Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Bay bổng trong “Vô cực”
Những ai theo dõi con đường hội họa của họa sĩ Bùi Mai Hiên hẳn sẽ bất ngờ khi đứng trước bộ tác phẩm mới của bà. Ở đó, gần như đã không còn nhận ra một Bùi Mai Hiên với những bức tranh sơn mài truyền thống đã định hình tên tuổi bà trong mỹ thuật Việt Nam từ thập niên 1990. Ở đó, cũng không còn nhận ra những bảng lảng khói sương trên những ruộng bậc thang vùng Tây Bắc đã được bà thể hiện trong khá nhiều tác phẩm vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên toan trong khoảng 20 năm đầu thế kỷ 21. Trong những tác phẩm mới ở “Vô cực”, người ta nhận thấy một nguồn năng lượng mới trong con người họa sĩ. Đây là cuộc triển lãm được xem là một bước ngoặt khác trong cuộc đời sáng tạo của Bùi Mai Hiên. Vẫn theo đuổi loại hình nghệ thuật trừu tượng, nhưng những tác phẩm lần này của bà đã đem đến một câu chuyện khác, trên một chất liệu khác đầy hứng khởi. Có người đã ví von rằng, với những tác phẩm trong triển lãm lần này, Bùi Mai Hiên đã vẽ ra những bài thơ đẫm cảm xúc về thiên nhiên và con người.
![]() |
“Lúa chín trên cao nguyên” - một tác phẩm sẽ trưng bày trong triển lãm “Vô cực” |
Họa sĩ Bùi Mai Hiên từng là cán bộ của Vụ Mỹ thuật (nay là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Năm 2003 bà xin về hưu sớm để chuyên tâm sáng tác. Khoảng năm 2014, khi đang quen thuộc với chất liệu sơn mài truyền thống và gặt hái được một số thành công nhất định, được đánh giá là nữ họa sĩ có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nghệ thuật sơn mài hiện đại Việt Nam, nhưng vì lý do sức khỏe, bà đành phải bỏ lại tất cả phía sau, để tìm mình trong một chất liệu mới. Và người ta thấy, Mai Hiên chọn chất liệu sơn dầu và acrylic.
Trong những bức tranh trên chất liệu này, họa sĩ Bùi Mai Hiên thoát hoàn toàn khỏi trừu tượng, nghiêng hẳn về hiện thực với phong cảnh núi đồi, đặc biệt là mảnh đất Sa Pa (Lào Cai) đã quyến rũ bà, khiến bà dừng lại, thả hồn vào những ruộng bậc thang mùa lúa chín; hay sự hùng vĩ của những thung lũng tuyệt đẹp. Đứng trước những bức tranh phong cảnh mà họa sĩ Mai Hiên thường vẽ khổ rất lớn, người ta có thể cảm nhận sự mênh mông, hùng vĩ của thiên nhiên. Thế nhưng Bùi Mai Hiên là một nữ họa sĩ tinh tế và nhạy cảm. Bà cũng nhận ra điều ấy, một cách rất sớm và rất thành thực. Vì thế, bà vẫn vẽ đấy mà tự cảm thấy chưa thật sự hài lòng về những “cái vẽ” của mình. Thế nhưng, trong hành trình làm mới mình không phải ai, không phải lúc nào cũng thành công. Tìm cho mình một hướng mới, sau khi đã định hình được với những tác phẩm sơn mài truyền thống, được nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước săn lùng, thế nhưng khi chuyển qua vẽ sơn dầu, cuộc “tìm mình” của Bùi Mai Hiên không mấy nhẹ nhàng. Nói cách khác, hành trình tạo ra những giá trị khác biệt, ít nhất với cá nhân mình, luôn là một thách thức mà nếu không dũng cảm, sẽ khó vượt qua. Có những bức tranh thật sự thấy phía sau bảng lảng khói sương của phong cảnh Tây Bắc, là cuộc vật lộn tìm kiếm cách thể hiện của nữ họa sĩ.
