Trà Shan tuyết Làng Sáng
Làng Sáng - theo tiếng người dân tộc H'Mông dịch là "khó nghĩ". Cái tên đó gắn liền không chỉ với con suối, cây cầu, quả núi nơi này mà giờ đây nó còn được gắn liền với một loại đồ uống mang hương vị thanh khiết, chắt lọc từ những tinh túy của đất trời - Trà Làng Sáng.
![]() |
Người phụ nữ H'Mông sao chè |
Sở dĩ có cái tên như vậy bởi bản Làng Sáng nằm sâu trong núi, trước mặt bản có con suối chảy vắt qua. Con suối này rất lớn, nước luôn luôn chảy xiết, đặc biệt mỗi độ mưa lũ về bà con lại phải cố gắng nghĩ cách để vượt suối ra xã hoặc từ xã về nhà. Mưa lớn quá, nước lớn quá, dòng chảy cũng xiết quá… mà nghĩ mãi không ra được cách nào để vượt qua. Cây cầu vắt qua suối hàng ngày là một cây cổ thụ đổ ngang, lúc đó cũng không có tác dụng nữa… thành ra người dân cả bản “khó nghĩ”.
Bản Làng Sáng thuộc xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Bản cách trung tâm xã Tà Xùa khoảng hơn 70km đường rừng. Trong đó để vào được bản chỉ có thể đi hơn 50km đường núi bằng xe máy, còn lại phải đi bộ hơn 20km nữa. Đường vào bản là đường mòn, leo núi, lội suối rất khó đi và nhiều đoạn đi qua vực thẳm rất nguy hiểm, chưa kể đến nơi đây thường xuyên có sương mù che khuất tầm nhìn.
Người trong bản hầu hết là bà con dân tộc H’Mông, cuộc sống của họ còn rất đơn giản. Họ làm nương, trồng gạo, trồng ngô, chăn nuôi thả dông “tự cấp tự túc”. Nhiều người trong bản thậm chí cả đời không ra đến huyện, nhiều người không biết nói tiếng Kinh đặc biệt là phụ nữ, đàn ông thì nói tiếng Kinh bập bẹ không sõi.
Và nếu bạn tò mò muốn biết một chiếc “cọn nước cối giã gạo” trông như thế nào và hoạt động ra sao? thì đến Làng Sáng bạn có thể tận tay sờ và chứng kiến từng đợt chày giã bùm bụp ngày đêm, xen kẽ là tiếng suối chảy róc rách.
Chắt lọc tinh túy của đất trời
Chúng tôi biết đến cây chè Shan Tuyết cổ thụ ở Làng Sáng dựa trên ký ức của một anh cán bộ người dân tộc Mông ở Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La. Anh là người tiếp nối nghề làm chè Shan Tuyết cổ thụ lâu năm của cha ông để lại. Cách đây 10 năm, khi anh mới chưa đầy 20 tuổi, vì là người hiếm hoi của vùng “có chút chữ trong bụng” nên được cử vào bản Làng Sáng làm cán bộ.
Hồi đó, xã Háng Đồng còn chưa tách ra thành một huyện riêng như bây giờ. Ký ức còn lại về chè trong anh nơi vùng đất ấy là những cây chè cổ thụ to bằng một người ôm không xuể và cao đến 15-20m, mọc hoang trên các sườn núi. Bà con dân bản thường xuyên sử dụng trà trong các bài thuốc chữa bệnh của mình chứ không biết dùng pha hãm, uống nước hàng ngày.
Khi dẫn đoàn chúng tôi vào bản Làng Sáng, đáp lại bao nhiêu hồ hởi của anh em cùng đoàn là những gốc chè to đã bị đốn hạ đang chết mục, chỉ còn lại những lộc chè non vừa mới mọc. Không nhụt chí và từ bỏ, đoàn chia nhau lên núi khảo sát rồi phát hiện, dù cây chè Shan Tuyết đã không còn nhiều nhưng những chồi non vẫn còn nẩy lên và không dưới 50 gốc chè có thể cho thu hái. Hỏi ra thì mới biết là do bà con phát rừng làm nương nên vô tình chặt và đốt cây chè.
Nhận thấy trà ở đây hoàn toàn khác với những loại trà Shan Tuyết thuộc Tà Xùa-Sơn La, Nậm Ty-Hà Giang, hay Yên Bá. Búp chè mập hơn, lượng phấn trên búp chè cũng dày hơn, khi sao khô rồi pha lên trà có độ chát dịu, độ ngọt bền, được rất nhiều nước, uống đến nước 10 - 15 vẫn đậm màu trà và càng về sau độ ngọt hậu càng tăng. Trà uống rất ngon, lại tốt cho sức khỏe nhưng đang bị bà con chặt phá dần. Chính vì vậy đoàn xác định cần phải bảo vệ để duy trì phát triển chè cổ thụ Shan Tuyết Làng Sáng.
