Cải tạo di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo
Chủ trương lớn đã có
Trong các quy hoạch của Hà Nội, việc chuyển đổi các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành đều đã xác định rõ ràng cả về biện pháp, lộ trình di dời lẫn việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời. Quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên sử dụng để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; Không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch. Đặc biệt, những công trình xây dựng có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc cần được thực hiện bảo tồn, phục chế tôn tạo theo quy định của Luật Di sản văn hóa…
Tuy nhiên, thay vì ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời cho các chức năng phục vụ công cộng như không gian mở, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, thì trên thực tế, hầu hết lại được dùng để xây dựng chung cư thương mại.
![]() |
Tòa nhà L'Espace - nhà in của báo Nhân Dân được cải tạo thành không gian văn hóa |
Hiện Hà Nội có gần 100 nhà máy công nghiệp lớn như cụm nhà máy Cao - Xà - Lá, nhà máy xe lửa Gia Lâm, nhà máy Bia Hà Nội… đã và đang thực hiện việc di dời ra khỏi nội đô. Khảo sát các nhà máy cũ tại Hà Nội, TS. Trương Ngọc Lân, trường đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, thoạt nhìn có thể nghĩ đây là thứ cũ nát, nhưng nghiên cứu thì thấy nhiều giá trị. Đó là các công trình ghi dấu ấn lịch sử đô thị, gắn với nền công nghiệp hóa của Việt Nam giai đoạn đầu tiên, khi người Pháp đến Hà Nội như Nhà máy Bia Hà Nội; và giai đoạn 2 là khi xây dựng XHCN cuối những năm 1950 - đầu 1960, với những ký ức hào hùng của người Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng (Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, Cao su Sao Vàng, Bóng đèn Phích nước Rạng Đông… với kiến trúc đa dạng vừa quốc tế vừa bản địa), nhiều công trình kiến trúc còn tốt và có thể chuyển đổi công năng.
Tại Hà Nội, một số địa điểm đã chuyển đổi thành công như nhà máy In của báo Nhân dân (phố Tràng Tiền), nay thành Trung tâm Văn hóa Pháp; cơ sở sản xuất của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 (phố Trần Thánh Tông) thành tổ hợp Zone 9 (cũ)… Song, với Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, việc chuyển đổi các nhà máy cũ thành các không gian sáng tạo vẫn là điều mới mẻ.
Cần sự chung tay trong thực thi
Trong bối cảnh hiện tại, Hà Nội không chỉ thiếu không gian công cộng, mà các không gian sáng tạo để phục vụ đời sống tinh thần của người dân cũng không có nhiều. Đặc biệt, kể từ khi Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, việc chuyển đổi các nhà máy cũ thành các không gian sáng tạo cũng đã được tính đến. Di sản công nghiệp được xem là những gì còn lại của nền văn hóa, văn minh công nghiệp, bao gồm cả các giá trị lịch sử, công nghệ, xã hội, khoa học, thẩm mỹ, kiến trúc, ký ức của xã hội và cả giá trị vật thể như nhà máy, cấu trúc, kỹ thuật…
Đại diện UNESCO khẳng định, di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời của di sản văn hóa nói chung. Bởi đó là các chứng nhân lịch sử, kể chuyện một thời của thành phố. Và khi chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ nhà máy cũ thành không gian hoạt động nghệ thuật, sáng tạo, khởi nghiệp, thì vừa làm giàu văn hóa, lịch sử cho thành phố, vừa tạo môi trường mở thu hút sự tham gia của người dân, giới khởi nghiệp, văn nghệ sĩ, cũng như các nhà đầu tư tham gia đầu tư và phát triển. Mà quan trọng hơn, nó chính là hiện thân của văn minh công nghiệp, hàm chứa các giá trị lịch sử, kiến trúc, công nghệ, xã hội, khoa học, thẩm mỹ và giá trị nhân văn.
Đây vừa là cơ hội tuyệt vời để Hà Nội phát triển các không gian sáng tạo, biến các di sản công nghiệp thành các không gian giàu cảm xúc, vừa góp phần đưa nghệ thuật đến gần hơn với cộng đồng thông qua các dự án nghệ thuật cộng đồng. Nhưng cũng đặt Hà Nội trước nhiều thách thức khi phải cân bằng giữa lợi ích kinh tế trước mắt với nhu cầu thoả mãn tinh thần chung của cộng đồng dân cư.
Theo PGS-TS-Kiến trúc sư Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, trước hết cần thận trọng đánh giá, cân nhắc nhiều yếu tố khi xóa bỏ hay di dời các nhà máy cũ. Cần xem đây như những giá trị quý báu, để từng bước hiện thực hóa các không gian và cộng đồng sáng tạo. Nếu bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi thành không gian công cộng - không gian sáng tạo thì chúng ta sẽ mất cơ hội mãi mãi.
Muốn truyền cảm hứng về không gian, ký ức bị lãng quên ở một khu vực nào, các chuyên gia cùng đồng tình rằng, hãy dùng nghệ thuật để thắp sáng, phát triển thành một công viên nghệ thuật sinh thái, một không gian công cộng quý báu giữa một đô thị phát triển nhanh chóng và đang thiếu hụt trầm trọng những không gian văn hoá gắn kết thiên nhiên với cộng đồng.
Nghiên cứu của Dự án Thành phố sống tốt, đại diện Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam chỉ ra rằng, hiện nay, diện tích không gian công cộng ở Hà Nội rất hạn chế, trung bình người dân Hà Nội chỉ có 3 m2 diện tích không gian công cộng/người, trong khi tiêu chuẩn tối thiểu là 5 m2/người. Thậm chí những người dân sống ở quận Hoàn Kiếm chỉ có 30 cm2/người. Như vậy, Hà Nội còn một khoảng cách rất xa mới đạt chuẩn về không gian công cộng so với các thành phố trên thế giới.
Cùng với đó, cần ưu tiên cho cây xanh, mặt nước để nâng cao chất lượng sống cho người dân. So với các thành phố trên thế giới hoặc tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị, không gian xanh của Hà Nội đều thấp hơn khá nhiều.
Từ thực trạng trên, bà Phạm Thúy Loan kiến nghị, các cơ quan chức năng cần rà soát toàn bộ quá trình thực hiện chủ trương di dời và tái phát triển để ưu tiên phát triển không gian công cộng; rà soát và phê duyệt các công trình kiến trúc có giá trị hạng mục công nghiệp.
Đồng thời, thành phố cần nghiên cứu các mô hình chuyển đổi nhà máy sang không gian sáng tạo - không gian công cộng để áp dụng thực tế, phối hợp các bên liên quan để thí điểm các mô hình chuyển đổi một phần hoặc toàn phần trong năm 2021-2022.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
