Mai một bản sắc vùng cao
![]() |
Một gia đình người Si La (Lai Châu) |
Nhìn vào quá trình phát triển kinh tế, văn hóa đất nước thì không thể thiếu thủy điện. Nhưng cân nhắc làm sao để vừa phát triển thủy điện, vừa bảo tồn được nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc Việt Nam là điều cần được tính đến.
Cũng phải nhìn nhận, các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban Dân tộc đã tổ chức xây dựng các đề án bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số, trong đó đặc biệt quan tâm đến 16 dân tộc ít người và đặc biệt ít người.
Điều dễ nhìn thấy, mà chúng tôi quan sát, tìm hiểu được chính là sự di dân để làm thủy điện. Bà con được bố trí vào các vùng tái định cư, được xây dựng nhà mới, khang trang, được cấp ruộng đất mới. Điều này đồng nghĩa với việc tập quán canh tác, nề nếp, lối sống phải thay đổi. Thậm chí cả những sinh hoạt văn hóa cũng phải thay đổi theo.
Như tìm hiểu của chúng tôi tại Ban Dân tộc tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, đời sống người dân tộc thiểu số vẫn còn vô cùng khó khăn, tỉ lệ đói nghèo cao, việc chấn hưng văn hóa truyền thống gặp nhiều khó khăn. Kéo theo đó là những nét văn hóa truyền thống, nhiều phong tục, tín ngưỡng đang đứng trước nguy cơ bị mai một, nếu không được duy trì, nó sẽ chỉ còn là ký ức hiện lên trong trí nhớ của người già như lễ gieo hạt, lễ cúng thần gió...
Ông Đỗ Hạ Long, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu chia sẻ, công cuộc di dân tái định cư phục vụ xây dựng các công trình thủy điện đã khiến cuộc sống của các dân tộc ít người tại đây gặp nhiều biến động. Người dân các dân tộc ít người bỗng chốc bị “sốc” trước nhịp độ tác động mạnh mẽ, gấp gáp của môi trường công nghiệp.
Văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người vốn được bảo tồn trong môi trường biệt lập bỗng trở nên yếu ớt, lạc lõng. Công trình nhà cửa và không gian của nhiều bản làng không giữ được nét riêng, thay đổi cả về nguyên liệu, kiến trúc và không gian bản làng truyền thống cũng bị phá vỡ.
Chúng tôi có dịp tìm hiểu về đời sống bà con dân tộc “lá vàng” – đặc biệt ít người, là người Si La ở Mường Tè (Lai Châu), khi công trình thủy điện được xây dựng. Nơi xưa kia là vùng sản xuất, sinh sống của họ đã bị dùng làm hồ chứa nước. Họ buộc phải được tái định cư cách đó gần chục cây số, được xây dựng nhà cửa, được cấp phát gạo ăn, rồi được tiếp xúc nhiều với các dân tộc khác.
Điều đó có nghĩa là văn hóa của họ đã bị thay đổi quá nhiều. Kể cả nếp ý thức trong lao động, họ cũng trở nên bị động hơn, luôn trông chờ, ỷ lại. Nhà thơ Đỗ Thị Tấc, người nhiều năm qua thực hiện các đề án bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số cho rằng, những cái mất đi đều vô cùng khó khôi phục.
Và khi chúng ta để mất, thì hồn núi, hồn rừng cũng nhạt phai. Ngay như nhiều già làng, trưởng bản bây giờ cũng không còn khả năng giúp lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình nữa. Điều trăn trở ấy luôn thôi thúc bà lên đường.
Càng tiếp xúc thì càng thấy nét văn hóa của người thiểu số vô cùng mong manh trước thời hiện đại. Sự mất mát ấy không còn là nguy cơ mà đã là hiện thực. Hiện thực ấy khiến chúng ta phải suy nghĩ, cân nhắc và tìm ra những giải pháp quan trọng, hiệu quả. Nhà nước đã có nhiều đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, ít người.
Nhưng như ông Lò Văn Thoạn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điện Biên thì việc đầu tư còn ít, dàn trải, khiến cho hiệu quả chưa cao. Dẫu các địa phương đã nhận diện được nguy cơ và bắt tay vào khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống, nhưng còn rất đỗi nhọc nhằn.
Ngay như việc kiểm kê di sản của các đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã khó khăn. Đơn cử là dân tộc Lào - đã sinh sống khoảng 350 năm tại Điện Biên, đến nay đồng bào chỉ còn giữ được duy nhất một bộ trang phục dân tộc. Thật quá ít ỏi!
Ưu tiên, dành tâm huyết để phục dựng, gìn giữ, bảo lưu giá trị văn hóa, để giữ hồn núi, hồn rừng là việc làm không thể chậm trễ.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
