Lão nông mua cổ vật gắn lên… tường!
![]() | Miền ký ức qua những cổ vật |
![]() | Lừa bán cổ vật rởm |
![]() |
Ông Trường và những món đồ gắn trên tường nhà |
Bán đồ đạc để mua cổ vật
Ông Trường từng là bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Lào. Với nước da ngăm đen, dáng dong dỏng cao, khuôn mặt khắc khổ, mái tóc và râu để dài, đặc biệt là dù trời có nóng đến thế nào, ông Trường vẫn khoác trên mình bộ quần áo bộ đội. Tất cả những đặc điểm đó làm cho ông không lẫn được với ai. Năm 1985, ông về quê làm ruộng, mưu sinh bằng nghề sơn bàn ghế thuê.
Trong một lần đến làm cho một gia đình buôn bán đồ cổ cố tiếng ở huyện, ông Trường được tận mắt chứng kiến những món cổ vật độc đáo, được nghe giới thiệu về lịch sử của chúng nên thấy thích và đam mê từ độ ấy. Năm 1986, ông quyết định làm thêm nghề buôn đồ cổ. Ông Trường tâm sự: “Mới đầu, tôi xác định đi thu gom đồ cổ rồi về bán lại, kiếm chút tiền trang trải cuộc sống, nhưng rồi cứ thu mua về, nâng niu, trân trọng những món đồ đó, tôi lại bỏ dần cái suy nghĩ bán lại kiếm tiền!”.
Nhiều người bảo ông bị điên, bị khùng, cơm không đủ ăn còn chơi đồ cổ. Ông còn bị cả gia đình ngắn cấm, phản đối nhưng vẫn nhất quyết theo đuổi niềm đam mê của mình.
Số tiền ít ỏi tích góp được mấy năm trời từ nghề sơn bàn ghế, ông Trường đổ cả vào cổ vật. Mua nhiều nhưng không chịu bán đi, tiền mấy rồi cũng hết, có lúc ăn bữa trước lo bữa sau nhưng ông Trường vẫn giấu vợ mang con gà hay bao thóc đi bán. Làm thuê được bao nhiêu, ông lại xách ba lô lên và rong ruổi khắp các huyện trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành khác. Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang… không nơi nào chưa in dấu chân lặn lội của ông Trường. Chẳng thế mà chuyện ăn đói, chịu khát, phơi nắng phơi sương hàng trăm cây số đã trở thành quen thuộc với ông.
Bà Hồ Thị Nga, vợ ông Trường chia sẻ: “Có bao nhiêu tiền, nhà tôi đem đi mua đồ cổ hết. Mê đồ cổ ngấm vào máu rồi. Có lần đi mua hết tiền, xe hết xăng, ông ấy phải dắt bộ gần 20km về nhà. Mỗi bận đi xa về người ông lại đen sạm, rộc hẳn đi. Mọi người can ngăn, khuyên bảo nhiều lắm mà thấy ông mê quá nên cũng chẳng biết làm thế nào. Sau dần dần tôi thấy ông ấy làm như vậy cũng có cái hay, cái tốt nên ủng hộ để cuộc sống vui vẻ và để ông ấy làm tốt hơn”.
Ý tưởng gắn đồ cổ lên tường
Tích tiểu thành đại, số cổ vật mà ông Trường kiếm được qua mỗi ngày lại càng nhiều hơn. Ông sở hữu hàng nghìn đĩa, chén, bát, bình gốm... cùng nhiều đồ cổ khác, có những món quý giá từ thời nhà Lý, Trần, Lê... niên đại từ thế kỷ thứ 17, 18 rất được ông trân trọng. Ngày ấy, căn nhà cũ của ông xuống cấp, vợ chồng ông cố gắng lắm mới xây lại được một căn nhà cấp bốn. Vì không có tiền quét vôi ve, và nhà cũng không có không gian để trưng bày cổ vật nên ông Trường nảy ra ý tưởng ốp tất cả những món đồ cổ của mình lên tường. Ông cho biết: “Vợ chồng tôi lấy nhau khó khăn, mãi mới xây được căn nhà này. Người ta thì có tủ kính trưng bày cổ vật, tôi lại gắn hết chúng lên tường, vừa để trang trí cho ngôi nhà, vừa để bảo quản, gìn giữ những món đồ ấy, sợ bị mất cắp hay nhỡ có túng thiếu thì nhất quyết không bán đi”.
