Nỗi lo của ông Trùm làng chèo
Trong cuốn sách mới nhất được hoàn thành năm 2007 khi 82 tuổi, mang tên “Trần Bảng đạo diễn chèo”, chính ông đã hơn một lần đặt câu hỏi: “Tại sao chèo hiện đại chưa sản sinh ra được những hình tượng nghệ thuật ngang tầm với những Lão say, Suý Vân, Thị Màu… của chèo cổ?”. Đó là nỗi day dứt khôn nguôi của người được coi là ông “Trùm chèo” thời nay.
![]() |
Trùm chèo Trần Bảng |
Trần Bảng không ngần ngại thừa nhận rằng hai vở chèo nổi tiếng, được hâm mộ một thời của ông, từng được Giải thưởng Nhà nước như “Con trâu hai nhà”, “Đường đi đôi ngả”, thực chất chỉ là các “vở kịch nói pha các làn điệu chèo một cách vụng về”.
Ông tâm sự: ngay một vở chèo cổ như “Quan Âm Thị Kính” do chính ông trực tiếp chỉ đạo và đạo diễn phục hồi 3 lần vào các năm 1957, 1968. 1985 thì mãi đến lần thứ 3, năm 1985, Trần Bảng mới tìm ra được chìa khoá để giải mã hình tượng trung tâm của vở: nhân vật Thị Kính. Ấy là nhờ một lần tình cờ vãn cảnh chùa Mía, Trần Bảng đã giật mình sững sờ trước pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tại đây.
Trước mắt ông hiển hiện một Thị Kính với “nét mặt thanh thản rạng lên ánh hào quang của lòng từ bi, một đứa bé nằm trong lòng, tay chân quơ lên, ngây thơ sống động”. Trần Bảng thầm cám ơn người nghệ nhân tạo hình vô danh xưa đã nắm bắt và thể hiện thật tài tình cái thần hình tượng biểu trưng cho chữ Nhân, chữ Nhẫn thâm hậu của triết lý nhà Phật.
Chiêm ngắm bức tượng, ông ngộ ra: Thị Kính không phải là người phụ nữ mềm yếu, thụ động cam chịu những oan trái, khổ nạn của cuộc đời, không chỉ là một hình tượng dầm dề nước mắt như ông và đồng nghiệp đã từng phục dựng trên sân khấu. Thị Kính thực ra là hình tượng cho thấy oan khiên, bất hạnh dù trớ trêu, chất chồng, nghiệt ngã thế nào cũng không thể giết chết lòng trắc ẩn, sự vị tha của một con người.
Vở chèo “Quan Âm Thị Kính” vì vậy, không chỉ nhằm diễn tả nỗi oan và nước mắt Thị Kính, mà còn để thể hiện cái cách nhân vật này hoá giải tai hoạ của cuộc đời bằng tình yêu thương và sự hy sinh thầm lặng, cao cả. Trần Bảng đã cùng Nhà hát Chèo Việt Nam hào hứng dựng lại lần thứ 3 “Quan Âm Thị Kính” trong ánh sáng nhận thức mới đó. Sau gần 20 năm, sau 3 lần phục dựng, Trần Bảng và các đồng nghiệp mới trả lại được cho vở chèo cổ toàn bích này trọn vẹn giá trị đích thực của nó.
Trần Bảng cho rằng nguyên nhân chủ yếu làm chèo thời nay chưa ngang tầm với chèo cổ, là bởi những người làm chèo hiện tại chưa thực sự hiểu chèo, nắm vững chèo, từ tư tưởng nhân văn dân gian chân chất hiền minh đến luật chơi riêng, tư duy riêng, phương pháp sáng tạo riêng của nó. Cơn cuồng phong của xu hướng thương mại hoá nghệ thuật đã làm tan tác môi trường chèo truyền thống.
Sự bất cập tri thức nghề nghiệp, sự nguội lạnh lòng yêu nghề của những người hoạt động chèo khiến “bản năng sáng tạo bị tù hãm, trí tuệ sáng tạo bị khô cằn” lại làm chèo trở nên hời hợt, nhạt nhẽo, đầu Ngô mình Sở, đánh mất nhựa sống, đánh mất bản sắc, đánh mất khán giả. Không chỉ chưa thể ngang tầm với chèo cổ, chèo hôm nay đang đứng trước nguy cơ thui chột, mai một ngày càng nặng nề …
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà “trùm chèo” Trần Bảng đã đăng đàn thật ấn tượng tại Hội thảo Nghệ thuật tuồng toàn quốc do Cục Nghệ thuật biểu diễn và Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc phối hợp tổ chức đầu tháng 1/2009.
Cầm tinh con hổ, “chúa tể của muôn loài”, nhưng Trần Bảng lại là con người rất dị ứng với những biểu hiện của quyền uy, với sự khoa trương, cao giọng, đại ngôn, ngay cả khi ở những cương vị quản lý vĩ mô nền sân khấu đất nước thời “cực thịnh” như Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu, Phó tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
Hơn 20 năm nay, kể từ khi về hưu, ông dường như ẩn mình, lặng lẽ, chuyên cần làm những công việc yêu thích: dựng vở, dạy học, nghiên cứu…
Nhưng lần này thì con người lịch duyệt, khiêm nhường ấy xuất hiện, thật quyết liệt dữ dội với một bản tham luận đầy chất hiệu triệu: “Hãy trở về với tuồng gốc”. Khi cần thiết, vì sự sống còn của đồng loại, “lão hổ” họ Trần không đành lòng “ta nằm dài trông ngày tháng dần qua” mà đã cất tiếng gầm vang.
Lý giải thái độ thờ ơ lạnh nhạt của khán giả hôm nay với nghệ thuật tuồng, không chỉ của lớp khán giả trẻ mà cả những người từng hiểu biết và say mê tuồng, Trần Bảng thẳng thắn chỉ rõ đó là do tuồng không còn khí lực, đánh mất những nét đẹp độc đáo của tuồng truyền thống.
Bằng những bài học lịch sử về thất bại rõ ràng của các cuộc “cải cách” tuồng những năm 1930 và “hiện đại hoá” tuồng những năm 1980 và cả hiện nay, Trần Bảng khẳng định: “Các hình thức gọi là cải cách ấy chẳng mang lại hiệu quả gì mà chỉ làm cho di sản sân khấu quý báu này sa vào nguy cơ mai một trầm trọng hơn”.
Theo Trần Bảng, lịch sử đã chứng minh tuồng chỉ thực sự phục sinh, thăng hoa khi thực hiện chủ trương khai thác di sản nghệ thuật dân tộc của Đảng và Nhà nước bằng cuộc chấn hưng tuồng giữa thế kỷ XX (1955-1965), trở về với tuồng gốc, tuồng truyền thống. Bởi vậy, ông khẩn thiết đòi hỏi: “Cần thực hiện một cuộc chấn hưng tuồng lần thứ hai với phương hướng thành công của cuộc chấn hưng lần thứ nhất: trở về với tuồng gốc, để đưa tuồng ra khỏi cơn “bĩ cực” kéo dài hiện nay”.
Bằng chứng xác thực, lý lẽ khúc triết, đề xuất thuyết phục, kết luận dứt khoát, bản tham luận của vị lão trượng rất được yêu mến của sân khấu truyền thống đã nhận được sự đồng cảm chia sẻ sâu sắc và hoan nghênh nhiệt liệt của toàn bộ hội thảo. Không ít người nói: chỉ với một bản tham luận của ông “trùm chèo” Trần Bảng, cái hội thảo tưởng chừng sẽ vô bổ, bế tắc như các hội thảo từng được tổ chức về cùng đề tài đã rất thành công.
Mọi phức tạp, rối ren hoá ra lại thật đơn giản, sáng tỏ: chúng ta đã từng chọn được con đường đúng nhưng rồi lại lầm đường lạc lối, vấn đề là quay trở lại con đường đúng đã chọn. Lịch sử lắm khi rất vòng vo, nhiêu khê là thế.
Và hơn nữa, những điều Trần Bảng nói chính là những vấn đề nóng bỏng của chèo, của chung cả nền sân khấu truyền thống, được ông nung nấu chiêm nghiệm từ hơn nửa thế kỷ hết mình lăn lộn, sinh tử với duyên nghiệp chèo, với sân khấu dân tộc.
Trở về với tuồng gốc, với chèo gốc, thực sự trở về với truyền thống, không phải là một bước lùi mà là một bước tiến, một cuộc đi tới, con đường duy nhất đúng để tuồng, chèo và sân khấu truyền thống tìm thấy tương lai. Trần Bảng muốn nhắn nhủ với chúng ta như thế và chúng ta tin ông!
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
