Xuân mới in trên nền thổ cẩm
![]() |
Bạn phương xa nhắc, lên Nghĩa Đô đi, mận đã thay mây làm cõi trắng… Mùa hoa, chẳng còn thấy lá đâu, hoa cứ trắng mê man, ngần ngật khắp núi rừng. Tôi luôn có cảm giác mình mắc nợ miền đất ấy, bởi mỗi độ chia xa, lòng không thể thôi vấn vít, dùng dằng. Từ lúc nhờ người đàn bà cõng con chỉ đường vào bản Hón, ngắm những thiếu nữ vừa giặt vải vừa ríu rít đùa giỡn cạnh tảng đá ven suối, tôi chợt nhận ra mắt đàn bà con gái xứ này thật đẹp. Bởi thế chăng mà họ có câu ca ví von một đuôi mắt “liếc mòn đá suối”.
Từ trung tâm huyện Bảo Yên (Lào Cai) đi chừng ba chục cây số thì vào đến Nghĩa Đô. Dọc hai bên đường, hương rừng cứ rưng rưng quyện trong gió. Kia sông Chảy, mùa này lững lờ, có lội xuống, nước quá bắp chân là cùng. Mỗi lần lên mạn ngược, hễ nhìn những dòng sông, con suối như thế, thể nào tôi cũng dõi mắt tìm hoa gạo đỏ, loài hoa mà nhiều nơi vẫn gọi bằng cái tên nên thơ: Hoa mộc miên. Anh bạn đồng nghiệp, cũng là “thổ địa” xứ này nhận nhiệm vụ chở tôi bằng xe máy.
Dọc đường, tôi nhắc tên những loài hoa trong tác phẩm của bạn văn, nhờ anh chỉ giúp. Nào “Rừng mã sa hoa đỏ” “Đồi lau sau hoa tím”… Anh cười trừ: “Mình ở biên giới bao năm, hoa tím hoa đỏ thì ngút ngàn, nhưng mã sa với lau sau thì tịnh chưa được biết. Có lẽ các nhà văn gọi theo tiếng phiên âm từ ngôn ngữ của bà con dân tộc, hoặc biết đâu, họ sáng tạo thêm...”. Nói đoạn, anh dừng xe, chỉ về phía một vạt đồi màu tím nhạt. Hoa lau đấy. Nhưng là loài lau tím. Không phải “chập chờn lau trắng trong tay” như nhạc Trịnh đâu. Ấy có khi là lau sau hoa tím chăng? Chiếc xe lại băng băng, bỏ lại sau lưng vạt đồi tim tím.
Trước mắt chúng tôi, cạnh dòng chảy xanh lơ, mảnh mai như sợi chỉ dưới bóng rừng già đang loáng thoáng màu mây hoa trẩu mà lừng lững một gốc gạo già, thân sần sùi, hoa đỏ rắc lên. Bức tranh ấy quá hoàn hảo và kỳ diệu, đến mức khó tả. Hình như, chỉ giữa đại ngàn, muôn màu hoa mới đạt đến độ vừa sắc nét vừa hư ảo, hệt ai đó cầm cọ vẩy lên tấm toan xanh sâu.
“Đến nhà rồi thì vào đi chứ!”. Người đàn bà người Tày tay không ngừng dệt cửi nhưng đôi mắt đã gửi phía bậc nhà sàn, nơi có bước chân lừng khừng của khách lạ. Bà chào như thể quen biết từ bao giờ, dầu đây là lần đầu tiên tôi lên Nghĩa Đô, vào bản Hón. “Cái bậc thang thứ năm cô vừa đứng, hễ năm nào lũ dâng là ngập hết, hãi hùng lắm đấy, vậy mà tôi cũng chỉ biết ngồi mãi ở khung cửi này”. Khung cửi bà vừa dệt mới được chừng vài gang tay thổ cẩm, nhấp nháy hoa văn.
