Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
![]() |
Fed cho đến nay vẫn trong trạng thái "kiên nhẫn, quan sát" |
Kết quả cuộc khảo sát của Đại học Michigan vừa được công bố cuối tuần trước cho thấy Chỉ số tâm lý người tiêu dùng đã giảm xuống 50,8 điểm trong tháng 4, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2022; trong khi kỳ vọng lạm phát 12 tháng của người tiêu dùng tăng lên 6,7% - mức cao nhất kể từ năm 1981, kỳ vọng lạm phát 5 năm cũng tăng mạnh lên 4,4% - mức cao nhất kể từ tháng 6/1991.
Kết quả này đang củng cố thêm luồng quan điểm là nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể rơi vào tình trạng lạm phát đình đốn và nếu điều đó xảy ra sẽ là một bài toán hóc búa đối với Fed, bởi xử lý vấn đề nào lại có thể làm trầm trọng thêm vấn đề kia.
Còn nhớ sự kết hợp giữa lạm phát cao và tỷ lệ thất nghiệp cao đã khiến cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker vấp phải một sai lầm vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980 khi ưu tiên kiểm soát lạm phát với lãi suất trừng phạt và gây ra suy thoái.
“Thật khó để biết chính xác nền kinh tế sẽ phát triển như thế nào”, Chủ tịch Fed New York John Williams cho biết trong bài phát biểu trước Phòng Thương mại Puerto Rico, trong đó ông có ước tính tăng trưởng giảm xuống dưới 1% trong năm nay, trong khi lạm phát tăng tốc trở lại lên tới 4% và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên tới 5%.
Đây là những kết quả tồi tệ đối với Fed với nhiệm vụ kép là ổn định lạm phát ở mức mục tiêu 2% và duy trì việc làm ở mức cao. “Với những tác động không chắc chắn của các mức thuế quan mới công bố và các thay đổi chính sách khác, có một phạm vi kết quả rộng bất thường có thể xảy ra”, ông cho biết.
Chủ tịch Fed St. Louis Alberto Musalem cũng cho rằng, kỳ vọng lạm phát dài hạn của người tiêu dùng tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 30 năm là rất đang quan tâm. “Nếu công chúng bắt đầu kỳ vọng lạm phát sẽ vẫn ở mức cao trong dài hạn, thì công việc khôi phục sự ổn định giá cả và việc làm tối đa sẽ khó khăn hơn nhiều”, Musalem cho biết.
Kỳ vọng lạm phát tăng vọt sẽ đe dọa đến tiến trình mà Fed đã đạt được trong việc kiểm soát lạm phát, đưa lạm phát về mục tiêu 2%. Nó cũng có thể khiến Fed không thể hỗ trợ nền kinh tế đang phải đối mặt với những rủi ro mới, như sự hỗn loạn trên thị trường tài chính hiện tại.
Quả vậy hiện thị trường cổ phiếu, trái phiếu Kho bạc đang bị bán tháo khiến lợi suất trái phiếu Kho bạc tăng mạnh. Trong bối cảnh đó đang có nhiều đồn đoán về việc Fed sẽ can thiệp vào thị trường hoặc thậm chí là cắt giảm lãi suất khẩn cấp để khôi phục lại niềm tin đang bị xói mòn. Thậm chí Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã lên tiếng kêu gọi Fed giảm lãi suất.
Tuy nhiên lãi suất vẫn được giữ nguyên cho đến nay cũng phần nào cho thấy tình thế khó khăn mà Fed phải đối mặt.
Là người đã lãnh đạo Chương trình cứu trợ tài sản gặp khó khăn với tư cách là một quan chức của Bộ Tài chính Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari cho rằng, việc Fed hay Bộ Tài chính can thiệp để hỗ trợ thị trường tài chính chỉ nên được thực hiện khi thực sự cần thiết.
“Tôi nghĩ chúng ta nên rất thận trọng khi thực hiện các động thái có thể chứng minh sự suy yếu, mà tôi không nghĩ là có, đối với cam kết của Fed trong việc giảm lạm phát", Kashkari nói với CNBC.
“Nếu có sự gián đoạn - tôi không dự báo điều này, nhưng nếu có sự gián đoạn - chúng tôi có khả năng làm dịu sự gián đoạn đó”, Kashkari cho biết. “Nhưng tôi vẫn chưa thấy sự gián đoạn lớn. Tôi đang thấy một số căng thẳng, nhưng thị trường dường như đang điều chỉnh”.
Cũng cho rằng “thị trường vẫn tiếp tục hoạt động tốt”, Chủ tịch Fed Boston Susan Collins nói với tờ Financial Times, Fed “có các công cụ để giải quyết những lo ngại về hoạt động của thị trường hoặc thanh khoản nếu chúng phát sinh”. Collins lưu ý rằng Fed đã nhanh chóng sử dụng các công cụ đó trong những trường hợp trước đây. “Chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng làm điều đó khi cần thiết”, bà nói thêm.
Tin liên quan
Tin khác

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Đồng euro vọt lên đỉnh 3 năm so với USD, giới đầu tư đánh giá lại triển vọng tài sản Mỹ

Thuế quan khiến tâm lý người tiêu dùng Mỹ suy giảm và đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao
