Haiku - khơi mạch tình yêu thiên nhiên
Đã thành thông lệ, cứ 2 năm một lần, cuộc thi làm thơ trên tranh vẽ dành cho trẻ em dưới 15 tuổi với tên gọi “cuộc thi sáng thơ Haiku cho trẻ em thế giới” được Japan Airlines - Chi nhánh Việt Nam, Quỹ JAL tổ chức với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng Bộ ngoại giao Nhật Bản; Cục văn hóa Nhật Bản, Tổ chức UNICEF Nhật Bản, Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam thuộc Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản; Hiệp hội Thơ Haiku quốc tế; Pentel, Gakken.
![]() |
Thơ Haiku có phải minh họa phù hợp với chủ đề “SINH VẬT SỐNG” |
Lễ Tổng kết và trao giải mới đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (1973-2018). Cùng với mối quan hệ hợp tác chiến lược sâu và rộng giữa hai nước đã phát huy hiệu quả trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, giáo dục, khoa học – công nghệ, an ninh… thì giao lưu văn hóa diễn ra sôi nổi cũng là một nhân tố quan trọng nhất giúp hai quốc gia trở thành những người bạn chí cốt, tin cậy của nhau.
Cuộc thi thơ Haiku diễn ra trong nhiều năm cũng như hoa anh đào, trà đạo, kimono hay ikebana, ẩm thực Nhật Bản đã, đang cuốn hút mạnh mẽ tình cảm và sự quan tâm của người Việt Nam, không phân biệt lứa tuổi, nghề nghiệp…
“Cuộc thi được tổ chức không chỉ mang lại cho trẻ em niềm vui sáng tác thơ Haiku, qua đó, nuôi dưỡng khả năng cảm thụ phong phú mà nó còn làm sâu sắc thêm hiểu biết, bồi đắp tình thân ái và tình cảm gắn bó của học sinh Việt Nam với văn hóa Nhật Bản - cái nôi sản sinh ra thể thơ ngắn nhất thế giới này”, ngài Kunio Umeda - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ.
Năm nay là lần thứ 15: Cuộc thi làm thơ Haiku cho trẻ em thế giới 2017-2018 với chủ đề “SINH VẬT SỐNG” và là lần thứ 3 cuộc thi này được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam. Ban tổ chức đã nhận được 1.118 tác phẩm dự thi của học sinh trung học cơ sở và tiểu học trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác có học sinh học tiếng Nhật.
Từ 1.118 tác phẩm, ban tổ chức lựa chọn được 38 tác phẩm ưu tú vào vòng chung khảo và trao giải cho 8 tác phẩm xuất sắc nhất. Theo đánh giá của ban giám khảo, năm nay, số lượng và chất lượng các tác phẩm dự thi tăng mạnh so với năm trước.
“Đặc biệt, 8 tác phẩm đoạt giải có bài thơ Haiku (là thể thơ với cấu trúc 5-7-5 chữ thành 3 dòng theo tiếng Nhật, nhưng với các ngôn ngữ khác thơ Haiku có thể được chấp nhận nếu thể hiện thành thơ viết thành 3 dòng) và hình ảnh phù hợp với chủ đề “SINH VẬT SỐNG”. Phần tranh minh họa cho lời thơ hài hòa, phù hợp với nội dung; nhiều bài thơ sáng tác đầy tính sáng tạo và đậm chất Haiku theo chủ đề thiên nhiên gồm: hoa lá; sinh vật nhỏ như cá, chim, chuồn chuồn, bươm bướm… đến cả to, dữ dằn như hổ, cá voi… ông Vũ Văn Truyền, thành viên ban giám khảo nhận xét.
Đoàn hồng hạc di cư
Lội mây, lội cả vào VŨ TRỤ
Hồ nước trong in bóng
Thông qua những bài thơ ngắn (chỉ 3 dòng), các thí sinh biết cách mở rộng vấn đề, gửi gắm nhiều thông điệp, đề cập đến những vấn đề lớn lao của đời sống thường nhật như: bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo vệ động vật hoang dã...