Quá trình thu hái chè và sao sấy chè cũng rất kỳ công. Chè, chỉ hái một búp nhỏ, nhất định phải để lại vài lá để còn quang hợp và nuôi dưỡng cây. Ngắt búp chè cũng phải rất nhẹ nhàng không làm cho chân búp bị dập, và chè sau khi hái phải được đựng vào chiếc gùi bằng mây, tre thông thoáng, tránh đựng vào những dụng cụ làm nát và ủ nóng chè tươi. Chè mang về được sao thủ công bằng tay và chảo gang. Đoàn đào đất đắp lò ngay bên bờ suối Làng Sáng và mượn chảo gang của bà con trong bản để sao chè.
Dù xác định được hàm lượng nước trong búp chè Làng Sáng cao hơn những giống chè khác nên quá trình lên men chậm hơn và quá trình sao sấy cũng lâu hơn nhưng quá trình sao sấy của đoàn cũng vẫn bị hỏng mất ba mẻ trà. Dù kết thúc chặng đầu chỉ được rất ít trà nhưng đoàn thực sự rất vui vì từ thời điểm này, người yêu trà, thưởng trà đã có thêm một dòng trà quý, thanh tao lại tốt cho sức khỏe để thưởng thức.
Chuyện tình Làng Sáng
Câu chuyện này đoàn được nghe người dân bản kể lại và nó bắt đầu vào một mùa xuân đã lâu không ai còn nhớ là mùa xuân năm nào. Mùa bắt vợ năm đó có một chàng trai H'Mông trong bản đến tuổi phiêu du đi tìm vợ. Anh đi qua những con suối, băng qua những cánh rừng, bàn chân anh bước qua không biết bao nhiêu là nương lúa nối tiếp nương lúa trên cheo leo vách núi.
Cho đến một ngày anh tìm được cô gái mà anh thương rồi bắt về làm vợ thì mùa xuân đã cạn mùa hè đã qua, cả miền rừng quê anh đang độ mùa mưa tầm tã. Tháng 7-8 là những tháng ngày khó khăn nhất của người dân trong bản. Vì nước suối dâng cao khiến cho bản tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Suối rất lớn, ngày cạn thì đá sỏi lởm chởm rêu phủ trơn trượt, ngày lũ thì nước dâng cao như một con thú dữ.
Cùng người vợ vừa bắt được đứng bên này suối, nhìn bản làng của mình hiu hắt phía bên kia bờ chàng trai không khỏi buồn khổ. Quay lại thì đường xa mà ở lại đợi ngày nước rút thì giữa “thâm sơn cùng cốc” thú dữ, vắt, beo, mưa rừng... rồi liệu có sống sót nổi.
Rồi cuối cùng chàng trai nghĩ ra một cách và quay lại nói với người vợ mới bắt được của mình: "Bây giờ chỉ còn một cách là leo lên cây ở bờ suối bên này vươn sang ngọn cây của bờ suối bên kia mà đi xuống. Nhưng như vậy rất nguy hiểm! Nếu em dám đi cùng anh thì anh nguyện cả đời này yêu thương và chăm sóc em không bao giờ có ý hai lòng".
Cô gái phần vì cảm động trước tình yêu của chàng trai dành cho mình, phần vì không thể quay đầu vì đã lỡ trốn cha mẹ đi theo chồng rồi, mà đường về lại xa nên leo cây qua suối theo chàng trai về bản.
Chuyện tình đó trở thành một chuyện tình đẹp lưu truyền khắp vùng núi này cho tới bây giờ. Chỉ có điều cái kết của chuyện tình yêu đó cũng khiến cho không ít người đau lòng. Bởi đến một ngày của sau bao mùa mưa lũ đã đi qua nơi vùng núi Làng Sáng ấy, chàng trai H'Mông kia gặp phải "nàng tiên trắng" và chuyện tình của họ trở thành bi kịch cuộc đời.
Quả thực chưa vội nói về những đổ vỡ của chuyện tình cảm, bởi nói cho cùng tình yêu là một thứ xúc cảm nảy sinh nhất thời và luôn luôn có sự biến đổi vô thường, nó chịu sự chi phối của lý chí và điều kiện ngoại cảnh. Nhưng nhìn về tinh thần lạc quan và cách sống nương vào tự nhiên để hướng về phía trước của bà con H'Mông nơi này thật đáng là điều mà đoàn muốn học. Dù khó khăn đến mấy cũng chỉ là "khó nghĩ" mà thôi.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
