Người có duyên với những bài thơ phổ nhạc
Sài Gòn tôi yêu
“Sài Gòn tôi yêu, nơi ta đang sống/Có lúc yếu đau, chấp chới giữa tinh cầu/Sài Gòn trung kiên - đứng lên ngày mới/Để mai này nhắc mãi chuyện hôm nay”. Đó là những câu kết trong bài thơ “Sài Gòn đau” mới được phổ nhạc cách đây không lâu của nhà báo Lê Văn Hỷ.
Tác giả bài thơ chia sẻ: “Sài Gòn đau” tôi viết từ những cảm nhận về thời điểm đặc biệt của thành phố Hồ Chí Minh đang cùng cả nước chống dịch Covid-19, hay nói đúng hơn cả nước đang hướng về Sài Gòn, dồn mọi nguồn lực, sẻ chia tình cảm cho Sài Gòn đang là “điểm nóng” cần kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh trong cuộc chiến chống virus Sars – CoV 2 lần này. Rất nhanh, chỉ vài giờ sau khi bài thơ được đăng trên facebook cá nhân, bài thơ nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của nhiều người trên mọi miền đất nước.
Và thật bất ngờ, từ Bình Định, nhạc sĩ Vũ Trung - Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam đã gửi tặng ca khúc cùng tên “Sài Gòn đau” cho tác giả của bài thơ với dòng chia sẻ: Sau khi đọc “Sài Gòn đau” với một tâm trạng khó tả, nhạc sĩ đã phổ nhạc bài thơ trong hai giờ đồng hồ, thay cho sự đồng cảm, cùng đồng hành và vững tin với thành phố Hồ Chí Minh - Sài Gòn cùng chiến thắng trong trận chiến với dịch bệnh Covid-19 này.
![]() |
Lê Văn Hỷ qua nét vẽ của họa sĩ Văn Thao |
Có thể nói rất nhiều người bạn tôi gặp trong những chuyến “Nam du” Sài Gòn, tất thảy đều có gốc gác quê hương từ các vùng đất khác nhau của mọi miền đất nước. Họ chọn Sài Gòn hay có thể Sài Gòn đã chọn họ làm nơi lập nghiệp và mưu sinh trên mảnh đất đầy hào phóng và giàu nhân nghĩa này. Và không biết từ bao giờ, Sài Gòn đã thẩm thấu vào họ như một phần máu thịt. Và họ đã gọi tên mảnh đất này với giọng tiếng thân thương “Sài Gòn tôi yêu”.
Lê Văn Hỷ chia sẻ: “Hơn ba thập kỷ trước, anh là gã trai quê đã mang thời hai mươi tuổi của mình “khởi nghiệp” trong một không gian dễ thương thời ấy - Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Hành trang anh mang theo là dăm cuốn sách cũ đựng trong rương gỗ và sự rộn ràng với những giấc mơ xanh”. Và Sài Gòn đã níu chân chàng trai quê này ở lại lập nghiệp và trưởng thành.
Sài Gòn là vậy. Để ơn cho người ở, để nhớ cho người từng đặt chân đến mảnh đất này. Khi dồn cảm xúc cho bài thơ “Sài Gòn đau” Lê Văn Hỷ chỉ đơn giản như bao nhiêu người cầm bút. “Viết cho Sài Gòn tôi yêu trong những ngày đặc biệt” nhưng sao từng câu thơ cứ nghe nghèn nghẹn từ trái tim mình.
Trong những ngày này, khi cả nước đang hướng về Sài Gòn với bao tâm trạng, đọc những câu thơ của Hỷ lại càng thổn thức “Sài Gòn tôi đang trong cơn ốm nặng/Khi triệu triệu người giờ bỗng chẳng thấy đâu/Phố thì vắng, cơn mê chiều giật thắt/Ngày nối theo ngày… chạnh nhớ chốn phồn hoa.