Với cách tiếp cận nhẹ nhàng mà sâu lắng, đầy thú vị, bất ngờ nhưng rất hồn nhiên, mộc mạc đến sâu lắng, bao quát của thiếu niên thế hệ mới, tất cả được các bé khéo léo gói ghém trong Haiku để thể thơ này “vượt qua” thơ Đường (thể thơ của Trung Quốc), trở thành thể thơ quốc tế, được yêu thích, giảng dạy và sáng tác trên khắp thế giới bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Đó còn là bởi “tính hiện đại” của Haiku xét trên phương diện tiếp nhận văn bản, khuyến khích sự “đồng sáng tạo” của độc giả; là “tính tiện dụng” của Haiku, vì phù hợp với cuộc sống hiện đại: khẩn trương, sôi động mỗi ngày, không cho phép chúng ta đọc những văn bản quá dài.
Như đã đề cập ở trên, Haiku là thể thơ ngắn nhất thế giới hiện nay (chỉ 17 âm tiết tính theo tiếng Nhật). Vì sự cực hạn về mặt ngôn ngữ này mà Haiku có cách truyền đạt riêng. Đó là việc vận dụng hình ảnh mang tính biểu tượng; những hình ảnh có tính tượng trưng cao. Do đó, để thâm nhập vào thế giới Haiku, phải là người giàu trí tưởng tượng. Đây vừa là điểm độc đáo, tạo ra sự hấp dẫn, thú vị riêng của thơ Haiku; đồng thời cũng là điều khiến Haiku khó đến với nhiều người – nhất là những người ít có thói quen tưởng tượng.
Tại Nhật, thơ Haiku (俳句) là thơ dành cho thiên nhiên, bốn mùa. Nếu muốn nói về tình yêu, người Nhật có thể thơ tanka hay còn gọi là waka (和歌); còn để trào phúng, họ làm thơ senryu (川柳). Điều này cho thấy tính chuyên môn hóa cao của nền thi ca Nhật Bản.
Nên dù Haiku ra khỏi biên giới Nhật, xâm nhập vào các nền văn hóa trên thế giới, “hòa nhập” với văn hóa bản địa thì vẫn giữ được tinh thần coi trọng thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm đối tượng sáng tác và là đề tài chủ đạo của thơ. Một nhà nghiên cứu từng ví Haiku như một cô gái mang vẻ đẹp giản dị, nhỏ nhắn, không trang sức cầu kỳ nhưng có sức quyến rũ kỳ diệu chỉ bằng chính vẻ hồn nhiên, thuần khiết của tâm hồn.
Khi cuộc sống ngày càng “văn minh”, hiện đại với công nghệ số chi phối mọi mặt như hiện nay, con người và thiên nhiên dường như ngày càng trở nên xa cách. Con người dần dần tách khỏi “bà mẹ vĩ đại” của mình một cách vô thức (hay hữu thức) để trở thành những kẻ thờ ơ với thiên nhiên, thậm chí còn quay lại hủy hoại môi trường thiên nhiên, chỉ để mưu cầu vật chất cho riêng mình. Ngay lập tức, sai lầm đó con người đang phải trả giá!
Nên chăng, hãy để:
Cá vui vẻ tung tăng
Trong làn nước xanh này, vì vậy
Hãy cùng bảo vệ biển
Hay:
Sân trường rộn tiếng ve
Rân ran giữa tầng cây phượng vĩ
Ve hát bài chia tay
Tổ chức cuộc thi này, người Nhật như muốn truyền đi thông điệp rằng, hãy trở về với thiên nhiên! Từ việc tìm hiểu và sáng tác những bài thơ nhỏ bé như hạt cát, bông hoa, như giọt sương, chiếc lá, con sâu, cái kiến… các cô bé, cậu bé sẽ trở nên gần gũi, yêu mến thiên nhiên, môi trường xung quanh mình hơn, từ đó có ý thức hơn về sự tồn tại của thiên nhiên. Do đó, thơ Haiku chẳng những có tính giáo dục tình cảm, thẩm mỹ cao mà còn khuyến khích khả năng tưởng tượng ở học sinh, sinh viên nữa.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
