Tình người
![]() |
Ảnh minh họa |
Nhà thơ Lữ Tùng Anh, tác giả của hai câu thơ một thời rất được yêu thích tại miền Trung: “Óc tim cô đặc hồn thi sĩ/Vắt tặng cho đời mấy giọt thơ”. Nhắc đến Lữ Tùng Anh, không thể không nhắc đến Trần Hữu Nghiễm. Đó là đôi bạn và là cặp nhà thơ bài trùng một thời từng để lại những dấu ấn khá thú vị dưới những mái trường trung học dọc các tỉnh thành miền Trung. Thời ấy, chưa có internet, nhưng cả hai là những người tiên phong tiếp cận độc giả nhanh nhất bằng cách tự in thơ, tự tổ chức phát hành vào tận lớp của các trường học.
Thời ấy, ở độ tuổi hoa niên, Lữ Tùng Anh và Trần Hữu Nghiễm chưa phải là những tác giả khẳng định tài năng, nhưng chắc chắn họ là những người yêu thơ hơn bản thân, làm thơ, lo tiền in thơ, bán thơ, tặng thơ bạn bè quen, cả không quen…
Sau 1975, Trần Hữu Nghiễm giã từ xứ Huế vào Nam lập nghiệp tại Cà Mau và thơ anh được biết đến nhiều hơn trên các báo, tạp chí các thi tuyển trên cả nước. Trong khi đó, suốt mấy chục năm qua, Lữ Tùng Anh khá lặng lẽ với vai trò người thầy giáo. Ông vẫn làm thơ, in thơ khá nhiều nhưng chủ yếu vẫn tặng biếu như trước kia, chứ không phổ biến rộng rãi.
Cuộc đời nghiệt ngã, khi hơn một năm qua, ông một thân một mình lại rơi vào tình cảnh bạo bệnh ngặt nghèo. Kể lại thời điểm nguy kịch nhất, Lữ Tùng Anh nghẹn ngào nói, một lần lên cơn đau đột ngột, ông cố lết xuống bậc cầu thang của căn gác tìm điện thoại gọi cho học trò. Tội nghiệp cậu học trò đang làm việc ở Trị An, nghe thầy ốm đã chạy hàng mấy chục cây số để về đưa thầy đi cấp cứu.
Thấy hoàn cảnh của thầy, người học trò này đã gọi báo tin cho các bạn cùng chia sẻ. Họ đã đóng góp để lo cho thầy trả tiền viện phí. Những ngày nằm viện, thầy giáo Lữ Tùng Anh được học trò cũ thay nhau chăm sóc. Khi xuất viện, họ đã đưa ông về thành phố Bảo Lộc. Nơi đây, một phụ huynh đã chuẩn bị cho ông một chỗ ở yên tĩnh, thoáng mát và đầy đủ tiện nghi để tiện chăm sóc ông trong những ngày cuối đời.
Chị Hiệp Kim, một học trò cũ của nhà thơ đã chia sẻ. Tôi đến thăm ông tại Bảo Lộc vào một buổi sáng nắng ấm áp. Ông có vẻ bất ngờ, ngạc nhiên khi nhận ra tôi. Nhìn ông vẫn còn tươi tỉnh, lòng tôi rất vui. Vẫn giọng nói hiền lành, trầm ấm, mặc dù trong người ông đang mang căn bệnh ung thư quái ác đang hành hạ ông. Và tôi thấy được nụ cười trên môi ông. Có lẽ một cái hạnh phúc nho nhỏ mà lâu rồi ông mới có được...
Tôi đến thăm ông mang theo một chút quà, tình ảm của các bạn Đà Lạt với người thầy đang gặp hoàn cảnh quá khó khăn. Cũng thật tình cờ nơi đây tôi gặp không ít các đồng nghiệp của ông, những nhà giáo, nhà thơ. Sự hiện diện đông đủ của mọi người là món quà tinh thần làm cho người bệnh vui. Nhưng quan trọng hơn cả là tình người mà tôi cảm nhận nơi đây.
Nay ông trở về với sự bảo bọc của các bậc phụ huynh và sự yêu thương quý trọng của học trò, như người ta vẫn thường nói: “Gieo nhân nào thì gặt quả ấy”. Có lẽ đúng vậy! Ông là người thầy mẫu mực, yêu thương học trò tận tâm với nghề, nên bây giờ, những em học trò ngày nào đang trả nghĩa cho thầy.
Người học trò của thầy giáo Lữ Tùng Anh đã tự sự. Nhắc đến học trò, ông thật sự xúc động và ông đã khóc... Tôi cũng lặng người theo giọt nước mắt của ông. Những giọt nước mắt của người thầy… Giọt nước mắt ngọt ngào cho tình nghĩa thầy trò…Giọt nước mắt hạnh phúc. Hơn ai hết, tôi hiểu tâm trạng ông lúc này… Vì tôi cũng là nhà giáo.
Ông bảo, tôi không nghĩ rằng giờ phút này tôi lại sống trong sự chăm sóc bảo bọc của phụ huynh và học sinh... Cái tình của trò nuôi thầy những ngày trong bệnh viện... Tất cả mọi thứ ông nhận từ học sinh là sự yêu thương và kính trọng. Chia tay ông ra về.
Tôi chợt nhớ đến câu thơ ông dặn dò học trò trong bài thơ Dặn dò: “Còn vương một chút tơ lòng/Cũng mong thêu dệt đôi vòng yêu thương/Mừng em còn lớp còn trường/Là còn tất cả thiên đường mộng mơ…”. Tôi vừa được học một bài học về tình người mà có lẽ bây giờ rất khó tìm…
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
