Kịch bản sân khấu: Bao giờ “bắt kịp” Lưu Quang Vũ?
Từ sức sống kịch Lưu Quang Vũ
Có thể nói, trong lĩnh vực sân khấu, tài năng và những triết lý sâu sắc của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã được thừa nhận thông qua các tác phẩm kịch mà ông đã để lại. Các vở của Lưu Quang Vũ ra đời cách đây vài thập kỷ được các nhà hát dựng lại như “Bệnh sĩ”, “Ông không phải là bố tôi”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Lời thề thứ 9”… luôn được khán giả hào hứng đón nhận và các nhà hát thường không còn ghế trống.
![]() |
Cảnh trong vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” (tác giả Lưu Quang Vũ) do các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn |
Vì sao kịch của Lưu Quang Vũ lại có sức hút? Bởi yếu tố nhân văn luôn đầy ắp trong các tác phẩm của ông, ngoài ra, tính dự báo cho tương lai để con người thời điểm hiện tại lường trước được để tránh, để điều chỉnh làm sao cho phù hợp với đời sống hiện tại là mắt xích để kịch của tác giả họ Lưu không bị vỡ hay tuột ra bởi sự thay đổi thời gian.
Tiêu biểu cho điều này là vở “Bệnh sĩ” mà Lưu Quang Vũ đã viết, được một số nhà hát nước ta dựng lại thành công và tạo dấu ấn với người xem. Với nhãn quan nhạy bén, Lưu Quang Vũ thấy hạt nhân mâu thuẫn của con người trong thời đại cơ chế đang chuyển đổi và ông đưa vào các sáng tác của mình.
Chưa chính thức công diễn, nhưng buổi tổng duyệt vở “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ do Nhà hát Tuổi trẻ dựng lại gần đây đã thu hút được sự quan tâm, đón đợi của đông đảo khán giả. Đầu tháng 3/2018 “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” mới chính thức ra mắt người xem, nhưng nhiều nghệ sĩ tham gia vở diễn dự đoán các suất diễn của tác phẩm này sẽ lại chật kín khán giả.
Bởi lẽ, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” là kịch bản sân khấu duy nhất hàm chứa nhiều yếu tố giả tưởng của Lưu Quang Vũ, câu chuyện thể hiện nhãn quan vượt thời đại khi đi sâu khai thác những yếu tố hết sức mới mẻ ngay cả trong cuộc sống đương đại.
Vở diễn xoay quanh cuộc tình tay ba giữa Hoàng – Liên – Vân, những người bạn trẻ đã một thời đầy ắp những kỷ niệm với bông cúc xanh trên đầm lầy giữa miền quê yên ả. Khi trưởng thành, ngày Hoàng cầu hôn Liên cũng là ngày cô trao thiệp cưới của mình với Vân. Quá đau khổ, Hoàng với khả năng của mình đã “chiếm đoạt” được Liên khỏi tay Vân. Nhưng trái tim Liên sẽ thuộc về ai? Kỹ sư Hoàng tài ba làm chủ cuộc chơi hay họa sĩ Vân lãng mạn, phóng khoáng…
Với vở diễn, khán giả sẽ thấy được trạng thái của các nhân vật khi gặp lại quá khứ hay nhìn thấy tương lai của mình trên sân khấu một cách sinh động, đầy mâu thuẫn cuốn hút giữa những giá trị đối nghịch nhau cùng niềm tin vào những điều tốt đẹp, nổi bật lên thông điệp xuyên thời gian mà vở diễn gửi gắm: Hạnh phúc mới thực là điều người ta mong mỏi nhất.
Ngày nay, viễn cảnh về một thế giới nơi con người và máy móc chung sống với nhau, câu chuyện càng trở nên gần gũi với thực tại hơn bao giờ hết. Những cỗ máy với trí tuệ nhân tạo có thể thâm nhập ngày càng sâu vào đời sống xã hội, giúp mang đến một cuộc sống tiện nghi, hoàn thiện. Tuy nhiên, chỉ bằng một lát cắt máy móc, con người cũng có thể bước sang một hệ giá trị khác làm xói mòn những giá trị thiêng liêng, tạo ra những hố sâu trống rỗng trong tâm hồn và Lưu Quang Vũ đã giúp chúng ta thức tỉnh.
Thiếu kịch bản hay, yếu khát vọng
Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao kịch do Lưu Quang Vũ viết từ rất lâu nhưng vẫn nồng nàn, da diết, sâu cay và mang tính thời đại để khán giả ngày nay vẫn yêu mến tới rạp; còn các kịch bản của nhiều tác giả trẻ hiện nay khi dựng vở thì dường như có hiệu ứng ngược lại. Phải chăng đây là một nghịch lý cho thấy sự yếu hoặc thiếu một đội ngũ những người sáng tác kịch tài năng của thời hiện tại?
Có người nhận định, các tác giả trẻ hiện nay chưa “liều”, tức là chưa thật sự dũng cảm như Lưu Quang Vũ khi dám nhìn thẳng vào góc khuất của xã hội, của con người, để cảnh tỉnh điều gì đó cho đồng loại đang sống và cho tương lai.
Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam hàng năm vẫn tổ chức các lớp tập huấn, trại sáng tác kịch bản sân khấu; tổ chức thi sáng tác kịch bản và trao giải hàng năm. Tuy nhiên, dù có rất nhiều tác giả “hạ sinh” được “con tinh thần” thì NSƯT Lê Chức – Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu từng thừa nhận “tìm được kịch bản có chất lượng rất hiếm, chưa có kịch bản nào gây tiếng vang thực sự”.
Đó là thực tế đáng buồn. Kịch cũng như điện ảnh, các tác phẩm hiện nay chỉ mang tính chất giải trí gây cười là chính, mọi thứ trở nên hời hợt, lãng xẹt khiến khán giả xem xong không một tì vết ấn tượng. Có người trong nghề bày tỏ, đời sống thời hiện đại tác động làm tác giả mất đi khát vọng, cho nên người sáng tác không dám nhìn thẳng vào vấn đề để lý giải, phanh phui nó ra trước công chúng để xã hội nhìn thấy kể cả mặt tốt và mặt xấu, nên hiếm có tác phẩm xuất sắc.
Có lẽ vì thế mà các nhà hát của chúng ta hiện nay vẫn phải “mượn” những tác phẩm của Lưu Quang Vũ, để làm ấm lên những hàng ghế khán giả vốn lâu nay đã quen với sự lạnh lẽo. Nhưng điều đó có đáng vui, khi những người trong nghề hôm nay có tất cả “điều kiện cần và đủ”, vẫn phải đi “vay” khát vọng của người đã ở cõi thiên thu mà không chịu thắp lửa, không dám nhìn thẳng để lý giải, phanh phui như nhà viết kịch tài ba họ Lưu!?
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
