Gìn giữ vẻ đẹp Việt qua tranh khắc
Trong giới tranh khắc gỗ, nhiều người thường nhắc đến họa sĩ Trần Nguyên Đán. Có thể nói, ông là một “cây đa cây đề” - một bậc “trưởng lão” ở lĩnh vực này. Lặng lẽ và bền bỉ, ông như con ong cần mẫn làm việc, bỏ lại ngoài kia những xôn xao, tranh luận, bán mua. Hơn nửa thế kỷ qua, ông gắn bó với tranh khắc gỗ và tạo cho mình một chỗ đứng biệt lập, sừng sững như cây đa giữa đồng.
Ai đã từng gặp họa sĩ Trần Nguyên Đán, ngồi uống trà với ông ở căn nhà nhỏ trên phố Khương Trung (Hà Nội), đều thấy ở ông toát lên một tính cách làm nghệ thuật khác biệt, hay ít ra nó không phổ quát như nhiều họa sĩ đương đại bây giờ.
Sinh năm 1941, quê ở Bắc Ninh, họa sĩ Trần Nguyên Đán kể rằng, ông đến với cái nghiệp tranh khắc cũng có phần tình cờ. Ấy là năm 1966, khi tốt nghiệp khoa Nghệ thuật hoành tráng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp (nay là Đại học Mỹ thuật Công nghiệp), ông lại không đi theo ngành học, mà như một duyên nghiệp, ông tìm đến tranh khắc. Vì mê nên ban đầu cứ lân la “học mót” nghề của các họa sĩ đi trước, rồi mày mò thử, rồi thất bại. Nhưng không nản, Trần Nguyên Đán tiếp tục tìm tòi, học hỏi và cuối cùng tạo ra cách riêng của mình. “Trong nghệ thuật phải biết giấu dốt và cũng phải biết giấu cả sự khôn ngoan”, họa sĩ Trần Nguyên Đán hóm hỉnh nói.
![]() |
Tác phẩm “Hà Nội trong mắt tôi” của họa sĩ Trần Nguyên Đán |
Đến thăm ông, leo cầu thang lên tầng 3, trực tiếp quan sát sự lặng lẽ của ông bên những tác phẩm tranh khắc, mới thấy được công sức, sự luyện rèn để có những “võ nghề” điêu luyện. Để bây giờ, những tác phẩm của ông hết sức đa dạng và quan trọng hơn, nó có thể được ví như những câu chuyện về mạch ngầm, về dòng chảy của tranh khắc gỗ trong hội họa Việt Nam.
Xem tranh khắc gỗ của Trần Nguyên Đán có thể thấy lại phong cảnh đất nước. Đó là Tây Bắc, nơi ấy có những sắc màu của núi, của chợ, của người, của những con ngựa thồ hàng, của tiếng khèn gọi bạn tình… Đó là Hội An (Quảng Nam), với những góc phố mờ rêu, những người đàn bà bán đồ lưu niệm cho du khách bên chùa Cầu nổi tiếng… Và đó là xứ Kinh Bắc, với những liền anh liền chị xúng xính áo dài, nón quai thao hát quan họ giao duyên…
Trần Nguyên Đán đã bền bỉ kể chuyện những phong cảnh Việt Nam cùng những phong tục, tập quán của người Việt Nam ở nhiều vùng miền của đất nước. Tranh ông, như những ký họa mang tính lịch sử để bất cứ ai cũng có thể cảm nhận vẻ đẹp hồn hậu nhưng không kém phần sâu sắc về bản sắc văn hóa Việt.
