Giữ trọn niềm tin
Rừng biên giới cuối mùa khô oi bức đến ngột ngạt. Trên đường về đồng bằng, cây rừng thưa thớt dần, thỉnh thoảng những cơn gió chỉ đem đến hơi nóng hầm hập của đất, của mùi bom đạn khét lẹt lẫn mùi tử thi chưa kịp vùi lấp. Dọc đường từng tốp, từng tốp người hối hả nối nhau đi.
![]() |
Thống đốc Lê Minh Hưng trao quà cho cán bộ ngân hàng B68 |
Phía trước, xung quanh bầu trời, mặt đất rung lên bởi tiếng gầm rú của máy bay đủ loại, tiếng pháo, tiếng bom lúc gần, lúc xa không ngớt. Đi cạnh tôi là một thanh niên có vóc người cao lớn, khuôn mặt trẻ măng, môi hồng như con gái, mồ hôi ướt đẫm bộ quân phục màu cỏ úa của anh làm cho khuôn mặt ấy càng hồng, đẹp hơn lên.
Một số đoàn trên đường đi ra gặp chúng tôi đi vô dừng lại nhường đường, nhìn chúng tôi trầm trồ: “Ôi tuyệt, nước da Hà Nội đó”. Câu nói ấy khiến chúng tôi phấn chấn hẳn lên, trong chiến tranh ác liệt, đồng bào miền Nam vẫn luôn hướng về Hà Nội với những tình cảm thân thương.
Đoàn quân đang đi bỗng khựng lại. Khẩu lệnh nghỉ tại chỗ chờ trời tối vượt khoảng trống. Tốp người đi ngược chiều bàn tán: “Chắc các anh còn phải chờ lâu vì phía trước không xa đang có trận càn của địch”. Chúng tôi tìm địa hình phòng ngự và tranh thủ nghỉ ngơi.
Nơi đây gần cánh rừng hoang vắng. Gọi là rừng nhưng chỉ là bãi đất hoang với hàng trăm, hàng ngàn hố pháo, hố bom, ụ mối nhấp nhô, mà trên đó những gốc cây trơ cành, trụi lá vì chất độc hoá học. Những bụi cây cằn cỗi, khô héo vì nắng hạn, nhưng lại là nơi trú ẩn khá thuận lợi. Mới hơn 16 giờ mà bóng tối đang từ từ trùm lên cánh rừng chiều bí ẩn. Tiếng bom, tiếng pháo đang xa dần rồi xa hẳn. Không gian bỗng vắng lặng, mặt đất thở ra hơi nóng oi nồng như cạnh lò gạch.
Chúng tôi yên lặng chờ đợi. Một sự yên lặng đến nghẹt thở. Linh tính báo có điều gì nghiêm trọng sắp xảy ra. Bỗng phía trước có tiếng nổ, hàng chục trái sáng lơ lửng bay trên bầu trời làm sáng rực cả cánh rừng với cột khói màu đỏ cao đến vài chục mét. Lập tức hàng loạt trái pháo nổ dồn dập. Bầu trời, mặt đất rung lên... “Hãy bình tĩnh, không rời vị trí”. Tiếng giao liên chìm đi trong chiến trận. Tiếng xe tăng rì rầm, tiếng pháo, tiếng tiểu liên nổ giòn giã từng đợt, mỗi lúc một gần thêm… Đêm đó theo bước giao liên chúng tôi cắt rừng vượt vòng vây của giặc.
![]() |
Những kỷ vật của các cán bộ ngân hàng B68 được trân trọng lưu giữ |
Hôm sau đến trạm nghỉ, tôi mới biết anh thanh niên đẹp trai “có nước da Hà Nội” đó tên Thành, cán bộ Tài chính. Thành vừa vào đến trạm tiếp đón của Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam thì được cử đi nhận công tác ở Long An.