Ban ngày, ông Trường đi làm, đến chiều tối lại tranh thủ, cặm cụi trộn vữa gắn cổ vật lên. Hàng xóm có người ngỏ ý muốn làm cùng, ông đều gạt đi, vì ông muốn tự tay làm theo đúng ý mình, nhỡ họ làm sai lại hỏng việc.
Bây giờ ngôi nhà của ông Trường giống như một bức tranh nhiều vẻ. Đi khắp các ngõ xóm làng Kiệu Sơn, thấy nổi bật nhất, độc đáo nhất vẫn là nhà của ông Trường. Ngay từ tường rào, rồi cổng vào, đằng trước, đằng sau, phòng khách, buồng ngủ, nhà bếp đều được ông trang trí một cách tỉ mỉ bằng cổ vật. Chưa thỏa chí, ông còn tự mình đắp hòn non bộ bằng cổ vật, kê bộ bàn đá ở góc sân để nhâm nhi trà chiều. Việc tính toán, sắp xếp, bố trí sao cho hợp lý cũng mất khá nhiều thời gian.
Cho đến giờ, số đồ cổ đã gắn lên tường nhà ông đã gần 10.000 món, cùng với 120kg tiền xèng, ngót 50kg tiền đồng xu... cùng nhiều cổ vật khác. Có người muốn mua lại căn nhà của ông với giá 7 tỷ đồng nhưng ông không bán. Ông Trường hào hứng chia sẻ: “Nhà năm, bảy tầng thì nhiều chứ nhà như thế này tôi tự tin rằng ở Việt Nam không đâu có. Đây là công sức gần 20 trời của tôi. Tôi có dặn các con, các cháu mình, sau này có thể ở căn nhà này hoặc xây nhà chỗ khác, chứ tuyệt đối không được bán hay dỡ bỏ căn nhà này với bất cứ lý do gì vì nó là tâm huyết, là mồ hôi nước mắt của tôi”.
Tâm nguyện của lão nông “gàn”
Cả một đời chịu tiếng “khùng”, “gàn dở” nhưng ông Trường cảm thấy rất tâm đắc về những việc mình đã làm. Sở hữu một bộ sưu tập có thể coi là “khủng” về đồ cổ, mỗi khi nhìn vào những hoa văn, đường nét, nước men trên những món đồ ấy, ông lại cảm thấy rất vui vì mình đang góp một phần sức lực nhỏ bé trong việc bảo tồn những nét đẹp, giá trị văn hóa từ ngàn đời của dân tộc.
“Tôi thấy cổ vật hiện nay đang bị thương mại hóa rất nhiều. Không biết bao nhiêu món đồ cổ được bán sang nước ngoài dẫn đến tình trạng “chảy máu cổ vật”. Nếu cứ đem bán, đem thương mại hóa như thế thì sau này đời con, đời cháu làm sao biết được tài hoa chế tác của người xưa trên những món đồ cổ. Nghĩ vậy nên dù khó khăn, nghèo đói thế nào tôi cũng mua cho được những món đồ quý”, ông Trường bộc bạch.
Nay các con đã khôn lớn, cuộc sống cũng đã bớt khó khăn, dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày ông Trường vẫn xách túi đi tìm đồ cổ. Biết bố đam mê và vất vả nên cậu con trai cả lâu lâu cũng hỗ trợ thêm vài triệu đồng để ông làm lộ phí. Ngày qua ngày, ngôi nhà của ông Trường giờ đã trở thành điểm đến của không ít người dân, du khách thập phương, các em học sinh, sinh viên có sở thích khám phá và đam mê lịch sử. Những lúc này, ông Trường lại giống như một người hướng dẫn viên du lịch, say sưa giới thiệu, giải thích từng món đồ. Những lúc rảnh rỗi, ông lại ngồi rít điếu thuốc lào, nhâm nhi chén trà, ngắm nghía rồi lau chùi như người ta đang nâng niu món báu vật của mình.
Bây giờ giới chơi đồ cổ ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc đều biết đến ông Trường. Họ nói rằng, ông là người chơi có tâm huyết, có cách chơi độc đáo không lẫn với ai. Hiện nay, nhiều du khách nghe tiếng đã tìm đến để được chiêm ngưỡng ngôi nhà gắn đồ cổ độc đáo này.
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
