Kon Tum và mùa hoa xứ sở
Ở Tây Nguyên vẫn còn những tầng văn hóa ẩn tàng trong đời sống mà không phải du khách nào lần đầu thậm chí là lần sau đến đây cũng dễ dàng nhận ra để khám phá, trong đó phải kể đến miền đất Kon Tum. Nhưng có những thứ có thể “nhận mặt” được, đó là sự hào phóng của mây, gió núi bạt ngàn, những cung đường đèo dốc cũng như sự khoe sắc của muôn loài hoa dại.
![]() |
Bên hoa dã quỳ |
Hoa dại ở Kon Tum đầy sức sống, khỏe khoắn, đó là hoa lau trắng, dã quỳ vàng. Đó là xuyến chi đan màu nhớ, là cỏ đuôi chồn có màu tím thủy chung. Loài hoa nào cũng khỏe khoắn, đầy tràn sức sống. Thi thoảng trong bạt ngàn màu xanh của đất đai xuất hiện những vạt đồi thấp trải tấm thảm cỏ hồng giống như ở miệt Đà Lạt. Khung cảnh gợi sự bình yên, lãng mạn hiếm có. Phải chăng hoa cỏ đã uống nguồn nước và tinh sương của miền cao nguyên, rồi kiệt cùng hiến dâng cho đời sự sống của mình?
Nhiều bạn trẻ đã từng gấp gáp sống nhanh ở những đô thị đầy tốc độ, cảm giác không thể dừng lại, thì đã “chậm lại” ở Kon Tum. Chậm lại để thấy hoa đang nở, khoe với con người những nỗi niềm của sắc hương, gió núi. Chậm lại nên có thể hiểu được cảm giác đồi núi đang chầm chậm chuyển một chút gió đông nơi cực tây của Tổ quốc. Ở đâu con người cũng cần cơm ăn, nước uống, áo mặc. Ở đâu con người cũng cần phải học hành, chinh phục những điểm cao, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhưng con người, chắc gì đã hiểu và học hết triết lý của thiên nhiên, vài loài hoa dại, hay sự cần mẫn của mùa nắng mùa mưa đất cao nguyên.
Chúng ta cũng đâu biết vòng tuần hoàn, sự sinh trưởng của hoa cỏ và chắc gì đã tường tận văn hóa của một dân tộc bản địa. Chúng ta chỉ có thể biết nhiều hay ít, nhưng không thể biết hết. Vậy nên con người lúc nào cũng ở tư thế nhập vào hành trình tìm hiểu, khám phá. Còn trong nội tại, cọng cỏ, cánh hoa đang biết mình đã sống, hiện diện và hiến dâng. Người dân ở Kon Tum, dù là gọi tên các loài hoa dại, nhưng chúng đã gắn bó mật thiết với họ và cộng sinh suốt hàng nghìn năm. Hoa cỏ là đặc ân thiên nhiên ban tặng, sống bên nhau như lẽ tự nhiên, dân dã, chân chất. Người dân có thể nhìn hoa để đoán mùa. Mùa nào hoa ấy, như nhìn thấy hoa dã quỳ nở rộ là biết trời đã lập Đông và nhìn thấy cây cà phê bắt đầu bung hoa trắng là mùa xuân đã kề cận.
Hoa trái ở xứ mình thì mùa nào thức nấy. Hoa đã và đang trang điểm cho cuộc sống thị thành, nông thôn và cả miền núi. Nhưng dã quỳ, xuyến chi, cỏ hồng, đuôi chồn… là những thứ hoa cỏ đặc trưng ở Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng vào mùa thu và mùa đông. Một thứ hoa đặc trưng khác nở trong mùa đông chính là hoa cà phê với hai đợt nở chính, kéo dài từ tháng hai đến cuối tháng tư dương lịch. Mà lạ lắm. Hoa cứ nở đầy trên đồi. Hoa nở đầy trên lối đi, khoe sắc rực rỡ, trang điểm cho những cung đường của các chàng trai cô gái thích khám phá. Hoa cứ điểm xuyết cho những hành trình trải nghiệm và nhấn nhá của các nam thanh nữ tú.
Tôi có nhóm bạn ở Hà Nội, năm nào cũng phải tổ chức một chuyến đi Tây Nguyên. Như thể ở đó có men say quyến rũ. Như thể những cung đường ở đó đã thành những điểm nhớ. Và, các loài hoa dại ở đó đủ sức níu chân người. Nhưng có điều không thể thiếu, nét văn hóa Kon Tum cũng như núi rừng Tây Nguyên quá hồn hậu, đặc sắc. Như ánh mắt em gái Ê Đê, Giẻ Triêng đầy sức sống mà sâu thẳm, quyến rũ mà rất đỗi thân thương khiến mỗi ai từng đến chẳng thể nào cưỡng lại.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