Nhưng trong hành trình ấy, cái quý giá là dường như lúc nào họa sĩ Bùi Mai Hiên cũng nuôi giữ trong mình một ngọn lửa để sáng tạo. Họa sĩ Bùi Mai Hiên kể, lần này bà cảm thấy có một nguồn năng lượng mới thôi thúc vẽ, đồng thời cũng tìm được cách riêng với chất liệu acrylic. Trước đây nhiều họa sĩ vẫn cho rằng chất liệu acrylic có những hạn chế nhất định. Nhưng qua những bức tranh mới của mình, Bùi Mai Hiên muốn khẳng định, acrylic không có giới hạn. Nó vẫn cho họa sĩ thỏa sức “bung trổ” những ý tưởng nghệ thuật của mình.
Những bức tranh “Thác ghềnh xôn xao”, “Sự di tản của rong rêu”, “Đêm xanh”, “Ban mai tím”, “Cơn lũ đi qua”, “Theo dòng phù sa”, “Nhà sứa đi trẩy hội”, “Mưa thu”… cho thấy Bùi Mai Hiên đã cho mình rong chơi với sắc màu.
Dù ở cái tuổi không còn sung sức nữa, nhưng khi bị cuốn vào đợt sáng tạo này, bà không dứt ra được. Bùi Mai Hiên tìm được mạch xúc cảm để hoàn thành khoảng 70 bức tranh hoàn toàn mới mẻ và quan trọng, bà cảm thấy hài lòng, cảm thấy hạnh phúc. Những bức tranh mang phong cách trừu tượng, siêu thực trên chất liệu acrylic lần này, chủ đề chính mà nữ họa sĩ lựa chọn, vẫn là thiên nhiên, mây trời, sông suối, thậm chí rong rêu, sứa biển… Chỉ có điều, nó không tả thực mà để cho người xem những suy tưởng, liên tưởng. Họa sĩ nói rằng, bà yêu thiên nhiên, có thể dành cả ngày chỉ để ngắm mây bồng bềnh trôi, mặt nước dềnh lên hạ xuống hay sự chuyển màu rất nhẹ của núi... “Những chuyến lên rừng xuống biển rất quan trọng. Nó cho tôi rất nhiều cảm xúc và quan trọng, cho tôi nhận ra vẻ đẹp của mây trời. Tôi đi đâu cũng thích ngắm mây. Đi Sa Pa dành nguyên cả buổi để ngắm mây trôi. Nhưng thích nhất là ngắm mây ở Phú Quốc (Kiên Giang). Có lẽ mây Phú Quốc là mây đẹp nhất trần gian. Vì mây ở đây có thêm nước, vẻ đẹp biến ảo vô cùng”, họa sĩ Bùi Mai Hiên tâm sự.
Sự biến ảo của mây trời, sông nước cứ thế ngấm vào tâm hồn họa sĩ và hiển lộ của những tác phẩm “siêu thực” lần này.
Và họa sĩ Bùi Mai Hiên quyết định chọn cái tựa đề “Vô cực” để làm tên chung cho sự xuất hiện của khoảng 40 tác phẩm mà bà cảm thấy ưng ý nhất. Đây cũng là triển lãm cá nhân lần thứ hai của nữ họa sĩ 66 tuổi này, sau triển lãm cá nhân lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1992. Họa sĩ bày tỏ: “Vô cực” là tự do, là không giới hạn. Với Bùi Mai Hiên - nghệ thuật là một nơi chốn bình an, nơi mà bạn thỏa sức sáng tạo, thỏa đam mê phản ánh vẻ đẹp của vạn vật mà tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta.
“Tôi muốn triển lãm này để mọi người thấy: Đây là thế giới của tôi”, họa sĩ Bùi Mai Hiên kỳ vọng. Sự tự tin ấy của nữ họa sĩ có được từ điểm tựa nhiều chục năm vẽ thiên nhiên và tìm được cách riêng với chất liệu quen thuộc: acrylic.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
