Lan tỏa sức mạnh văn hóa
Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, hôm nay (27/2), Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” được tổ chức tại Hà Nội dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến 63 tỉnh, thành phố… Hội thảo gồm 2 phiên: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Tháng 2/1943, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội).
![]() |
Văn hóa Việt Nam đã có bước phát triển mới, với sự hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng |
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, 80 năm qua ghi dấu nhiều thăng trầm, thay đổi, nhưng giá trị nền tảng, bền vững mà Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã tạo nên trong dòng chảy phát triển văn hóa của đất nước vẫn còn nguyên vẹn. Hội thảo lần này không chỉ nhìn lại dấu mốc tự hào 80 năm về trước mà chính là một sự tiếp nối. Tên hội thảo đã chứa đựng trong đó khát vọng, không chỉ của những người làm công tác văn hóa mà còn của nhiều bậc trí thức cả nước. “Ban đầu chúng tôi hy vọng nhận được 60 bài tham luận nhưng nay đã nhận được 154 tham luận”, bà Phương cho biết.
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, vận dụng các nguyên tắc của Đề cương về văn hóa để thúc đẩy văn hóa nước nhà phát triển mạnh mẽ, đồng thời phát huy được những thế mạnh một cách khoa học, thể hiện được các giá trị bản sắc của Việt Nam gắn với phát triển văn hóa thời kỳ đổi mới có ý nghĩa rất quan trọng. “Tôi nghĩ rằng chúng ta nhìn nhận sức sống của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” với những nguyên tắc như vậy để thấy Đề cương vẫn có vai trò vô cùng quan trọng, có tính cấp thiết”, bà Phương bày tỏ.
Trong khi đó, PGS.TS. Đào Duy Quát (nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương) khẳng định, tính thuyết phục và chiến đấu cao của các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hành động của Đề cương về văn hóa 1943 đã thức tỉnh những trí thức văn nghệ sĩ đang bi quan, dao động, mất phương hướng nay thấy được: Muốn giải phóng mình thì phải tự nguyện dấn thân vào con đường giải phóng dân tộc, trí thức văn nghệ sĩ phải là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc.
“Văn kiện lịch sử này thực sự đã trở thành ngọn cờ tập hợp, tổ chức và cổ vũ hành động đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước vào cuộc chiến đấu phá vỡ xiềng xích của văn hóa phát xít, thực dân, phát huy mạnh mẽ sức mạnh văn hóa tinh thần của toàn dân tộc cho thắng lợi của cuộc cách mạng tháng 8/1945”, ông Quát nhấn mạnh.
Còn nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, mục tiêu của bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 không chỉ đơn giản là kêu gọi chống đế quốc, phong kiến mà phải huy động lực lượng nào tham gia vào thời điểm lịch sử đó. Đồng thời, sau khi giành được chính quyền thì chúng ta sẽ xây dựng nền văn hóa nào.
“Trong thời gian rất ngắn, nhưng bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã đi vào trong đời sống thực tiễn. Tổng Bí thư Trường Chinh từng nhắc lại, văn kiện đó chỉ 1.500 chữ, dù chưa có nhiều điều kiện để nghiên cứu, nhận thức đầy đủ nhưng đã được đặt trên cơ sở nền tảng, tư tưởng chính trị của thời kỳ đó, động lực lớn nhất đó là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Cho nên, nguyên tắc đầu tiên được đưa ra trong văn kiện này đó là mục tiêu dân tộc, trong đó gồm cả tình yêu đất nước và cả xây dựng nền văn hóa mới như thế nào khi đất nước giành được độc lập”, ông Quốc nhấn mạnh.
Các ý kiến đều có chung một nhận định, sau 80 năm, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam đã đúc kết nguyên tắc cơ bản của nền Văn hóa Việt Nam đó là "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng".
Ngày nay, văn hóa Việt Nam đã có bước phát triển mới, với sự hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng, vì thế, từ nền tảng truyền thống, chúng ta cùng kiến tạo, xây dựng những hệ giá trị mới là hết sức cần thiết. Có như vậy, văn hóa Việt sẽ ngày càng lan tỏa, để văn hóa ngày càng trở thành lĩnh vực có vị trí quan trọng, vừa là mục tiêu và là động lực thúc đẩy sự phát triển một cách đúng hướng, lành mạnh, trên nền tảng bảo vệ lợi ích quốc gia, của nhân dân.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, đến thời điểm này chúng ta cần linh hoạt hơn trong việc vận dụng những nguyên tắc cơ bản của bản Đề cương về văn hóa 1943. Theo ông Quốc, thuật ngữ và ngôn từ như vậy nhưng nó cũng phải trưởng thành, thay đổi theo kịp thời đại. “Tôi nghĩ đến bây giờ, bản đề cương vẫn không cũ, chỉ có điều chúng ta hiểu dân tộc như thế nào trong thời kỳ mà chúng ta đã giành được độc lập”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn nhận, đồng thời phân tích: “80 năm qua, chúng ta đã phải bảo vệ những nguyên tắc đó bằng biết bao xương máu để xây dựng chế độ xã hội mới với mục tiêu làm cho đất nước hùng cường, văn minh. Nhưng khi chúng ta hội nhập với thế giới thì nhận thức về vấn đề dân tộc sẽ được hiểu như thế nào. Rõ ràng, nội hàm của dân tộc đã không còn như buổi ban đầu nữa. Về vấn đề đại chúng, có thể thấy rằng đại chúng là văn hóa của người dân, do người dân làm nên, cho nên rõ ràng hạt nhân là tinh thần dân chủ, làm thế nào cho người dân vừa là chủ nhân vừa là người hưởng thụ, phải làm cho văn hóa trở thành sự nghiệp của nhân dân. Tôi cho rằng những nguyên tắc đó không có gì là cũ cả, vẫn còn nguyên giá trị”. Còn về tính khoa học, theo ông Quốc, chúng ta đã chứng kiến nhiều sự thay đổi trên toàn cầu. Chúng ta phải theo kịp, ứng biến, thích nghi với nó nhưng đồng thời vẫn phải sáng tạo, xây dựng cái riêng cho mình.
“Tôi nghĩ, nhân dịp kỷ niệm 80 năm này là cơ hội để chúng ta nhắc lại vị trí quan trọng của lĩnh vực văn hóa. Không chỉ đơn giản là việc so sánh văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế mà chúng ta cần phải hiểu văn hóa là hồn cốt của sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực khác nhau”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia

Khát vọng kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới: Thấy gì từ Ngày hội Văn hoá T&T – SHB?
