Lạm phát lại nóng
![]() | Thủ tướng: Kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% |
![]() | Lạm phát và những ẩn số |
![]() |
Ảnh minh họa |
Lạm phát bật tăng trong khi tăng trưởng kinh tế lại đang giảm tốc mạnh dưới tác động của đại dịch Covid-19, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,81% - là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Rõ ràng trong bối cảnh tổng cầu của nền kinh tế đang rất yếu vì ảnh hưởng của đại dịch, thế nhưng vẫn có tới 7/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá là điều rất đáng phải lưu tâm, trong đó đáng chú ý nhất là diễn biến giá xăng dầu và thịt lợn.
Số liệu thống kê cho thấy, hai đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 28/5/2020 và 12/6/2020 đã khiến giá xăng, dầu tăng 14,24%, qua đó đẩy CPI chung tăng 0,59%. Bên cạnh đó, giá thịt lợn tăng 3,36% trong tháng vừa qua cũng góp phần đẩy CPI chung tăng 0,14%.
Tuy nhiên nếu nhìn tổng thể 6 tháng đầu năm thì xăng dầu vẫn là yếu tố góp phần kiềm chế mức tăng của CPI khi mà 6 tháng đầu năm, giá các mặt hàng xăng dầu giảm tới 19,49%, qua đó tác động làm CPI chung giảm 0,81%; trong khi giá thịt lợn tăng 68,2% đã đẩy CPI chung tăng tới 2,86%.
Điều đáng nói hơn cả là mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo kéo giảm giá thịt lợn hơi về còn 60.000 đồng/kg, thế nhưng đến nay giá thịt lợn vẫn chẳng giảm là bao. Thậm chí việc nhập khẩu thịt lợn và cả lợn sống trong thời gian vừa qua cũng không kéo giảm được giá mặt hàng thực phẩm này. Hiện giá lợn hơi tại nhiều địa phương vẫn trên 90.000 đồng/kg; giá thịt lợn bán lẻ trên thị trường từ 140.000-180.000 đồng/kg.
Việc giá xăng bật tăng trở lại trong khi giá thịt lợn vẫn đứng ở mức cao đang đe dọa tới mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay. Bởi mặc dù CPI bình quân đã giảm dần từ mức cao là 6,54% về mức 4,19% trong 6 tháng đầu năm, song con số này vẫn đang cao hơn so với mục tiêu 4% đã đề ra trong năm nay và để thực hiện được mục tiêu kiểm soát CPI bình quân cả năm 2020 trong khoảng 4%, thì dư địa cho các tháng còn lại sẽ ở mức +0,56%/tháng, tức thấp hơn so với mức tăng của tháng 6.
Trong khi áp lực lạm phát những tháng cuối năm là rất lớn. Thứ nhất, hiện tổng cầu của nền kinh tế đang trên đà phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát, cầu tăng sẽ kéo giá cả nhiều mặt hàng tăng. Thứ hai, giá điện sẽ trở lại bình thường kể từ tháng 7 này sau 3 tháng được hỗ trợ giảm giá 10%. Thứ ba, nhu cầu chi tiêu tiêu dùng cũng thường tăng mạnh trong những tháng cuối năm.
Mặc dù vậy theo nhận định của giới chuyên gia, giá xăng dầu và giá thịt lợn vẫn là những yếu tố chính quyết định diễn biến CPI và lạm phát của Việt Nam trong những tháng cuối năm. Nếu giá xăng dầu và giá thịt lợn tiếp tục tăng, thì khả năng lạm phát cao quay trở lại trong năm nay là hoàn toàn có thể.
Với giá xăng dầu, do phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá cả trên thị trường thế giới nên rất khó để kiểm soát giá mặt hàng này. Hơn nữa, nhiều dự báo cho thấy giá xăng dầu thế giới khó có thể tăng cao trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái, sản xuất bị đình trệ vì đại dịch. Ngay cả trường hợp giá xăng dầu tăng thì chúng ta vẫn còn một “công cụ” là quỹ bình ổn để ổn định giá xăng dầu trong nước, từ đó giảm bớt áp lực lên lạm phát.
Vì vậy, vấn đề mấu chốt để kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm là phải kiểm soát được giá thịt lợn. Bên cạnh đó, cần tránh tăng giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu do Nhà nước quản lý giá.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá hôm 1/7, Thủ tướng cũng yêu cầu kết hợp đồng bộ, hiệu quả, kịp thời các biện pháp vĩ mô, tài khóa, tiền tệ và các công cụ vi mô, điều hành các mặt hàng cụ thể, nhất là xăng dầu, thịt lợn, các mặt hàng thiết yếu như y tế, giáo dục, lương thực, thực phẩm… để kiểm soát lạm phát cả năm dưới 4% theo đúng mục tiêu đã đề ra.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường carbon từ tầm nhìn chiến lược