Duyên làm thơ được phổ nhạc
Tôi quen và chơi với Lê Văn Hỷ cũng gần chục năm nay. Từ khi anh đã là Tổng biên tập của Tạp chí Logistics. Tính tình của Hỷ khá cởi mở, gần gũi và chân tình. Mỗi lần Hỷ ra Đà Nẵng anh em thường bù khú với nhau thâu đêm và mỗi lần tôi có dịp vào Sài Gòn, Hỷ lúc nào cũng nhiệt tình “tiếp khách miền Trung” không thấy chán. Những lúc như vậy Hỷ thường ngẫu hứng đọc thơ và sẵn sàng cầm guitare “cháy” hết mình. Những ký ức, kỷ niệm đẹp của tôi về Sài Gòn ngày càng dày hơn, nhờ “những người bạn Sài Gòn” lúc nào cũng luôn “hết mình” như vậy.
Và Hỷ không chỉ hết mình với bạn bè, với” Sài Gòn tôi yêu”, mà anh còn nặng tình với quê hương của mình. Hỷ chia sẻ khi bài thơ “Trở về” của anh được nhạc sĩ Khánh Trang phổ nhạc. “Năm 1973, mẹ tôi mất. Buồn, cha đưa anh chị em tôi vào Nam. Từ đó trong trí nhớ con trẻ về miền Trung Quảng Ngãi ở tuổi lên 6, lên 7 trong tôi có phần nhợt nhạt, ngả dần và cuốn về phương Nam vùng địa dư với 4 mùa nắng ấm. Trong hành trình lớn khôn của mình, tôi mường tượng ra Bình Sơn về những rẫy đồi của nội, ruộng đồng quê ngoại, cùng những chuyến xa khơi của cha thời tuổi trẻ . Và ca khúc “Trở về” ra đời thay cho lời tự tình và lòng biết ơn quê hương trong điệu hò ba lý nghĩa tình và thủy chung. Bài thơ “Trở về” được anh ví như “sự ghép tìm những mảnh vỡ ký ức”.
Những bài thơ rất mộc mạc và chân thật như “Sài Gòn đau” của Hỷ có lẽ đã tìm được sự đồng cảm của nhiều người, nên thơ anh rất bén duyên với các nhạc sĩ. Đến nay cũng đã ngót nghét chục bài thơ anh làm đã được các nhạc sĩ phổ nhạc. Bài thơ “Em về bên ấy bao giờ” của Hỷ, được nhạc sĩ Khánh Trang phổ thành ca khúc “Tự tình” là một dẫn chứng. “Có những thao thức nỗi lòng/Ngày xa sao chẳng một dòng tâm thư/Người đi gieo những thực hư/Thuyền tôi neo lại tương tư ngút trùng”. Tương tự ở bài thơ “Paris ở lại” đã được nhạc sĩ Nguyễn Quốc Học phổ thành ca khúc cùng tên, khi cả hai có cùng tâm trạng. “Mai ta về dễ đâu trở lại/Giấu tình riêng ta ngại nỗi chia ly”.
Lần gần nhất gặp Lê Văn Hỷ, anh tâm sự. Anh đang cùng với mấy anh em Hội đồng hương Quảng Ngãi tại thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Cuộc thi sáng tác ca khúc về quê hương Quảng Ngãi. Anh chia sẻ. Nếu “âm nhạc khiến tinh thần của con người bộc phát ra những đốm lửa” (Beethoven), thì chúng tôi mong mỏi, hy vọng qua cuộc thi sáng tác ca khúc về quê hương Quảng Ngãi, thông qua âm nhạc cảm xúc được thăng hoa, trở thành âm thanh huyền diệu chuyên chở tình nồng của những người con nghĩ về đất Mẹ của mình.
Vâng có lẽ vậy, những ngày này khi cả nước hướng về Sài Gòn, thông qua âm nhạc, cảm xúc sẽ thăng hoa “Sài Gòn đau! Sài Gòn không bỏ cuộc/Đã quyết kiên trì… cho trận thắng dài lâu”.(Sài Gòn đau).
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
