Giữ rừng với nghi lễ tâm linh “cúng rừng”
Nạn phá rừng đã và đang là vấn nạn nhức nhối ở nhiều vùng miền nước ta. Các cơ quan chức năng nhiều năm đau đầu tìm “thuốc” chữa bài toán này nhưng xem ra hiệu quả chẳng đạt được bao nhiêu. Dẫu vậy, ở nhiều vùng dân tộc thiểu số, bằng những lề luật nghiêm ngặt, đậm chất văn hóa để bảo vệ “mẹ rừng, cha núi”. Hằng năm, họ vẫn tổ chức lễ cúng rừng, nói lên lời thề giữ rừng như giữ gìn cuộc sống ấm no của mình. Những điều đó khiến chúng ta phải học tập.
![]() |
Cần trừng trị thích đáng kẻ phá rừng |
Thật sự, rừng vẫn đang chảy máu ở khắp nơi. Và vụ chặt phá 60,9 ha rừng ở Bình Định gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua chỉ là giọt nước tràn ly. Tại khu vực xảy ra chặt phá, có cả một guồng máy, chốt chặn và chỉ có một con đường độc đạo, vậy mà không ai biết lâm tặc vận chuyển gỗ ra bằng cách nào. Nghịch lý ấy khiến Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng thốt lên, đó là việc không thể chấp nhận được. Phải chăng lâm tặc từ trên trời rơi xuống?
Cuối tháng 9/2017, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức họp rút kinh nghiệm, nêu giải pháp xử lý, đồng thời đưa ra con số rừng bị “bốc hơi” là 60,9 ha, thay vì công bố trước đó là 43,7ha. Tại cuộc họp, các đơn vị liên quan đã nêu lên những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều diện tích rừng “bốc hơi”.
Ông Đinh Văn Chê - Chủ tịch UBND xã An Hưng than: Rừng chưa được giao cho dân và trách nhiệm thuộc cấp xã. Với khả năng của cấp xã, chỉ có một cán bộ lâm nghiệp thì bảo vệ cả khu vực rộng với hàng trăm ha là vô cùng khó khăn.
Còn ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão cho hay: “Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị phải liên tục kiểm tra, thành lập tổ kiểm tra và ở cơ sở báo cáo về là tình hình khả quan, không có vấn đề gì. Tôi còn tin nếu làm tốt như thế, thì vào tháng 9 sẽ được lãnh đạo tỉnh khen. Ai ngờ… Đúng là việc thực hiện chưa tốt. Chúng tôi đã cố gắng, nhưng sự việc đáng tiếc vẫn xảy ra. Tôi có trách nhiệm và xin nghiêm túc nhận khuyết điểm”.
Soi chiếu vào văn hóa bảo vệ rừng ở các vùng dân tộc thiểu số, tại sao người ta lại bảo vệ được những khu rừng già? Đó là vì họ ban hành luật lệ nghiêm ngặt. Còn những nơi rừng chảy máu thì sao? Cũng có ban bệ nọ kia, có những người hưởng lương nhà nước để giữ rừng, vậy mà không hoàn thành nhiệm vụ.
Tôi xin kể ra đây, những người Hà Nhì ở Y Tý (Bát Xát - Lào Cai) yêu rừng và bảo vệ rừng thế nào. Xin thưa họ có lời thề bảo vệ rừng rất nghiêm ngặt. Y Tý có 12 thôn, bản với 704 hộ dân, chủ yếu là người Hà Nhì. Rừng đã trở thành chốn thiêng, và lời thề giữ rừng đã lưu truyền qua nhiều thế hệ, đến nay trở thành hương ước văn hóa lâu bền.
Vì vậy, qua nhiều năm, những cánh rừng già Y Tý vẫn ngát xanh. Hệ sinh thái rất đa dạng phong phú, có nhiều loại gỗ quý và động vật hiếm. Bình thường, người Hà Nhì ở Y Tý chỉ khai phá vừa đủ diện tích canh tác, còn lại là dành đất cho rừng. Ai có việc cần gỗ, phải xin thôn, bản và cũng chỉ được chặt vừa đủ, chủ yếu là tỉa cành khô, cây bệnh, cớm nắng, cây leo... Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng để cúng tạ lỗi với thần rừng.
Những khu “rừng cấm”, “rừng ma” của các bản làng người Pa Dí ở Mường Khương (Lào Cai) cùng đã tồn tại và xanh tốt từ hàng trăm năm qua và được “bảo hộ” bởi những lời thề giữ rừng. Hằng năm cứ sau Tết Nguyên đán, dân trong thôn lại góp tiền, sắm lễ cúng các vị thần tại khu “rừng ma”. Gỗ làm nhà của các gia đình phải được thông qua cuộc họp của đại diện các gia đình; chặt cây nào phải được “nghị quyết” thôn thông qua. Ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Và, từ trước đến nay hầu như không có người vi phạm.
Ở đâu đó giữa đại ngàn Tây Nguyên hay các cánh rừng ở Điện Biên, Lai Châu… vẫn có những bản, làng của người dân tộc thiểu số quyết tâm giữ rừng. Những lời thề giữ rừng ấy đã phát huy hiệu quả từ hàng trăm năm qua. Phải khẳng định, những luật tục giữ rừng đang song hành cùng với hệ thống pháp luật, điều chỉnh các mối quan hệ trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát huy bản sắc và những giá trị tốt đẹp của người dân rẻo cao.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dù có những vùng cư dân giữ rừng, nhưng con số đó so với những khu rừng bị tàn phá là quá bé nhỏ. Thế nên, việc tuyên truyền giữ rừng, công tác chống nạn khai thác gỗ trái phép, tàn phá rừng vẫn luôn được thực hiện một cách ráo riết. Những kẻ xâm phạm đến tài nguyên của quốc gia cần phải bị trừng trị thích đáng, bởi một cánh rừng bị tàn phá chẳng khác gì một lá phổi khổng lồ bị hư hỏng.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
