Sân khấu Việt: Hóa giải bài toán kịch bản bằng cách nào?
![]() | Đào tạo nghệ thuật theo đơn đặt hàng |
![]() | Để gìn giữ ngọn lửa nghệ thuật truyền thống |
Thực trạng báo động
Không khó để nhận thấy sân khấu Việt thời gian qua thiếu vắng kịch bản mới chất lượng từ bộ môn chèo, tuồng, cải lương, kịch nói... Điều này càng được chứng minh bởi gần đây NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ, hiện nay các tác phẩm liên quan đến đời sống xã hội rất hiếm, đặc biệt là thiếu vắng các tác phẩm mang xu hướng hiện đại, đề cập đến các vấn đề mang tính trực diện xã hội.
![]() |
Sân khấu Việt đang thiếu kịch bản mới chất lượng |
Trong khi đó, NSƯT Lê Chức - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam không phủ nhận, dù rất thành công nhưng nhìn từ Liên hoan sân khấu Cải lương 2018 vừa qua dễ dàng nhận thấy chưa có nhiều kịch bản mới, vẫn phải dựa vào số kịch bản đã có từ lâu, được chuyển thể và số lượng các vở diễn phục dựng lại chiếm số lượng lớn.
Có rất ít vở mới được dựng để người yêu cải lương có thể được thưởng thức những câu chuyện đời sống mà họ tò mò, chờ đợi. Một vài vở gọi là mới thì chỉ lấy tích xưa nói chuyện nay.
Đặc biệt, mảng đề tài mang hơi thở đời sống hiện đại không thấy hiển hiện trên sân khấu. Đây là một khoảng trống đáng lo ngại vì nghệ thuật muốn đến gần công chúng phải bắt đầu từ cuộc sống, nói câu chuyện của cuộc sống hiện tại, những điều đang diễn ra xung quanh ta mỗi ngày.
Trên thực tế, do thiếu và yếu về kịch bản, nhiều vở diễn của các nhà hát nhanh chóng rơi vào quên lãng do không tạo được dấu ấn với người xem. Chính vì thế, các nhà hát ở nước ta và các nghệ sĩ phải dựng lại nhiều tác phẩm sân khấu đã ra đời từ lâu, nổi tiếng của những nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, Lộng Chương, Trần Đình Ngôn, Thanh Hương...
Bên cạnh đó, một số nhà hát còn phải dựng lại nhiều vở diễn của các tác giả nước ngoài hoặc chuyển thể kịch bản sân khấu từ những tác phẩm văn học trong và ngoài nước.
Theo bà Nguyễn Hồng Dung, Phó Chủ tịch Hội sân khấu TP. Hồ Chí Minh, sở dĩ có tình trạng khan hiếm kịch bản hay như hiện nay là do các tác giả không có nhiều thời gian để đầu tư cho tác phẩm. Bên cạnh đó, nhiều tác giả tập trung tham gia viết kịch bản cho các chương trình thi hài, gameshow trên truyền hình mà thiếu thời gian để đầu tư vào các kịch bản dài hơi, dẫn đến cho ra đời những kịch bản nhàn nhạt, kém chất lượng.
NSND Ðào Bá Sơn lại cho rằng, nhiều sinh viên theo học ở trường đại học sân khấu điện ảnh không chịu đọc các tác phẩm văn học. Ðiều này dẫn đến sinh viên thiếu sự thẩm thấu về tính thẩm mỹ, không cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong kịch bản cho nên dù theo học để trở thành diễn viên hay biên kịch đều khó thành công.
Và để duy trì và tồn tại, nhiều vở diễn được gọi là “kịch” nhưng thực chất chỉ như một sự xâu chuỗi các chặp hài, là nơi để các diễn viên trổ tài chọc cười khán giả bằng mọi cách, nội dung hời hợt nên không đem lại giá trị thẩm mỹ với công chúng.
Làm gì để có kịch bản mới chất lượng?
Đây cũng là câu hỏi mà khán giả và giới nghệ sĩ làm nghề đặt ra từ lâu, tuy nhiên không dễ để hóa giải. Nhiều ý kiến cho rằng, để có được những kịch bản sân khấu hay về đề tài hiện đại, quan trọng nhất là phải đầu tư, nuôi dưỡng tài năng trẻ và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để tài năng phát triển. Các cây bút tiềm năng cần có cơ hội tham gia vào các buổi giao lưu, lớp tập huấn ngắn và dài hạn; thậm chí gửi đi học nước ngoài để tiếp cận những vùng có nền văn học nghệ thuật phát triển, từ đó làm giàu vốn hiểu biết, kỹ năng xây dựng kịch bản hay.
Ở một diễn biến liên quan, mới đây, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức trại sáng tác kịch bản sân khấu tại Đại Lải (Vĩnh Phúc) với sự tham gia của 15 tác giả sân khấu hàng đầu và tác giả trẻ ở Việt Nam trong khoảng thời gian nửa tháng. Hội
Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam kỳ vọng, khi trại sáng tác khép lại, các tác giả sẽ có được tác phẩm với cấu trúc, hình tượng nhân vật, ngôn ngữ thời đại mới để nhanh chóng đưa vào dàn dựng tại các đơn vị nghệ thuật phục vụ khán giả.
Ngoài việc tạo không gian cho các tác giả bằng cách mở trại sáng tác nói trên, khán giả mong muốn người sáng tác kịch bản cần thâm nhập vào thực tế cuộc sống để tác phẩm sân khấu thoát khỏi sự đơn điệu, máy móc, rập khuôn trong cách đặt và cách giải quyết vấn đề.
Đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang đánh giá, đời sống sân khấu hiện nay cho thấy các tác giả trẻ thiếu vốn sống, thiếu sự định hướng. Để có kịch bản mới chất lượng, các tác giả trẻ cần khắc phục tình trạng thiếu tính thẳng thắn trong kịch bản, không lắp liếm, ghép nối những mảnh đời lượm lặt được từ báo chí, từ truyền hình mà phải lăn lộn vào cuộc sống để đúc kết một cách sắc bén. Không ít người viết kịch bản sân khấu hiện nay chỉ nằm nhà đọc báo, xem đài, mà thiếu thâm nhập thực tế cuộc sống nên dẫn tới kịch bản yếu về nhiều mặt.
Do đó, nếu đội ngũ nhà viết kịch nói chung, một số cây bút trẻ nói riêng không chịu đi thực tế, thích ăn xổi, viết vội theo kiểu “mì ăn liền” thì khó có kịch bản hay để đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả yêu nghệ thuật sân khấu!
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
