Quả ngọt của văn học với điện ảnh
Trong điện ảnh Việt thời gian qua, giới làm nghề đã tận dụng, khai thác từ tác phẩm văn học để đưa lên màn ảnh rộng nhiều thước phim hay. Các tác phẩm văn học được biết đến nhiều hơn nhờ hiệu ứng của điện ảnh, ngược lại, nhiều bộ phim được nâng tầm, nhân bản nhờ ý tưởng, độ sâu của văn học.
![]() |
Bộ phim “Cô gái đến từ hôm qua” thực hiện theo truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng gây “sốt” các phòng vé |
Theo TS. Nguyễn Văn Hùng (Đại học Khoa học Huế), chủ nhân cuốn sách “Những thế giới song hành: từ truyện ngắn đến điện ảnh” vừa ra mắt bạn đọc, bất kỳ thể loại, tác phẩm nào cũng có tiềm năng để chuyển thể lên màn ảnh. Chỉ khác là tác phẩm nào mang yếu tố điện ảnh rõ nét hơn. Đặc biệt, tác phẩm nào phù hợp với quan niệm và ý đồ của nhà làm phim. Đáng nói, điện ảnh có những thế mạnh riêng mà văn học không có, đó là khả năng đánh mạnh vào thị giác và thính giác người thưởng thức bằng ngôn ngữ của hình ảnh, âm thanh, dàn dựng, cảnh quay… Song, không phải điều gì cũng có thể hình ảnh hóa. Một tác phẩm văn học giàu yếu tố điện ảnh sẽ là lý tưởng để nhà làm phim chuyển thể. Song, cái kỳ diệu của ngôn từ văn học nhiều khi lại không nằm ở khả năng khêu gợi hình ảnh, mà ở chính ý vị triết học, trầm tư của nó.
Không chỉ hiện nay, việc chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh đã có từ nhiều chục năm trước, với nhiều bộ phim đã nhận nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim (LHP) trong nước và quốc tế. Điển hình là phim “Vợ chồng A Phủ” do Mai Lộc đạo diễn giành Bông sen Bạc trong LHP Việt Nam 1973, được chuyển thể từ truyện ngắn hay nhất trong tập “Truyện Tây Bắc” của nhà văn Tô Hoài. Phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” do NSND Phạm Văn Khoa đạo diễn, với kịch bản được chuyển thể từ các tác phẩm của nhà văn Nam Cao (Sống mòn, Chí Phèo và Lão Hạc). Còn phim “Chị Dậu” cũng bởi đạo diễn Phạm Văn Khoa, dựa trên nền tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố.
Khán giả cả nước cũng từng được xem bộ phim nổi tiếng “Bến không chồng” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng, phim “Thời xa vắng” chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Lê Lựu... Đó đều là những tác phẩm điện ảnh với “lõi” văn học được giới làm phim và khán giả nước ta đánh giá cao. “Bức huyết thư: Thiên mệnh anh hùng” của đạo diễn Victor Vũ thuộc dòng phim cổ trang, chuyển thể từ tác phẩm “Nguyễn Trãi phần 2: Bức huyết thư” của nhà văn Bùi Anh Tấn. “Chuyện của Pao” của đạo diễn Ngô Quang Hải được chuyển thể từ truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của nhà văn Đỗ Bích Thúy, đã đoạt Giải Cánh diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam, Giải đặc biệt tại LHP châu Á - Thái Bình Dương. “Hương Ga” của đạo diễn Cường Ngô cũng giành giải Cánh diều Vàng - được làm dựa trên tác phẩm “Phiên bản” của nhà văn Nguyễn Đình Tú... Đó đều là một trong những tác phẩm được giới làm phim ở nước ta đánh giá cao, khán giả yêu mến.
Thời gian qua, nhiều tác phẩm văn học chuyển thể thành phim và để lại tiếng vang lớn như phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (Victor Vũ đạo diễn) - được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm văn học khi được đưa lên màn ảnh vẫn cho thấy sợi dây kết nối khi đề cập tới tuổi thơ ở một làng quê nghèo khó, khơi gợi những ký ức đẹp đẽ trong mỗi người xem về thuở bé thơ cắp sách tới trường. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” bản điện ảnh đã dệt câu chuyện tuổi thơ ấm áp bằng những khung hình đẹp, lời thoại dễ thương phù hợp với các diễn viên nhí trong phim. Tác phẩm điện ảnh này đã “ẵm” nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế như Giải “Phim hay nhất” tại LHP quốc tế Silk Road ở Trung Quốc, Bông sen Vàng LHP Việt Nam, được công chiếu tại LHP Cannes, giải “Phim truyện hay nhất” tại LHP quốc tế thiếu nhi (LHP quốc tế Toronto).
Ăn khách không kém còn có bộ phim “Cô gái đến từ hôm qua” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Đây là tác phẩm điện ảnh mà ê-kíp làm phim đã biên kịch lại từ truyện dài ăn khách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, lập kỷ lục doanh thu phòng vé với việc thu về hơn 50 tỷ đồng chỉ sau khoảng hơn 5 ngày công chiếu. Bộ phim đã đánh trúng tâm lý khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ khi có những thước phim đẹp và trong trẻo, đồng thời gợi lại ký ức tuổi thơ của những ai đã đi qua quãng thời gian “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”.
Sức ép đối với các nhà làm phim, biên kịch, đạo diễn khi quyết định làm một bộ phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học, chính là làm sao để phim có sự mới mẻ, phù hợp với xu thế thời đại, bối cảnh và thị hiếu khán giả nhưng vẫn tôn trọng những giá trị gốc, giá trị cốt lõi của nguyên tác văn học. Đây vừa là thách thức, lại vừa là động lực cho sự sáng tạo của những người làm phim. Đáng mừng khi điện ảnh “bắt tay” với tác phẩm văn học đã tạo ra bộ phim chất lượng để phục vụ khán giả, đồng thời lấp lỗ hổng nguồn kịch bản hay.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
