đạo lý xã hội, sự xuống cấp đạo đức khi giá trị đồng tiền lên ngôi.
Ông Trương Nhuận, nguyên Giám đốc nhà hát Tuổi Trẻ, nhận xét, cho đến giờ, nhiều nhà hát, đơn vị chuyên nghiệp vẫn dàn dựng kịch của Lưu Quang Vũ đã chứng tỏ rằng hơi thở của đời sống và những vấn đề mà các vở kịch phản ánh vẫn rất gần gũi đối với công chúng và người ta cảm nhận được. Về mặt triết lý, tư tưởng vở diễn của Lưu Quang Vũ đều mang tính nhân văn và cũng có yếu tố đấu tranh quyết liệt với cái ác, cái sai, triết lý tạo ra công bằng xã hội.
Trên thực tế, các vở diễn của Lưu Quang Vũ vẫn được các nhà hát, đơn vị dựng lại thời gian gần đây vì “chất” kịch Lưu Quang Vũ còn nguyên vẹn với đời sống đương đại. Đến dịp này, Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ càng cho thấy tầm quan trọng và sự ảnh hưởng của những tác phẩm Lưu Quang Vũ để lại vẫn rất lớn.
Theo ông Nguyễn Sĩ Tiến - Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, chia sẻ, qua các vở diễn lần này, Ban tổ chức không chỉ muốn khơi lại giá trị tư tưởng, nhân văn của cố tác giả Lưu Quang Vũ mà còn hoài niệm đến thời hoàng kim của sân khấu kịch. “Tác phẩm của ông đã làm nên tên tuổi của nhiều thế hệ nghệ sĩ sân khấu nói chung và diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ nói riêng”, ông Nguyễn Sĩ Tiến nhấn mạnh.
Tại Liên hoan lần này, các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ sẽ trình diễn 4 vở kịch nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ, đó là: Lời nói dối cuối cùng, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Ai là thủ phạm, Lời thề thứ 9. Đây là các vở diễn từng giành huy chương tại các kỳ liên hoan sân khấu toàn quốc của Nhà hát Tuổi trẻ.
Đặc biệt, ngoài 3 vở diễn đã quen thuộc với khán giả thì vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy (Huy chương vàng Liên hoan Kịch nói Toàn quốc 2018) do nghệ sĩ Nguyễn Sĩ Tiến dựng lại, vừa ra mắt thời gian gần đây sẽ chinh phục và để lại cảm xúc cho khán giả. Nội dung Hoa cúc xanh trên đầm lầy xoay quanh cuộc tình tay ba giữa Hoàng - Liên - Vân. Họ là những người bạn và chung kỷ niệm về bông cúc xanh trên đầm lầy thuở ấu thơ. Lớn lên, Hoàng trở thành kỹ sư với đầy ắp sáng kiến của nhà điều khiển học. Vân là họa sĩ và yêu Liên - giáo viên.
Vở kịch này đặt ra vấn đề: Đâu là hạnh phúc đích thực mà con người hướng đến? Trong xã hội hiện đại, con người phụ thuộc quá nhiều vào máy móc, trí tuệ nhân tạo dễ khiến cho tâm hồn trống rỗng. Cụ thể, Hoàng vì tham vọng cá nhân, mất lý tính, sử dụng tài năng vào việc làm phi lý. Trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc, anh thay đổi lẽ tự nhiên để tạo ra thế giới huyễn hoặc về cái tốt tuyệt đối. Sự xuất hiện của người máy Vân - Liên khiến cuộc sống càng trở nên phức tạp, thật - giả lẫn lộn. Tình bạn giữa Liên, Vân và Hoàng rạn nứt.
NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ, liên hoan lần này hứa hẹn mang đến cho khán giả một không gian nghệ thuật nhiều cảm xúc đẹp, nước mắt, tiếng cười cùng những thổn thức, đồng vọng. Và đồng thời thêm một lần nữa khẳng định tài năng, những giá trị nghệ thuật đích thực trong kịch Lưu Quang Vũ sẽ vẫn tiếp tục được trân trọng, vinh danh, tỏa sáng.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
