Ngoảnh lại một bờ vai
Tôi ngoảnh lại bờ vai, từng trở về quê ngoại ở gần chân núi Thầy, một nơi đi qua bạt ngàn những ruộng mía làng Cát Quế phía dưới chân đê quai Phùng, đi thêm nữa sẽ gặp dòng sông Đáy, gặp cái chợ quê ven sông lúp xúp mấy cái lều tre mái rạ.
![]() |
Quà quê ngày Tết chỉ có nồi riêu cua chan với bánh đúc thái sợi, hay bún sợi to mà mùi riêu cua cứ ám vào người không sao gột đi. Những nẻo xưa, quà quê chợ Tết, những món ăn thôn dã chẳng phải cao lương mĩ vị gì, mà sao nó cứ đóng triện vào trí nhớ. Một hàng mía nướng cùng khoai lang nướng, một hàng kẹo bột và bánh chè lam, một hàng bánh gio rưới mật mía. Có một chợ quê lúp xúp mưa phùn, gặp toàn các mẹ các chị quần thâm áo gụ, áo bông cũ nhàu, mà cứ ẩm ướt gọi tôi trở về mỗi khi năm hết Tết đến. Một nơi không hẳn là nhà mình, quê nội của mình, nhưng nó cứ nắc nỏm trong trí nhớ. Và tôi hay trở lại không có lý do chỉ vì mình nhớ, mình như từng sinh ra và thuộc về nơi đó, nơi mướt mát xanh và con sông Đáy uốn cong quanh chợ chùa rừng.
Ngày ấy người ta còn làm bánh mật, bánh dày, bánh nếp nhân dừa đậu bầy bán khắp chợ quê. Trong mưa phùn, giá rét co ro trong cái gió hắt lên từ triền sông Đáy, chợ chùa rừng lúc ấy có một hàng cây si lớn, là nơi nhiều gánh hàng ăn quây quần quanh đó. Những chợ quê ven sông gần đầu làng đã xóa bỏ từ lâu, nhưng đất lề quê thói thì chưa mất đi, làng Cát Quế đã nhập về Hà Nội từ vài năm nay. Dĩ nhiên cái giếng đất, có bèo tổ ong sẫm màu ở ngay sát bờ đê không còn, những chiếc ao vườn cũng lấp đi để người ta làm nhà gả vợ cho con cháu, dần mất đi những nếp nhà sinh sôi với ba bốn thế hệ. Người sinh ra nhiều hơn mà đất không sinh ra tý nào.
Quê cứ hẹp lại như cái ao. Ao quê cũng không còn ao và bóng tre đã lụi tàn từ lâu. Không nghe thấy tiếng kẽo kẹt trong trưa nữa, không còn thấy yếm tre. Nông thôn hóa thành thị, bờ bãi làng Cát Quế hồi sinh thưa thác những ruộng mía, thay thế là vườn cam Canh bưởi Diễn nhân giống; họ trồng theo công nghệ 4.0 và hái ra tiền; nhiều nhà ngói mọc lên, y phố hàng Hà Nội.
Khi đó tâm trí của tôi chỉ muốn được trở về cái nhà lợp lá mía của chị Thứ, người từng bế ẵm tôi thời thơ bé; người mà mẹ tôi nói: “nhà chỉ có một con, mẹ nuôi thêm chị Thứ trông nom con cho nó ấm nhà, con có thêm người chị”. Rồi khi chị về quê lấy chồng, làm ruộng.
Học xong đại học tôi vẫn về quê với chị Thứ; chị Thứ sống một mình trong cái nhà một gian, một trái, một mảnh vườn, một cái ao con con do chồng chị, anh Bảy đã tự đào ao để tưới vườn rau su hào bắp cải. Anh Bảy mất sớm, chị không có con và sống một mình. Chị Thứ may vá thêu thùa đều giỏi, chị nói: “May vá thêu thùa đều do cô Ba mẹ em dạy chị, về nhà chị tự cắt và khâu áo quần mặc chứ không ra thợ may làng”. Thức ăn nhờ chăn nuôi, đàn gà con lợn, rau nhà và gạo thì có hai sào lúa, chị tự thuê người gieo cấy chăm bón, quanh năm đủ ăn. Chẳng có mong ngóng gì nhiều.
Cái ngày tôi học xong đại học, về với chị, gặp một cái Tết rét mướt, chị Thứ ra cây rơm rút rơm rồi đi nấu cơm cho tôi ăn, ra vườn tự hái ngải cứu, trứng gà đẻ đầy chuồng để ở cái chạn bếp tre lăn lóc trứng và lăn lóc khoai. Chợ Tết bán lạt tre, ống tre cho những ai thích mua về tước lạt, họ có thể nhuộm màu điều để buộc khi bánh chưng vớt ra và bầy biện trên ban thờ hoặc đi biếu sén Tết. Ngày Tết vui nhất sự tíu tít sắm sửa, nào mua lá dong về gói bánh chưng. Ngâm đãi đỗ cũng là thú vui của chị Thứ, chị gói chỉ 4 cái bánh chưng, vẽ việc ra làm cho đỡ buồn.
Sau gói bánh chị nấu chè kho đậu xanh, hay món xôi vò ăn với chè hoa cau. Người chị ấy của tôi suốt ngày chỉ thích bầy việc ra làm, dâng trời đất xong, chẳng mong ngóng, cũng chẳng có ai về, chị mong tôi mãi rồi mà không thấy em, nên gói xôi chè sang nhà Thân Giọt đông con cách nhau có một bờ duối gai, rồi ngồi nhìn bọn trẻ ăn ngon lành. Chị Thứ nấu món mà sở thích của người chồng đã khuất bóng rất thích ăn. Rồi chị chia lộc, ngồi nhìn bọn trẻ hàng xóm ăn.
Nhà có một mình, nên bọn trẻ con nhà Thân Giọt đi học về hay sang đây với bác Thứ. Không gian vườn ấm lại bên mái lá với ngọn đèn Hoa Kỳ năm nào. Ngôi nhà một gian một trái ấy lợp lá mía, nom cũ kỹ ấy, không phải nhà tôi, cũng không phải nơi tôi sinh ra, mà sao nhớ nhung, không lý giải nổi, nỗi nhớ nhung một phận người, không ruột thịt. Khi chị Thứ mất, cứ Tết đến, tôi chỉ mong trở về nơi ấy. Vòm trời tháng chạp bạt ngàn ruộng cải canh trổ hoa vàng, vài ruộng cây thì là cũng trổ hoa vàng, ruộng mía thì trổ hoa tím.
![]() |
Bông hoa mía tím đã lụi tàn ở một làng quê, nhưng vẫn nở trong trái tim tôi sau những cúc áo ngực, hoa mía tím trổ bông trong nỗi nhớ thương một phận người cô lẻ cả đời. Giờ thì làng Cát Quế ven sông Đáy đã khác lắm với những cửa hàng dịch vụ đồ gỗ, nhà hàng uốn tóc, uốn mi và sơn sửa móng tay nghệ thuật. Cả một làng có nghề làm mật mía giờ chuyên đổ buôn ở chợ Bắc Qua, Đồng Xuân.
Sự hiện đại giàu có đã lấn lướt đất đai. Tết muốn về quê nhìn vườn cũng khó. Có những giá trị tinh thần khi ngoảnh lại chỉ còn là vùng ký ức tươi đẹp… Vậy nhưng phận người còn lại gì nếu không có ký ức, văn chương?
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
