Sống mãi “Nhật ký thời chiến Việt Nam”
Trong bộ sách này, không chỉ có nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” mà còn có hàng chục cuốn nhật ký đầy máu lửa khác. Đó là nhật ký “Gửi lại mai sau” của liệt sĩ Công an nhân dân vũ trang Nguyễn Minh Sơn. “Gửi lại mai sau” là những trang viết về nội tâm của một con người hy sinh ở tuổi 37 được tôi luyện trong khói lửa kháng chiến, trong những khoảnh khắc đấu tranh quyết liệt giữa sự giả dối, cơ hội và trung thực, giữa sự bi lụy và khí phách anh hùng... nhưng trên hết là tinh thần lạc quan Cách mạng. Tất cả những điều này lý giải tại sao những cán bộ công an đi B có thể vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và sẵn sàng “Vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ”. Bên cạnh đó, Bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” còn đem đến cho bạn đọc Nhật ký chiến tranh của anh hùng, nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong; Nhật ký chiến trường của liệt sĩ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý; Nhật ký Vượt Trường Sơn của TS. Phạm Quang Nghị; Nhật ký Bê trọc của nhà văn - TS. Phạm Việt Long; Nhật ký đi B của cố nhà văn Triệu Bôn…
![]() |
Bìa bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” |
Đó còn là nhật ký “Tài hoa ra trận” đầy chất văn chương lãng mạn của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân (bạn cùng lứa của hai người nổi tiếng là họa sĩ Thành Chương và họa sĩ Lê Trí Dũng). Đây là nhật ký cực kỳ xúc động, người viết ra nó không chỉ ghi lại một cách trung thực tất cả những gì trên từng chặng đường hành quân gian khổ và trong những tháng ngày sống, chiến đấu tại chiến trường ác liệt mà còn thể hiện bản lĩnh anh hùng của mình trong những điều tưởng như rất bình thường. Người chiến sĩ, nghệ sĩ ấy đã ra chiến trường, đã biết thế nào là “mùi” của chiến tranh nhưng khi được trở về hậu phương, được cử đi học, người chiến sĩ ấy vẫn xung phong trở lại chiến trường... Các nhà thơ Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Lữ Huy Nguyên trước kia khi đọc những trang nhật ký của Hoàng Thượng Lân đều đánh giá cao và có một nhận xét chung: đó là những trang viết xương máu của cuộc đời người chiến sĩ.
Bạn đọc còn có dịp được tiếp cận với nhật ký thời chiến “Trở về trong giấc mơ” của liệt sĩ Trần Minh Tiến, người đọc dễ dàng cảm nhận được cuộc đấu tranh nội tâm giằng xé của chàng trai trẻ khi phải đối diện giữa một bên là khát vọng tình yêu lứa đôi và bên kia là ý thức dâng hiến đời mình cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Trong nhật ký đầy xúc động này, người lính trẻ đã nhắc đến một người con gái có tên Lưu Liên, người được dành tặng một tình yêu rất sâu sắc. Đọc những trang nhật ký trong bộ sách, mọi người sẽ hiểu thêm về những nỗi vất vả, gian truân trong bước hành quân của người lính, về những diễn biến tâm tư tình cảm, về lý tưởng cộng sản, về tình yêu chung thủy nồng nàn của một thế hệ đã sinh ra và lớn lên trong thời chiến, để thế hệ trẻ thấy được thế hệ cha ông của mình đã sống và hành động như thế.
Nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ, bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” thực hiện trong 16 năm, từ năm 2004 đến năm 2020 và tập hợp 30 tác phẩm của 30 tác giả. Bộ sách gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang do quỹ “Mãi mãi tuổi 20” và thành viên CLB Trái tim người lính tổ chức bản thảo, Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành. Nhật ký là những trang viết đáng tin cậy. Tất cả những gì ta đọc được ở đây là sự thật, dù nó có thể thô ráp, nhưng tươi ròng và sống động, bởi hoàn toàn là những con người thật, những địa chỉ thật, những sự việc thật và những tâm trạng rất thật! Không ai có thể buộc được người ta phải nói thật suy nghĩ của lòng mình, nhất là sự ấm ức, bất công và nỗi buồn nản trong cuộc đời; kể cả tâm trạng “sống trong sợ hãi” tại chiến trường. Nhưng với nhật ký, thì người viết “tự nguyện” nói ra tất cả điều ấy…
Ông Lê Hồng Liêm, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, phó chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia thì nhấn mạnh: “Không chỉ có nhật ký thành văn mà có thể nhật ký qua truyền miệng, qua hình ảnh. Bộ sách này sẽ là hành trang tiếp lửa cho mỗi người chúng ta hôm nay và mai sau”. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ Nhất Hội Nhà văn Á – Phi khẳng định, bộ sách này đặc biệt có giá trị “bởi các tác giả viết những trang nhật ký này là viết ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, với quê hương họ. Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do không hề khiếp sợ và sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho đất nước”.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
