Doanh nghiệp “sống mòn” vì không đủ khả năng trả tiền thuê đất
Rất nhiều doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn TP.HCM đã có văn bản trả lại đất nhưng không được xem xét. Họ được giao đất nhưng chỉ sử dụng chứ không được cho thuê lại vì không có chức năng kinh doanh bất động sản. Trong khi nếu tính đủ, trả đủ tiền thuê đất thì hàng năm chi phí này sẽ rất lớn, vượt ngoài khả năng chi trả.
"Nhiều doanh nghiệp xin trả lại đất, song để được chấp thuận lại vô cùng khó khăn, còn cứ ôm số đất đó mà không thể khai thác, sinh ra lợi nhuận được, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh đình đốn thì chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng “sống mòn”, khó có thể tồn tại", bà Trương Thị Hương Giang, kiểm soát viên tại Tổng Công ty Công nghiệp in - Bao bì Liksin - TNHH một thành viên (Tổng Công ty Liksin) cho biết tại Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM.
Thực tế, không ít quy định hiện hành về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia hạn quyền sử dụng đất, ký hợp đồng và tính tiền sử dụng đất… gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đơn cử như tại Tổng công ty Liksin, trước đây, phần đất được giao sử dụng vào mục đích làm cơ sở sản xuất kinh doanh nhưng sau đó, theo chủ trương di dời nhà máy, cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư nên Tổng công ty bắt buộc phải chuyển đi và theo quy hoạch, khu đất trở thành đất thương mại dịch vụ.
"Doanh nghiệp xin điều chỉnh mục đích sử dụng để phục vụ tốt hơn cho hoạt động kinh doanh nhưng cũng không được chấp thuận, gây rất nhiều khó khăn, thiệt hại”, bà Giang nêu ví dụ thực tế về những vướng mắc mà doanh nghiệp mình gặp phải khi sử dụng tài sản đất công được Nhà nước giao.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Tương tự, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH Một thành viên (Satra) cũng đặt vấn đề, Luật Đất đai năm 2013 không quy định việc các tổ chức sử dụng đất phải được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công trước mới thực hiện ký hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu hồ sơ ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải có văn bản của UBND thành phố phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP. Quy định này là một trong những nguyên nhân làm chậm việc giải quyết ký hợp đồng thuê đất, gây khó khăn trong sử dụng nhà, đất cho doanh nghiệp.
Đối với những vấn đề tương tự, ngành tài nguyên và môi trường đưa ra giải đáp, theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, các tổ chức trong nước đang sử dụng đất mà chưa được cấp giấy chứng nhận phải tự rà soát, kê khai hiện trạng sử dụng đất và báo cáo UBND cấp tỉnh nơi có đất, diện tích đất của tổ chức đang sử dụng đúng mục đích thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hình thức sử dụng đất theo quy định của pháp luật và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Những trường hợp doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, nay là Nghị định số 167/2017/NĐ-CP thì việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công bảo đảm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, đúng tiêu chuẩn, định mức do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, đúng mục đích sử dụng được nhà nước giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, cho thuê, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và những quy định pháp luật có liên quan.
Trả lời cụ thể cho vấn đề sử dụng đất công mà đại diện một số doanh nghiệp nêu ra, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, doanh nghiệp nhà nước ngoài thực hiện theo quy định của Luật Đất đai còn phải thực hiện theo các quy định về Quản lý tài sản công nên việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các khu đất đơn vị đang quản lý sử dụng phải căn cứ trên kết quả sắp xếp lại, xử lý tài sản công, trong đó đơn vị được “giữ lại tiếp tục sử dụng”. Vì vậy, Sở không thể giải quyết đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không căn cứ vào kết quả sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Trường hợp đơn vị chưa được sắp xếp lại, xử lý tài sản công vì có thể trong phương án phê duyệt sắp xếp lại, xử lý tài sản công thì mặt bằng nhà đất đó đơn vị bị thu hồi hoặc đã điều chuyển cho đơn vị khác quản lý sử dụng... Vì vậy, nếu giải quyết cho đơn vị thuê đất mà không căn cứ, dựa trên kết quả sắp xếp thì có khả năng dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện.
“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có kết quả rà soát, phê duyệt sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định. Liên quan nội dung trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 7801 ngày 22/11/2021 và Công văn số 1765 ngày 11/3/2022 báo cáo, kiến nghị UBND TP.HCM. Mới đây nhất, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo thực hiện tại Công văn 3565 ngày 17/5/2022 giao Thường trực Ban Chỉ đạo 167 - Sở Tài chính nghiên cứu, báo cáo. Sau khi UBND thành phố chỉ đạo thì Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ có hướng dẫn đối với trường hợp cụ thể của từng tổng công ty để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”, ông Thắng cho biết.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
