Xa rồi những mùa văn học trò
Thời hoàng kim đã xa
Lứa học sinh chúng tôi một thời hâm mộ các cây bút. Có thể kể đến nhiều gương mặt quen thuộc như Nguyễn Thị Châu Giang, Khánh Hạ, Trang Hạ, Nguyễn Vĩnh Tiến, Cỏ Mật, Dương Thụy, Hải Miên, Diệu Linh, Đinh Thu Hiền, Phong Điệp, Bình Nguyên Trang, Nguyễn Hoàng Long, Đào Phong Lan, Đàm Huy Đông, Bùi Đức Vinh… Sau một vài năm, lại có sự xuất hiện của Đông Vy, Hoàng Anh Tú, Chu Minh Khôi, Chu Minh Vũ, Nguyễn Trung Kiên…
Đến nay, nhiều bạn đọc yêu văn chương ngày đó vẫn còn giữ được những cuốn sổ chép thơ của các tác giả mà họ yêu thích. Thậm chí, còn sưu tầm những tuyển thơ tuổi học trò, thời áo trắng.
Thậm chí, có thời gian tôi còn tìm về tận nhà anh Đàm Huy Đông ở Văn Giang (Hưng Yên) để được thỏa nguyện là gặp mặt nhà thơ mình hâm mộ. Thậm chí tôi đã chép rất nhiều thơ của Đàm Huy Đông vào sổ và còn giữ được đến giờ.
![]() |
Độc giả trẻ tìm những cuốn sách yêu thích |
Khoảng thời gian phát triển của một giai đoạn hồn nhiên, trong trẻo là từ năm 1992 đến năm 2000. Kể từ năm 2000, các bút nhóm đi vào thoái trào. Bây giờ, nhiều người vẫn nuối tiếc về một thời, mà khi nhắc đến văn học dành cho tuổi trẻ, là người ta nghĩ đến một “dàn đồng ca” với rất nhiều cây bút có giọng văn trong trẻo, tha thiết nhưng cũng đầy day dứt. Không chỉ thơ, mà thể loại văn xuôi, tản văn cũng được nhiều bạn trẻ từ khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông đến sinh viên đại học tham gia.
Để làm nên những tên tuổi ấy, ngoài niềm đam mê, thì họ đã có các mái nhà chung để được giao lưu, học tập và đăng tải trên những ấn phẩm đẹp như báo Hoa học trò, Ước mơ xanh, Áo trắng, Nữ sinh, Mực tím…
Cùng với đó, nhiều bút nhóm được thành lập. Khởi đầu cho sự phát triển rực rỡ ấy, chính là sự ra đời của Hội bút Hương đầu mùa, với “mẹ” là báo Hoa học trò. Tiếp sau đó là sự ra đời của Gia đình Áo trắng, có “đất diễn” là báo Áo trắng.
Rồi các bút nhóm như Biển xanh Quy Sơn (Bình Định), Dã quỳ (Lâm Đồng), Tây Đô (Cần Thơ), Hoa cát (Nghệ An), Vòm me xanh (báo Mực tím), Hương nhãn (Hưng Yên)… là những địa chỉ được lập lên nhằm phát hiện và gọi mời các cá nhân có khả năng văn chương vào sinh hoạt, rồi gắn kết với các báo, tạp chí phù hợp để đăng tải tác phẩm.
Tất cả tạo nên vườn văn chương muôn hương, muôn sắc, trải khắp ba miền. Cây bút Diệu Linh, trong dịp kỷ niệm báo Hoa Học trò tròn 20 tuổi, đã tâm sự: “Chúng tôi chỉ là những cô bé, cậu bé mặt non búng sữa, tóc mây rối bời và báo Hoa Học trò như một chân trời mới mở ra đầy háo hức và mời gọi.
Những sáng tác của bạn bè cùng trang lứa chắc hẳn đã kích thích chúng tôi viết ra những mơ mộng, xốn xang của tuổi học trò. Hồi đó, chúng tôi viết như nghĩ với những khát khao mà ảo tưởng đầy lãng mạn”.