Trong những đề tài đã vẽ, một mảng tranh làm nên dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp của Trần Nguyên Đán, đó là về Thăng Long - Hà Nội. Ông cho tôi xem những bản tranh khắc còn lưu lại và những bản tranh ông chỉ còn lưu ở dạng bức ảnh. Xem và thấy một Thăng Long - Hà Nội hiện ra với nhiều di tích lịch sử, những thắng cảnh nổi tiếng. Tác phẩm “Dấu ấn Hà Nội” ông sáng tác năm 1989 là một ví dụ. Chỉ trong một bức tranh khắc gỗ, Trần Nguyên Đán đã tái hiện hầu hết những công trình kiến trúc nổi tiếng như Khuê Văn Các, Tháp Rùa, Chợ Đồng Xuân, Nhà thờ Lớn… Rồi cả dãy phố cổ trầm mặc hiện ra thấp thoáng, đặc biệt là Hồ Gươm xanh ngắt hiện ra như hút tầm mắt người xem. Hay như bức “Hà Nội trong mắt tôi” ông vẽ phố cổ, vẽ bóng ô Quan Chưởng và những thiếu nữ Hà Nội duyên dáng trên phố. Đáng chú ý, trong số những tác phẩm của Trần Nguyên Đán về Hà Nội có bức “Nghệ nhân tranh Hàng Trống” và “Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”. Đây là 2 trong số 5 tác phẩm đã đưa ông đến với Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 2 (2007).
“Tôi vẽ Hà Nội bằng con mắt của riêng mình. Không phải là người chụp ảnh, rằng phải đúng phải thật. Nghệ thuật có thật có hư, vừa có lý vừa phải có tình”, ông tâm sự đồng thời khẳng định, luôn dùng nghệ thuật đồ họa để biểu hiện tình cảm của mình, chứ không nệ theo sách vở hay những nguyên tắc máy móc.
Trong giới họa sĩ Việt Nam, số người lao tâm khổ tứ với tranh khắc không nhiều. Người ta thường theo đuổi nhiều chất liệu như sơn dầu, sơn mài… Không theo tranh khắc, về lý do có nhiều, trong đó có chuyện vừa khó vừa bán được ít tiền.
Vậy mà họa sĩ Trần Nguyên Đán vẫn cứ nặng lòng, vẫn cứ bền bỉ dấn thân cả sự nghiệp vào tranh khắc. Ông dường như đứng bên ngoài những thị trường nghệ thuật nhiều lúc xôn xao, nhiều lúc ồn ào, nhiều trò PR tráo trở. Ngay cả triển lãm các tác phẩm của mình, ông cũng không mấy quan tâm. Mãi 13 năm sau ngày nghỉ hưu, ông mới bày một triển lãm cá nhân cho mình.
Có người ví rằng, mỗi lần nhớ tới họa sĩ Trần Nguyên Đán là ông lại liên tưởng đến cây đa. Một cây đa giữa đồng. Đó là sự so sánh của họa sĩ Đỗ Đức, một người cũng có những đóng góp với nghệ thuật tranh khắc gỗ. Theo họa sĩ Đỗ Đức, Trần Nguyên Đàn “là cây đa to tỏa sum suê bóng mát mà có tên có tuổi chứ không vô danh. Cây đa Trần Nguyên Đán không hoa nụ, không hương thơm gì đặc sắc, chỉ có những tán lá to dày và quả đa chín bình dị cho đàn chim nua, chỉ có bóng mát gần gũi với tất cả những ai đi qua dưới bóng rợp đó. Cây đa Trần Nguyên Đán vừa gần vừa xa, vừa lạ vừa quen, cứ tồn tại sừng sững giữa đời, ai đến thì đến, ai đi thì đi, không vồn vã chầm bập nhưng cũng không rẻ rúng lảng tránh ai, xa gần đều thân thiện”.
Trong khi đó, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cũng từng nhận xét: “Tranh khắc gỗ của Trần Nguyên Đán luôn gợi lên một cách không rõ ràng về một truyền thống nghệ thuật từ quá khứ. Nó làm chúng ta nhớ đến những bản in kinh Phật trang trọng hay những bản nhạc vui tươi của dòng tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Nhưng có một vẻ riêng của bút pháp hiện đại với tính súc tích và đa dạng của đường nét”.
Họa sĩ Trần Nguyên Đán là hội viên ngành đồ họa Hội Mỹ thuật Việt Nam từ 1974. Trước khi nghỉ hưu (2003) ông làm Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Với ông, bức tranh đẹp là bức tranh có nhiều người thích, có nhiều người muốn sở hữu. Vẽ ra mà không có ai mua, không có ai thích thì coi như thất bại. Nếu không bán được tranh thì khó lòng tử vì đạo được. Đó là những quan niệm của ông, dù quan niệm đó có thể không có nhiều điểm chung với nhiều người. |
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