Thành kể: “Tốt nghiệp đại học, tôi tình nguyện đi Nam, để lại đằng sau niềm nhớ thương cho mẹ già và cô em gái còn tuổi học trò”. Tôi hỏi: “Trong hoàn cảnh ấy, cậu nghĩ sao mà tình nguyện?”. Thành nói: “Tôi muốn được sống như người cộng sản. Tôi muốn trở thành người đảng viên”. Trước khi chia tay, tôi trao cho Thành bức thư gửi cho anh Tư Liêm là cán bộ Ban Kinh tài miền Nam được cử về làm Phó ban Kinh tài Long An để giới thiệu Thành. Thành rất cảm động.
Về căn cứ không bao lâu tôi bị sốt rét nặng, người ta thường sốt cách nhật, riêng tôi thì sốt cách tuần. Cơn sốt li bì cách tuần lễ không ăn uống gì được. Hết sốt tôi chỉ uống được nước cơm, rồi tập ăn cháo, sắp ăn được cơm thì lại sốt liền một tuần lễ… Cứ như vậy, suốt sáu tháng trời, người của tôi chỉ còn da bọc xương. Tôi nghĩ chiến tranh sống chết là lẽ thường. Nhưng thà chết ở chiến trường vì giặc, còn hơn chết vì sốt rét rừng.
Vì vậy tôi quyết tâm chữa hết sốt rét để có dịp lại đi chiến trường, nhưng tiêm mãi ký ninh Max vẫn không hết sốt. Bác sĩ mách bảo phải tìm ký ninh miền Bắc chích mới hết loại sốt rét này được. Tôi tìm khắp nơi nhưng không ai còn, may sao đó, cô Thảo người đi cùng đoàn với Thành gửi cho tôi 9 ống. Tiêm hết mấy ống thuốc ấy tôi hết sốt hẳn.
Sau đó, tôi xin đi Long An, một địa bàn sát nách Sài Gòn nơi mà Mỹ ngụy chọn làm trọng điểm “bình định đặc biệt”. Mức độ chiến tranh ở đây ác liệt hơn cả ở Mỹ Tho nơi tôi đi kỳ trước. Kỳ này xin đi Long An vì tôi còn một mong muốn khác là để biết tin tức của Thành. Có người cho tôi biết Thành đã “chiêu hồi”. Nhưng trong thâm tâm tôi không thể nào tin được, bởi Thành không thể phản bội lý tưởng cao đẹp như Thành đã tâm sự với tôi.
Đầu năm 1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, nhân chuyến công tác miền Bắc, Tỉnh uỷ Long An cử anh Tư Liêm ghé thăm trại trao tù binh ở Thạch Hãn, Quảng Trị. Khi về anh Tư Liêm kể: Anh đến thăm khi Thành đang viết bản kiểm điểm, người ta hỏi Thành “Tại sao khi bị bắt anh chưa là đảng viên anh lại khai nhận là đảng viên?”. Thành trả lời: “Trước kẻ thù tôi không còn con đường nào khác là phải đấu tranh như những người cộng sản”.
Thế rồi tổ chức công nhận Thành là đảng viên từ ngày Thành bị địch bắt vào tù và công nhận luôn chức Bí thư chi bộ từ ngày chi bộ nhà tù bầu Thành làm bí thư. Vì trong tù chẳng những Thành đấu tranh rất kiên cường với địch mà nhiều lần còn lấy thân mình che chở cho bạn tù khi bị bọn cai ngục đánh đập. Uy vũ không khuất phục được Thành, bọn địch đã chọn trong số chân tay của chúng, đứa có giọng nói giống Thành rồi ghi âm, kêu gọi những người có tên và địa chỉ trong sổ tay của Thành, hòng bôi nhọ Thành và lung lạc đồng đội.
Mấy mươi năm rồi chưa gặp lại, nhưng câu nói của Thành ngày nào vẫn mãi vọng trong tôi. “Tôi muốn được sống như người cộng sản”.
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
