Di Li đi và viết
Trong khoảng thời gian từ tháng 7 tới tháng 10/2015, Di Li lại khiến giới trong nghề và bạn đọc phải “ngả mũ” vì liên tiếp ra mắt hai cuốn sách “Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt” (tạp văn) và “Nụ hôn thành Rome” (du ký).
![]() |
Nhà văn Di Li và cuốn “Cocktail” được dịch sang tiếng Hà Lan |
Có thể thấy, Di Li là nữ nhà văn không chịu ngồi một chỗ và Di Li cũng rất đa năng. Chẳng thế mà trong thời gian qua chị đã “phượt” tới hầu hết các quốc gia châu Âu và châu Á. Nữ nhà văn này không chọn cho mình một lối mòn.
Chị đã, đang và sẽ còn dịch chuyển cả, tức là Di Li đi khắp nơi bằng đôi chân của cơ thể, đồng thời khi cầm bút sáng tác, chị không dừng ở một thể loại mà “đá” các kiểu từ du ký, kinh dị đến tản văn. Điều đặc biệt, dù đi đến đâu và ở thể loại văn học nào, Di Li đều làm rất tốt công việc của mình.
Trước đây, Di Li đi qua một số nước châu Âu và châu Á, sau đó chị có nhiều bài viết để hợp thành cuốn sách du ký “Đảo thiên đường”. Trong cuốn sách này, Di Li dẫn người đọc đi qua những miền văn hóa thông qua ngòi bút của mình. Ở “Đảo thiên đường”, bạn đọc bắt gặp “cánh đồng chết” ở Campuchia đang hồi sinh dù đôi khi có phần lặng lẽ.
Rồi những câu chuyện ở sân bay quốc tế Luang Prabang tại Lào khiến bạn đọc phải bật cười vì công tác kiểm tra an ninh. Hoặc đâu đó trong “Đảo thiên đường”, Di Li kể về câu chuyện tiếp thị đầy mê hoặc ở Trung Quốc, để ai đến với quốc gia này cũng cần phải tinh tế tránh “sập bẫy”. Do đó, “Đảo thiên đường” được xem là cẩm nang du lịch thu nhỏ rất sinh động nhưng phong phú, đa dạng.
Nhà văn Di Li chia sẻ “Tôi luôn yêu những chuyến đi vì đó là nguồn cảm xúc vô tận luôn chảy ào trong huyết quản”. Điều này được chứng minh vì Di Li đã đặt chân đến nhiều vùng đất trên thế giới, sau đó bằng tâm hồn nhạy cảm và tinh tế, Di Li đã kể về những chuyến đi đó cho bạn đọc biết thông qua các sáng tác văn học.
Mới đây nhất, Di Li ra mắt cuốn “Nụ hôn thành Rome” – một thể loại du ký tựa như “Đảo thiên đường” trước đó của chị. “Nụ hôn thành Rome” là chuỗi câu chuyện mà người viết kể về những vùng đất ven bờ Địa Trung Hải như Santorini, Athens, Istanbul, Rome… cho đến Đông Âu như Budapest, Warsawa và cả thành phố New Dehli, Agra, Jaipur, Kolkata ở Ấn Độ.
Ở đó, bạn đọc bắt gặp những trải nghiệm của Di Li khi chị miêu tả nỗi sợ hãi của những người đồng hành ở Kolkata, những lo lắng khi chọn nhầm khách sạn ở khu dân cư Omonia có nhiều xã hội đen, những phút lặng mình vì vẻ đẹp kiến trúc lộng lẫy và lãng mạn tại thành Rome với hàng ngàn nụ hôn người bản xứ trao nhau trên phố, quảng trường.
Đi nhiều, viết nhiều – Di Li đã chứng minh cho bạn đọc bằng những cuốn sách ở trên. Sự dịch chuyển thể loại để tự làm mới mình cũng là điều Di Li hướng tới lâu nay. Sau thể loại kinh dị, du ký được đón nhận; Di Li “đổi gió” sang tản văn. Năm 2011 Di Li có tập “Cocktail thị thành”, hai năm sau là “Adam & Eva” và vừa qua với “Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt”.
Tập tạp văn vừa ra mắt độc giả tháng 7/2015 đã nhận được sự đánh giá cao của giới trong nghề, bạn đọc cũng hồ hởi đón nhận. “Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt” quy tụ hơn 20 câu chuyện hài hước, ghi lại những siêu tưởng của phụ nữ về đàn ông và của đàn ông về phụ nữ.
Điều đặc biệt, Di Li không viết về những câu chuyện yêu đương lãng mạn, không mắng đàn ông và cũng chẳng khóc thương phụ nữ, “Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt” đưa ra cái nhìn công bằng về cả hai giới, là sự lật ngược hoàn toàn vấn đề đối với những quan niệm thường thấy trước nay của số đông như: quan niệm đàn ông là sung sướng, sinh con trai mới quý hay phụ nữ sinh ra để chịu hy sinh…
Đọc “Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét “Di Li sắc như một con dao bọc lụa”. Riêng về những chuyến đi và sau đó về viết thành sách như Di Li, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên – Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho rằng “Những người đi du lịch như Di Li hiện nay rất hiếm vì chị đi “du lịch văn hóa” chứ không phải đi cho biết, cho vui giống số đông hiện nay”.
Khi bài báo này đến tay độc giả, có lẽ Di Li đã ở một nước xa xôi nào đó vì cách đây ít ngày gặp nữ nhà văn này, chị cười hiền cho biết: “Lại phải đi ít ngày”. Di Li vẫn đi như thế và mỗi ngày chị vẫn viết vài ngàn chữ vào mỗi buổi sáng không kể ngày thường, lễ tết.
Thế nên nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bình luận “Nói đến “chân đi” ở Việt Nam, ít bậc chữ nghĩa nào bỏ được tên Di Li ra khỏi danh sách độ 10 gương mặt tiêu biểu”. Còn đồng nghiệp và bạn đọc thì đánh giá Di Li là cây viết nữ sung sức của văn đàn nước ta hiện nay!
Nhà văn Di Li sinh năm 1978 tại Hà Nội, hiện là giảng viên PR, giảng viên tiếng Anh tại các trường đại học; dịch giả, nhà báo... Tính đến nay Di Li đã xuất bản hàng chục cuốn sách (bao gồm sách sáng tác và dịch), sách của chị cũng được dịch sang tiếng nước ngoài. Tác phẩm của Di Li như: “Trại Hoa Đỏ” (tiểu thuyết); “Cocktail”, “Ma học trò” (truyện ngắn) đã đoạt giải tại một số cuộc thi sáng tác văn học trong nước. |
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
