Bia hơi Hà Nội
![]() |
Ảnh minh họa |
Ở Hà Nội, người ta có thể tìm thấy những quán bán bia hơi từ sáng đến tận đêm khuya, và ngày càng nhiều quán bia hơi mọc ra để phục vụ nhu cầu ẩm thực của khách.
Khi đã nhập cuộc bia, người ta hết mình, thoải mái nâng cốc, tất cả mọi khoảng cách đều được xóa nhòa. Cái cảm giác ngồi uống bia hơi có gì bỗ bã, bình dân, và nhiều người thích thú. Quán bán bia hơi ngày càng trở nên phổ biến ở khắp nơi, nhưng dày đặc nhất vẫn không đâu khác ngoài Hà Nội.
Bia hơi giờ đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng, riêng biệt của người Thủ đô, chẳng thế mà có không ít người Nam, khi ra đến Hà Nội là phải tìm cách để thưởng thức bằng được vài cốc bia hơi, có người còn lặn lội lên tận cổng nhà máy để uống, để cảm nhận.
Bia hơi đã tạo nên một trào lưu trong thưởng thức, mà không hiểu sao cứ nhắc đến bia hơi, nó lại gợi nhớ đến hình ảnh những hàng quán đông đúc, ồn ào, có phần xô bồ, tràn cả ra các vỉa hè. Nhưng các thực khách vẫn thích không khí đó, họ cho rằng, uống bia hơi phải “bụi bặm” một tí, ồn ào một tí mới khoái.
Sẽ không quá đáng khi nói bia hơi là một phần của Hà Nội, là hiện thân của lịch sử khi nó đã có trên 100 năm tồn tại. Với tuổi đời ấy, giờ đây và từ rất lâu rồi, người ta uống bia hơi ngoài cái nghĩa như một đồ uống, một thứ nước giải khát, còn là uống để nhớ lại những ký ức một thời.
Nhiều người cho rằng ở Hà Nội, hiếm có thứ đồ uống nào lâu đời như bia hơi, nó có từ khi chính quyền Pháp xây dựng nhà máy bia Hommel vào năm 1890 trên phố Hoàng Hoa Thám. Và yếu tố quan trọng để bia hơi Hà Nội nhanh chóng trở thành một thứ đồ uống trứ danh là địa điểm xây dựng nhà máy.
Một người am hiểu văn hóa ở Hà Nội cho biết: Các chuyên gia người Pháp đã khảo sát và quyết định chọn địa điểm 183 Hoàng Hoa Thám để dựng nhà máy bia, mà yếu tố tiên quyết đó là nguồn nước. Với bia, nước không chỉ là một nguyên liệu chủ yếu mà còn là nguyên liệu quan trọng, quyết định hương vị của bia.
Trong thời bao cấp, bia hơi khá hiếm, người ta phải xếp hàng hàng giờ chỉ để đợi đến lượt được thưởng thức một cốc bia mát lạnh. Ngày đó, bia thường được bán kèm với lạc luộc, lạc rang. Cốc để uống bia hơi thường là cốc thủy tinh được thổi thủ công, thân cốc phải có các bọt khí li ti còn xót lại để tạo nên các hình ảnh và cảm giác vừa xù xì, vừa gai gai cho hợp với cái chất phong trần, lãng tử của những người yêu bia.
Không ai có thể thống kê nổi Hà Nội hôm nay có bao nhiêu quán bia hơi. Rất nhiều quán trương biển “Bia hơi Hà Nội thứ thiệt”, “Bia hơi Hà Nội nguyên chất”… Bây giờ, cũng có một vài hãng bia khác xuất hiện trên thị trường, nhưng bia hơi Hà Nội vẫn được ưa chuộng hơn cả.
Rồi một loại bia có phẩm cấp thấp hơn đã xuất hiện cũng khá lâu, đó là bia cỏ, được tung ra thị trường. Loại bia này thường được bán tại những hàng quán ở trong ngõ sâu, đầu ngách và các vùng ven đô. Không ít cơ sở nấu bia thủ công vẫn nhập lậu nguyên liệu, vì thế giá một lít bia cỏ xuất xưởng khá rẻ. Song giá bán lại không rẻ chút nào, có nơi 5.000 đồng/cốc, có nơi 7.000đồng/cốc 330ml.
Ở những quán này, người ta thường cho bia vào hầm đá, người uống thấy lạnh buốt, rất khó phân biệt bia đó có phải do Nhà máy Bia Hà Nội sản xuất không, có bị pha bia cỏ, pha những tạp chất khác không. Thế nên người uống quen thường đến những địa chỉ quen, đáng tin cậy để thưởng thức.
Ở Hà Nội có những phố bia, những quán bia lớn chứa được cả trăm người. Có quán dù rộng, nhưng đông khách cũng thành chật, bàn nọ sát vào bàn kia. Tiếng xe chạy ngoài đường dội vào, tiếng người chuyện trò cười đùa không dứt. Tiếng người gọi điện thoại di động như quát, hay tiếng của nhân viên phục vụ đang hớt hải chạy tới chạy lui như “ma đuổi” giữa các bàn để hỏi đồ, tiếp đồ, chạy bia...
Thi thoảng lại thấy một bàn nào đó nâng cốc bia lên ngang ngực, đồng thanh “dzô dzô” khí thế. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo thành một rừng âm thanh hỗn độn, có cả hỉ, nộ, ái, ố.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