Tôi hỏi, nếu muốn có sắc đỏ như bông gạo nở bên bờ suối thì làm cách nào. Bà cười rất thú vị, chỉ dẫn, phải chiết từ loại cỏ thuộc họ dương xỉ, lá nhỏ, mọc ra từ các hốc cây mục ruỗng. Đi rừng cả ngày cả buổi, chưa đủ một gùi, về giã nát, ngâm nước suối rồi cho vôi bột vào tạo màu. Bằng không, lấy thân lá cây kim lông đun nước thật đậm đặc, pha thêm vài nguyên liệu khác mới ra màu đúng ý. Nói đoạn, bà ngâm nga câu hát cổ xưa, có nghĩa: “Em gái làm được nhiều chăn hoa/ Anh tìm từ lâu nay mới gặp/ Em gái có nhiều tấm chăn hồng/ Ở tận nơi đâu anh cũng tìm bằng được”.
![]() |
Tôi đi nhiều nơi và biết bao mùa hoa trượt trôi vào hoài niệm. Riêng mùa hoa thổ cẩm, như mới vừa nở ra, nguyên sơ tựa mây trời. Người phụ nữ Tày ngồi bên khung cửi, vừa gần gụi, vừa xa xăm. Biết trong đoàn khách có người làm thơ, mắt chủ nhà long lanh chờ đợi. Ai đó cất giọng ấm trầm: “Hẹn người mùa cốm Nghĩa Đô/ Kiếp trước rượu mừng chưa kịp uống/ Hoa trẩu rụng đắng nguồn cọn nước/ Thiếu phụ đưa mây trắng qua trời”. Và rồi, khoảnh khắc ấy, nơi khung cửi, chúng tôi lại chạm vào một ánh mắt buồn mà đẹp đến nao lòng. Một thiếu nữ, hẳn là con cháu trong nhà đã thay bà, thay mẹ ngồi đó tự lúc nào. Những bé gái từ mười tuổi đã có thể ngồi khung cửi dệt vải và nhiều người già tuổi thất thập còn đủ minh mẫn, dẻo dai để tiếp tục công việc này. Người Tày tinh tế đến mức, cùng một khung cửi, loại màu và kiểu hoa văn như nhau, nhưng nhìn mảnh vải, có mấy người từng ngồi vào dệt là biết ngay.
Theo tập tục truyền thống, con gái Tày trước khi lấy chồng phải có đủ mười hai chăn, hai cái màn, hai đôi chiếu và tư trang đủ dùng ít nhất trong vòng mười năm. Tinh hoa thổ cẩm in sâu vào đời sống đồng bào qua vật dụng hàng ngày từ chăn gối, chiếu đệm đến mặt địu con trẻ và cao hơn là những lễ nghi ma chay cưới hỏi, tín ngưỡng thờ phụng.
Tôi thích đứng dưới một gốc mận trong vườn nhà người đàn bà ấy, trước mặt ruộng đồng, sau lưng nhà sàn, gió cứ thổi qua từng tán cây ràn rạt... Mận đã đơm hoa trong giá buốt, sương mù. Trong khu vườn độ xuân, luống mía xương gà ngả vàng, đốt ngắn đơm vào hình dung vị ngọt lựng, mềm rụm giữa hai hàm răng tưởng chỉ còn trong ký ức thuở ấu thơ. Đám trẻ con túm tụm, nhìn khách lạ từ xa, vừa cười, vừa bẽn lẽn, thơ thẩn. Tôi cứ mê say đứng đó, cảm nhận rõ trong lá cành râm ran nghìn cánh ong sơn cước. Miền này, có những mái nhà đặc biệt. Nó mang đến cho tôi cảm giác mơ hồ, rằng một lần nào đó trong đời, ta đã đặt chân tới rồi, cũng đứng dưới gốc cây mận ấy, cũng nghe gió thổi và chim muông ríu rít...
Đôi khi, sự yêu thương, gần gụi nảy nở từ trong cõi lòng ta, chứ đâu phụ thuộc vào ngoại cảnh mang lại điều gì cụ thể. Nắng đã làm ấm sương, đất trời vừa mịt mùng đã lại tan loãng và tỏa rạng. Như thể sương gói cả bọc hào quang. Xứ non cao, ngay cả lúc cúi nhìn, cũng vẫn hoa, gặp núi, gặp mây, gặp cả mùa xuân tròn đầy dâng trên nền thổ cẩm. Chẳng biết có phải bởi không khí quá nồng nàn mà lòng người cứ dịu lắng, mơ hồ như khói. Nơi đó, tôi cứ mải miết nghĩ về nỗi nhớ thương trôi qua miền thổ cẩm, những hoa văn mang linh giác con người.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
