Lập hồ sơ di sản “cứu” tranh Đông Hồ
Đây được xem là hành động cần thiết, kịp thời để “cứu” tranh Đông Hồ không bị mai một trong thời đại mới.
![]() |
Tranh dân gian Đông Hồ Phù Đổng Thiên Vương |
Giá trị riêng có
Có thể nói, tranh dân gian Đông Hồ cùng tranh kính (kiếng) Nam bộ, tranh Kim Hoàng, tranh Nam Hoàng, tranh Hàng Trống… là những di sản quý của nước ta, có giá trị về nghệ thuật và góp phần làm đa dạng nền văn hóa Việt Nam. Tranh dân gian Đông Hồ là một dòng tranh ra đời ở nước ta từ thời Lê tại làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trải qua thăng trầm lịch sử, tranh Đông Hồ gắn bó mật thiết với đời sống người dân Việt Nam, là sản phẩm văn hóa có những giá trị riêng được người dân yêu mến, ưa chuộng.
Tranh dân gian Đông Hồ đặc sắc và mê hoặc mọi người bởi ngoài các đặc điểm về đường nét và bố cục thì màu sắc và chất liệu giấy in cũng rất đặc biệt. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp, người thực hiện thường nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn - hồ dùng để quét nền tranh thường được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc bột sắn, hồ nấu từ bột nếp thường dùng để dán) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó.
Chổi lá thông tạo nên những ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng, có thể pha thêm màu khác vào hồ trong quá trình làm giấy điệp. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen, xanh, vàng, đỏ... được làm từ các loài thực vật.
Để hoàn thành một bức tranh dân gian Đông Hồ, người làm tranh phải rất công phu, cẩn thận và thực hiện nhiều giai đoạn: sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quét điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp, khi in tranh phải in từng màu lần lượt, nếu có 5 màu thì 5 lần in, mỗi lần in là một lần phơi… Cứ như thế, từng lớp, từng lớp dưới ánh sáng mặt trời lấp lánh các hình ảnh, đường nét của cảnh sắc thiên nhiên, nếp sinh hoạt của người dân.
Các nhà nghiên cứu nhận định, tranh Đông Hồ rất đa dạng nhưng chủ yếu tập trung vào các thể loại: Tranh thờ, Tranh lịch sử, Tranh chúc tụng, Tranh sinh hoạt và Truyện tranh. Dòng tranh này có được sức sống lâu bền và sự cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ người Việt cũng như du khách nước ngoài bởi những đề tài trên tranh phản ánh khá chân thực, sinh động và đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị cũng như nét văn hóa truyền thống của người Việt.
Cứ bóc tách từng lớp nang văn hoá hiện trên mỗi bức tranh Đông Hồ cũng đủ cho chúng ta thấy vốn liếng văn hoá Việt thuần khiết và trong sáng tới chừng nào. Chính vì thế trong thơ Tú Xương, Hoàng Cầm và nhiều thi sĩ khác đã từng có những vần thơ miêu tả vẻ đẹp của tranh dân gian Đông Hồ trong các tác phẩm văn chương của mình.
Để “cứu” tranh Đông Hồ
Như nhiều dòng tranh, làng nghề truyền thống khác, tranh dân gian và làng nghề tranh Đông Hồ qua thời gian và bị tác động bởi thời buổi kinh tế thị trường đã cho thấy sự mai một, mất dần sự đặc sắc.
Hiện nay, tại làng tranh Đông Hồ không còn nhiều người gắn bó với dòng tranh này, thay vào đó các hộ dân chuyển sang sản xuất vàng mã. Trong khi đó, nghệ nhân làm tranh Đông Hồ hiện nay cũng không còn nhiều, nếu có cũng đã ở tuổi xưa nay hiếm nên thiếu đội ngũ trẻ kế thừa. Tuy nhiên điều đáng lo ngại nhất, những năm qua là tranh dân gian Đông Hồ không còn mang tính “thuần Việt” như thời xưa mà đang dần bị “thương mại hoá”.
Bây giờ, tranh Đông Hồ thường không có màu sắc thắm như tranh cổ vì người ta trộn màu trắng vào điệp quét giấy nhằm bớt lượng điệp khiến giấy mất độ óng ánh và trở nên thường, màu sắc sử dụng cũng chuyển sang loại màu công nghiệp, các bản khắc mới có bản không được tinh tế như bản cổ. Không những thế, một số bản khắc đã đục bỏ phần chữ Hán (hoặc chữ Nôm) bên cạnh phần hình của tranh khiến tranh ít nhiều bị “què cụt” về mặt ý nghĩa.
Đứng trước nguy cơ mai một làng nghề và dòng tranh Đông Hồ, UBND tỉnh Bắc Ninh từ năm 2014 đã thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến 2030”. Đề án vạch rõ những “đường đi nước bước” để cứu tranh Đông Hồ gồm: phục hồi, phát triển tranh dân gian Đông Hồ; xây dựng Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ; xây dựng hồ sơ ứng cử Quốc gia tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành nghiên cứu, đánh giá, phân tích thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản tranh dân gian Đông Hồ, dự báo những tác động tiêu cực, từ đó có những biện pháp, hành động kịp thời, hiệu quả ngăn chặn tác động tiêu cực gây ảnh hưởng làm mai một dòng tranh này.
Và mới đây, tỉnh Bắc Ninh cho lập hồ sơ khoa học trình UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp được các chuyên gia đánh giá là cần thiết, kịp thời và có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa làng nghề, nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
