Mái trường giữa rừng sâu
Đầu tháng 9/1968, đại bộ phận Đoàn cán bộ Ngân hàng chi viện cho chiến trường miền Nam đã đến địa điểm tập kết. Trạm đón tiếp chúng tôi đặt ở một khu rừng biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh.
![]() |
Đoàn cán bộ Ngân hàng Trung ương bổ sung cho Ban Tài mậu khu V (1968) |
Tại đây, bộ phận tiếp đón do anh Chín Hiệp phụ trách, làm việc trực tiếp với các chi, chỉ định chỗ nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khỏe. Sau đó, đoàn được bố trí thành các đoàn nhỏ, chia về các tỉnh nhận công tác. Tôi và một số anh em được chỉ định về C32 (Tiểu ban Ngân tín), trực thuộc Ban Kinh tài - Trung ương Cục miền Nam (Ban Kinh tài R).
Chia tay với anh em, tôi về nhận nhiệm vụ ở C32 và được phân công thành lập bộ khung cho một trường nghiệp vụ. Toàn bộ biên chế thời gian đầu chỉ có 12 người. Trong đó, tôi làm phụ trách chung. Ít người, chúng tôi vừa lo xây dựng trường vừa tiếp nhận học viên do các đơn vị gửi đến. Từ cán bộ, nhân viên nhà trường cùng học viên đều phải tham gia xây dựng lán trại, đào hầm tránh bom, pháo sẵn sàng đánh biệt kích.
Bởi, thời gian này, tình hình miền Nam rất căng thẳng, nhiều khó khăn mới xuất hiện. Sau cuộc tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ta chưa kịp chuyển phương hướng nhiệm vụ, phương châm và phương thức hành động nên các cơ sở từ nông thôn đến thành thị đều có những tổn thất. Phong trào quần chúng bị sa sút, căn cứ cách mạng bị đánh phá ác liệt, chiến trường chia cắt...
Tháng 1/1969, lớp sơ cấp đầu tiên gần 30 học viên tham dự. Tuy là đào tạo, kế toán tài vụ nhưng một số khái niệm chung về ngành Ngân hàng XHCN cũng được truyền đạt. Giáo viên toàn bộ là kiêm nhiệm. Anh Bảy Nhung - Trưởng tiểu ban Ngân tín được sự chỉ đạo của anh Trần Dương, tập hợp một số anh em B68 được phân công ở lại R, mỗi người phụ trách một bài. Vừa soạn bài, vừa trực tiếp lên lớp... Lớp sơ cấp đầu tiên này có ý nghĩa to lớn vì mở đầu cho một giai đoạn làm ăn theo bài bản, mang dần tính chính quy của miền Bắc XHCN đang hình thành.
Đến ngày 22/2/1969 Thường vụ Trung ương Cục miền Nam có chỉ thị “Nỗ lực vượt bậc, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, tăng cường bồi dưỡng sức dân, động viên cao độ sức người, phục vụ tiền tuyến, kiên quyết giành thắng lợi quyết định”. Đây cũng là kim chỉ nam cho mọi hoạt động kinh tế - tài chính từ năm 1969 trở về sau.
Sau đó, đoàn cán bộ tài chính do Bộ Tài chính cử vào tăng cường cho chiến trường miền Nam cũng dồn dập vào tới R. Nhà trường cũng được tăng cường thêm một số cán bộ tài chính có kinh nghiệm và một số sinh viên vừa tốt nghiệp Trường Cán bộ Tài chính - Ngân hàng trung ương.
Từ đây, trường chính thức có phiên hiệu, trực thuộc Ban Kinh tài R. Sau khi đào tạo được 2 khóa sơ cấp, số anh chị em tốt nghiệp về đơn vị đều phát huy tốt nhiệm vụ. Cuối năm 1969, Ban Kinh tài R đã quyết định nâng cấp trường lên đào tạo trình độ trung cấp tài vụ - kế toán. Đối tượng chiêu sinh là cán bộ phụ trách kế toán, tài vụ của các ban ngành xung quanh Trung ương Cục và các cán bộ chủ chốt của Ban Kinh tài huyện, tỉnh thuộc khu vực Nam bộ.
