Có một “vườn địa đàng” nơi hạ giới
![]() | Tôn vinh vẻ đẹp của tạo hóa |
![]() | Đạo tranh - “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” |
![]() |
Tác giả của “Vườn địa đàng” là một nữ họa sĩ trẻ - Trịnh Cẩm Nhi, sinh năm 1996, tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành hội họa tại học viện nghệ thuật Roma, Ý (Accademia delle Belle arti Roma). Hiện nay, cô đang là họa sĩ tự do tại Hà Nội.
Khi “Vườn địa đàng” còn là những cá thể tranh nằm rời rạc trong phòng vẽ của Trịnh Cẩm Nhi, tôi đã cảm nhận được một điều gì đó mới lạ, tươi mát và trong trẻo trong mỗi bức tranh. Rồi có một ngày, tôi bước vào triển lãm… Một thế giới từ thuở hồng hoang ùa vào trong tôi, vừa nhẹ nhàng, vừa quyết liệt. Tôi đã đứng rất lâu trước bức tranh “Tắm nắng”, ngắm nhìn say mê. Cũng là vẽ hoa, nhưng sao tôi lại thấy trong tranh của Cẩm Nhi một trời tự do, một trời khoáng đạt. Tôi đi hết một vòng từ đầu đến cuối, rồi lại đi ngược từ cuối lên trên đầu phòng triển lãm giống như đang ngao du trong xứ sở của Adam và Eva. Tôi ngồi thật lâu tận hưởng không gian như thực, như mơ để cảm nhận được những mầm xuân trong tôi trỗi dậy.
Tranh của Nhi tập trung khai thác hình ảnh của hoa và tính nữ, sử dụng nhịp điệu của hình khối, không gian để mô tả những chuyển động trong nội tâm. Nhi nói vậy và đó là khuynh hướng thực hành nghệ thuật của nữ họa sĩ trẻ này.
Hẳn là thế, nên phòng triển lãm của Nhi tràn đầy sắc mầu, hình hài của hoa. Cô gái trẻ đã “sắp xếp” những bông hoa một cách tài tình thành cả một “Vườn địa đàng” để rồi dẫn dắt tôi đi trong mênh mang của đất trời, của mùa Xuân bất tận.
Orchid (hoa lan) có lẽ đó là nguồn cảm hứng của họa sĩ, vì tôi thấy đại đa số tranh đều bắt nguồn từ đó. Tôi cũng thích lan, bởi loài hoa này không chỉ đẹp về hình hài, đẹp về mầu sắc mà nó còn ẩn chứa một miền sâu thẳm “rất đàn bà”. Trịnh Cẩm Nhi đã giới thiệu về “Vườn địa đàng” thế này: “Vườn địa đàng trong sách Sáng thế không chỉ đơn thuần là nơi Thượng đế tạo ra người đàn ông và người đàn bà đầu tiên, đó còn là khu vườn của những điều “chưa biết” và “sẽ biết”, của thơ ngây và đổ vỡ thơ ngây; nơi mà con người chưa ý thức về bản ngã người của mình, vẫn còn sống trong một thực tại hoàn toàn khác…”.
Còn đây là một bức tranh mang tên “Vườn địa đàng” rực rỡ sắc mầu, trong trẻo, tươi mới khiến tôi đã thấy ở đó tuổi trẻ của mình, thấy cả một vườn yêu mà ai đó cũng đã đi qua. Nhưng có bức tranh “Vườn địa đàng” khác được chọn làm poster thì lại là một cuộc sống hiện sinh bước ra từ vườn tình yêu rực rỡ. Và đây, Untitled 1. Giống như việc ta “để đó và không nói gì”. Một bình hoa hồng môn, nhưng không phải là mầu hồng, mầu trắng hay mầu đỏ mà là mầu tím. Một mầu tím mong mỏi, đợi chờ với chiếc kéo rất “vô tình” kia có vẻ như không phải, nhưng lại đúng là nó đang nằm ở đó. Tôi không dám suy diễn ý đồ tác giả, nhưng đó là cảm nhận của tôi, của một người đang mò mẫm qua đỉnh để đi về phía bên kia cuộc đời, về với vườn địa đàng đích thực.
Tôi thích cách sử dụng mầu của Nhi. Hãy thử nhìn thật lâu và thật sâu vào bức “diên vĩ”. Bạn có thấy gì trong sắc biếc của diên vĩ không? Nhi sử dụng mầu tài tình lắm. Mắt tôi cứ bị hút sâu vào những vệt mầu đậm nhạt, hững hờ, những cái biêng biếc và điểm son nhấn nhá rất tinh tế, hóm hỉnh gợi bùng lên một mùa sinh sôi.
Có lẽ cũng nên nói qua chút ít về điều may mắn mà ông Trời đã sắp đặt cho nữ họa sĩ trẻ trung, xinh đẹp này. Đó là cô được sinh ra và lớn lên trong một gia đình “nòi nghệ thuật”, từ ông nội đến bố và các bác, cô chú trong cái nôi ấy đều là họa sĩ hoặc làm việc liên quan đến nghệ thuật. Có lẽ cũng bởi có gen ấy, nên chất hội họa đã chảy trong huyết quản của Trịnh Cẩm Nhi từ thuở còn phôi thai, để bây giờ gặp được ĐẤT – NƯỚC – LỬA – GIÓ là bừng dậy. Lại được đào tạo ở Ý, xứ sở của thơ ca, nhạc họa, nơi nổi tiếng lãng mạn, thì một Trịnh Cẩm Nhi chủ nhân của “Vườn địa đàng” cũng là điều dễ hiểu.
Rời khỏi phòng tranh, trong tôi vẫn lâng lâng, nhè nhẹ như vừa bước ra từ một miền khác lạ, từ một nơi mà ở đó chỉ có thể là những tâm hồn tươi mới, trong veo như sương mai. Một làn gió se lạnh đầu Đông lướt trên mặt. Tôi để mặc cho luồng gió lành lạnh lọt qua cổ, luồn sâu vào cơ thể mà tận hưởng cảm giác trong lành ấy, sự trong lành của “Vườn địa đàng”.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
