Nâng tầm giá trị di sản Huế
Số hóa hiện vật, tư liệu
Hệ thống di tích, hiện vật, tư liệu, lễ hội tiêu biểu ở cố đô Huế lần lượt được số hóa không chỉ góp phần lưu trữ kho tàng di sản, văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo, cũng như phát huy giá trị để quảng bá, thu hút du khách bốn phương.
Việc số hoá di tích điện Thái Hòa - ngôi điện quan trọng nhất nằm trong Đại nội Huế mới đây là một minh chứng. Điện Thái Hòa là nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn (1802-1945) đã được hạ giải phục vụ công tác trùng tu kéo dài từ năm 2022 đến 2025. Đây là công trình tiêu biểu thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam vào năm 1993.
![]() |
Di tích điện Thái Hòa - Đại nội Huế được scan 3D toàn bộ dữ liệu thu thập từ bề mặt công trình trước khi hạ giải trùng tu |
Tuy nhiên, hiện du khách vẫn có thể chiêm ngắm di tích này qua tour du lịch thực tế ảo. Qua Ngọ Môn, nhân viên hướng dẫn quét mã QR trên điện thoại thông minh, khách tham quan có thể khám phá điện Thái Hòa một cách chân xác bằng công nghệ 3D.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, ngoài việc phục vụ khách tham quan, việc số hóa này còn nhằm giám sát và làm tư liệu gốc đối chứng sau khi hạ giải. Để tránh sai lệch xuyên suốt quá trình trùng tu, đơn vị đã quét thành mô hình 3D trên cơ sở dữ liệu thu thập từ bề mặt công trình; sử dụng thiết bị drone bay quét chi tiết, định dạng kích thước, họa tiết, hoa văn...
Với 3 chế độ xem, góc nhìn 3D đa chiều xoay 360°, các bước di chuyển ngắn, liên tục và chi tiết nên khách tham quan có thể chủ động tương tác trực tiếp không gian, màu sắc, hình ảnh sắc nét sống động như đời thực. Điện Thái Hòa từ nay sẽ trường tồn trong không gian VR3D. Du khách có thể tham quan di tích ở bất kỳ đâu thông qua cú click chuột.
Đưa di sản gần hơn với du khách
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, địa phương đang lưu giữ kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong số gần 1.000 di tích được kiểm kê, có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia và 90 di tích cấp tỉnh. Thừa Thiên - Huế còn có 3 di sản phi vật thể cấp quốc gia, 10 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đặc biệt, thành phố có đến 7 di sản được UNESCO vinh danh, thuộc 3 loại hình: di sản vật thể, di sản phi vật thể và di sản tư liệu. Sự bào mòn qua thời gian và tác động từ các yếu tố môi trường khiến nhiều di tích tại Huế xuống cấp trầm trọng. Thực tế, nhiều công trình kiến trúc hầu như không còn bản vẽ và nếu có thì dữ liệu, hình ảnh cũng đã bị mờ nhòe, gây nhiều khó khăn trong việc trùng tu, sửa chữa. Việc quản lý bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa phong phú đó đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng từ đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu thực hiện công tác bảo tồn, bảo tàng; cần có những công cụ, phương thức khoa học, hiện đại.
Hiện Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã triển khai app hướng dẫn tham quan “Di tích Huế”, ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D, quét mã QR-Code để tìm hiểu thông tin về hiện vật, Model 3D xem hiện vật bằng tương tác, phục dựng Hoàng thành Huế bằng công nghệ số… Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống cũng được Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện, tổ chức các cuộc triển lãm 3D, giới thiệu không gian, tham quan bảo tàng và các di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế bằng hình ảnh 360° trực tuyến trên website. Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên - Huế đã scan, số hóa 400.000 trang tài liệu Hán Nôm có giá trị (tương ứng với khoảng 4.980 đầu tài liệu các loại) tại 187 làng, 923 họ tộc, phủ đệ và tư gia trên địa bàn… Đây là tiền đề trong lộ trình số hóa các di sản văn hóa tại Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số là cầu nối đưa các giá trị văn hóa, di sản Huế đến gần hơn với người dân và du khách; góp phần tích cực trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, giá trị văn hóa Huế. Tuy nhiên, cần xác định các nội dung ưu tiên để thực hiện… Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp công nghệ có nền tảng số phát triển; đội ngũ nhân lực có chuyên môn cao; nỗ lực khắc phục khó khăn, hạn chế về kinh phí thực hiện số hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, di sản.
Giám đốc vận hành Công ty AGS Technologies nhấn mạnh, hiện nay, công nghệ số đang là xu hướng nổi bật trên thế giới. Với ưu điểm chi phí thấp, thời gian quét và trả không gian 3D nhanh chóng chỉ trong 24-48 giờ, người dùng có thể tham quan, khám phá mọi không gian khác nhau ở bất cứ đâu. Vì thế, làm tăng khả năng kết nối, cung cấp giải pháp truyền thông, nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm đến du lịch. Phát triển du lịch thông minh theo hướng số hóa không chỉ cung cấp dịch vụ thuận tiện cho du khách mà còn nâng cao năng lực quản lý, bắt kịp xu thế ngành công nghiệp 4.0, nâng tầm giá trị của điểm đến du lịch.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