Không phải ai cũng đi hết con đường
Khoảng giữa năm 2009 với sự phát triển của internet thì không khí sinh hoạt của các câu lạc bộ, bút nhóm cũng dần mờ nhạt, thiếu vắng. Nhiều bút nhóm cũng không hoạt động. Nhà thơ Trần Hoàng Nhân, tiếc nuối cho rằng, ngay cả Hội bút Hương đầu mùa của báo Hoa Học trò lớn và uy tín như thế cũng giải tán. Rồi giải thưởng Tác phẩm Tuổi xanh của báo Tiền Phong cũng “khép lại”.
Gần hơn nữa là năm 2005 trang thơ Bút Mới định kỳ thứ năm hàng tuần trên báo Tuổi Trẻ cũng bị “tạm ngưng”... Tức là, các sân chơi “đóng cửa”, không còn chỗ đăng tải các sáng tác của những cây bút trẻ.
Khi còn sống, cố giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, một người từng có nhiều bài thơ cho lứa tuổi sinh viên, được đón nhận cho rằng: Trong môi trường giáo dục khá tốt, các tác giả có được niềm đam mê và được tạo sân chơi. Hơn thế nhờ một thế hệ bạn đọc truyền thống đón nhận, càng kích thích nhiều cây bút sáng tạo và đã làm nên diện mạo văn chương trẻ lúc đó.
Để nói một khoảng thời gian chính xác thì từ năm 2005, việc in sách trở nên đơn giản. Dòng văn học thị trường phát triển, lên ngôi. Nhưng bạn đọc không còn thấy cái sự trong trẻo của ngày xưa. Không ít bạn viết trẻ giờ đây sáng tác theo kiểu “mì ăn liền”, chiều theo thị hiếu của một bộ phận bạn đọc trẻ thích dòng sách ngôn tình, nhạt nhẽo, mà những người làm phê bình văn học trẻ cho rằng đó là dòng “văn học thời trang”.
Bởi thời trang thì có niên hạn, nay mới mai cũ, không có chiều sâu và không thể găm vào trái tim bạn đọc. Có người nói, đó là xu hướng chung của thị trường mà chúng ta buộc phải sống chung.
Thế rồi, lòng lại thấy tiếc nuối. Nhiều trong số những cây bút nổi đình nổi đám một thời đã “biến mất”, không động đến văn chương nữa mà giá kể, họ vẫn còn là những ngọn đuốc sáng thì có phải tốt biết bao. Có người đi mở doanh nghiệp, làm trang trại, người đi làm báo, lại có người “dạt vòm” sang trời Tây. Chỉ một số ít thì vẫn bền bỉ sáng tạo.
Nói về nguyên do các cây bút gác bút, nhà văn Phong Điệp cho hay: “Công việc sáng tác văn chương không giống như dàn hàng ngang mà chạy. Mà là chạy nước rút. Có anh sẽ bền bỉ chạy về đích. Có anh không đủ sức thì bỏ cuộc giữa chừng. Bởi trong cuộc sống có nhiều thay đổi. Nhiều người thấy không còn khả năng nữa thì họ dừng. Vả lại, bây giờ việc chăm sóc, phát hiện các cây bút không được tốt như ngày xưa. Ngày nay người ta có nhiều mối quan tâm khác”.
Văn chương là con đường chông gai và nghiệt ngã. Chỉ ai có đủ sự dấn thân, tài năng cũng như niềm đam mê mới đủ sức đi hết con đường. Bằng không, sẽ bị bỏ lại phía sau.
Như nhà thơ Bình Nguyên Trang nói rất có lý: “Những sáng tác của tuổi học trò, có thể nói vẫn còn quá bản năng. Nhớ thời văn chương tuổi học trò trong trẻo, sôi động, nhưng tôi nghĩ rằng đó là quy luật. Không có đủ khả năng để đi tiếp, hướng đến cái đẹp của văn chương, thì người ta chọn con đường khác. Miễn là vẫn cống hiến cho đời”.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
