Măng trong ký ức
![]() |
Ảnh minh họa |
Và cứ thế, trên khắp những sườn đồi, không nơi nào vắng bước chân người xách dao đi tìm măng. Mùa măng như mùa hội. Những người dân quê tôi chân, tay quấn xà cạp, đầu đội nón mê lúi húi đào từng củ măng cho vào giỏ.
Bố dạy chúng tôi: Hái măng thật chẳng dễ dàng. Những việc dễ dàng không sinh ra để dành cho người của núi! Lời của bố thấm thía khi chúng tôi cảm nhận rõ cơn rét run của da thịt sau lần áo ướt đẫm, đầu tóc cũng bết vào nhau, gai gai lạnh. Người hái măng bám chặt mười đầu ngón chân vào đá núi, mặc vắt, ốc sên, gai góc ngấp nghé gần kề…
Khi giỏ măng đã trĩu nặng trên vai, người ngả xuống chào mời thương lái. Thương lái luôn miệng chê, nào măng nặng nước mưa, nào măng dính đất núi… họ giấu biến đi ánh mắt hài lòng. Bán đổi xong xuôi, người hái măng bấy giờ mới giở nắm cơm thấm mưa ra ăn tạm để lại bắt đầu đợt hái măng mới.
Với người quê tôi, mùa măng còn là mùa… cứu đói. Thời điểm ấy cây lúa dưới đồng vừa bén rễ, thóc gạo trong chum cũng đã vơi dần theo mỗi bữa chợ phiên mua cho con cái sách vở, áo quần chuẩn bị vào năm học mới.
Thế nên, mùa ngâu đến trong nỗi hân hoan khó tả mà ngay đến trẻ con cũng cảm thấy xôn xao. Cây măng đã đi vào tiềm thức của người dân quê từ cách ví von thường nhật. Cái đẹp thôn dã thường lấy măng làm biểu tượng: Tay búp măng, bắp chân tròn như măng, bụ bẫm như măng, nhanh lớn như măng…
Người già bảo: Măng vừa gần gũi lại vừa thiêng liêng. Bởi khi măng lớn, nên lũy, nên rừng, che mưa chắn bão cho dân làng êm ấm. Hết thời chinh chiến vót chông đánh giặc, thời bình măng lớn thành tre, hồn nhiên góp vào trò chơi con trẻ, vào việc cất bếp, dựng nhà, đám ma, đám cưới…
Đi nhiều nơi, biết nhiều món ăn khác lạ, nhưng với tôi, măng hợp để luộc bằng nước mưa trong vắt chấm cùng một loại muối mà bà con dân tộc gọi với cái tên: “chẩm chéo”. Ngày xưa, mặc ngoài trời sấm sét ùng oàng, ngồi trong gian nhà lợp lá, có ăn cơm trắng mà ăn cùng măng luộc là đã đượm nghĩa sum vầy, no đủ.
Chẳng thế mà các cụ ta từng ngâm về thú ăn chơi tao nhã, hợp tiết: “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá. Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao...”. Sau này, lần theo câu hát: “Ai lên xứ Lạng cùng anh…” mà người dân quê tôi biết thêm nhiều món ăn mới: măng xào, măng chua, măng ớt…
Những mùa măng thơ ấu đã cùng tôi khôn lớn, đã thành sách bút học hành, đã thành bao manh áo đẹp… để bây giờ, mỗi mùa mưa ngâu lại văng vẳng bên tai tiếng chim “bắt cô trói cột” gọi măng lên, lại da diết nhớ một vùng trời ký ức.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