Cuối mùa khô 1970, tình hình biên giới căng thẳng. Để bảo toàn lực lượng, Ban Kinh tài với các bộ phận trực thuộc, trong đó có trường nghiệp vụ được lệnh tạm chuyển về biên giới Campuchia. Thế là thầy trò, nhân viên nhà trường lại một lần nữa dạt sang khu rừng biên giới xây dựng cơ sở mới. Lại đào hầm, giếng nước, lán trại và hội trường kiêm lớp học.
Công việc đang ngổn ngang thì ngày 18/3/1970 cuộc đảo chính ở Campuchia nổ ra. Chính quyền phản động Campuchia phản bội lời cam kết, thuận tình cho Mỹ - ngụy Sài Gòn đem 100 nghìn quân cùng pháo, xe tăng, máy bay tấn công ồ ạt vào lãnh thổ Campuchia với chiều sâu 20 km. Âm mưu của chúng là muốn cắt đứt các tuyến vận tải chiến lược của ta…
Sáng ngày 9/5/1970, lớp học vẫn diễn ra như thường lệ, nhưng hiện tượng máy bay trinh sát “VO – 10” liên tục bay trên đầu khu vực nhà trường trú đóng. Xa xa tiếng pháo ầm ì. Tiếp đến chúng gọi trực thăng “cá rô”, “cá lẹp” quần thảo tầm thấp. Tình hình diễn biến quá nhanh, tôi ra lệnh cho toàn trường vào vị trí chiến đấu, chuẩn bị đối phó với địch đánh bom, kể cả biệt kích, hoặc địch nhảy dù tấn công căn cứ.
Khoảng 12 giờ trưa, địch tăng cường máy bay trực thăng nhiều hơn, có hiện tượng địch đổ quân xuống một khu đất trống gần trường. Tôi ra lệnh cho anh chị em luồn rừng chạy sâu vào hướng tây (hướng đi sâu vào đất Campuchia), như phương án đã thống nhất từ trước. Địch phát hiện được dấu vết của trường. Trực thăng bắn thẳng, thả cả đạn cối xuống.
Sau đó, máy bay phản lực thả bom xuống khu vực trường và một số đơn vị khác. Toàn bộ chúng tôi lọt vào vùng đánh phá của địch. Bom rơi, pháo nổ xen lẫn những tiếng tiểu liên AK, AR15 đánh trả. Mọi người tìm chỗ thuận lợi để trú ẩn, mãi đến 7 giờ tối chúng tôi mới thoát khỏi vòng vây.
Sau trận càn, điểm lại mới biết nhà trường tổn thất quá lớn. 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 4 người bị thương, trong đó có anh Cao Thọ Tuyến lúc này là hiệu phó của trường. Khi tạm ổn định, nhà trường tổ chức cho anh em quay về chôn cất liệt sĩ. Nhưng, đồng bào Campuchia đã kịp an táng anh chị em. Đến nay, một số liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt.
Sau trận càn đó, trường được củng cố tiếp tục sự nghiệp đào tạo. Tôi được cấp trên rút về phụ trách một chốt vận tải, giữ tiền thuộc C32. Anh Doanh Thắng Lung được điều động từ Ban Kinh tài phân khu 1 về làm hiệu trưởng. Anh Cao Thọ Tuyến tiếp tục làm Hiệu phó. Sau 30/4/1975, trường nghiệp vụ Kinh tài vào tiếp quản Viện Hành chính quốc gia Ngụy tại số 10 đường 3/2, quận 10, TP. Hồ Chí Minh, nay là Học Viện hành chính quốc gia Việt Nam...
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
