Chợ quê vào tết
Từ đầu tháng Chạp, người quê đã gọi “chợ tết”. Bởi chợ lúc này đã xôn xao hơn thường lệ. Nếu ai hỏi Tết về đầu tiên ở đâu, tôi sẽ trả lời ở chợ. Thời điểm này, sôi động nhất là quầy bán quần áo, giày dép, mũ nón. Vui ơi là vui! Trẻ con được mẹ dẫn đi sắm tết. Hết lựa vải đến so giày, thử mũ. Không phải lúc nào cũng được mẹ mua cho món đồ mình thích, đương nhiên rồi, trẻ nhà nghèo có mới đã mừng, mong gì đến chuyện đẹp xấu. Có mới đã vui, đứa nào cũng tranh thủ khoe đồ tết của mình nên ra rả, tưng bừng cả chợ.
Dần về nửa tháng Chạp trở đi, chợ nhộn nhịp hơn nữa. Mấy mẹ mấy chị đều tranh thủ ra chợ. Gần như, nhà có thức gì mang ra chợ thức đó. Gánh hàng của mẹ thì ôi thôi, mỗi ngày bán một thứ. Hôm khoai từ, bữa khoai mài, có hôm đậu ve, dưa leo… Những hoa lợi vườn nhà, không phân không thuốc, mẹ lựa những trái sâu cắn, ong chích eo óp bỏ một bên, lựa những trái, những củ đầy đặn, mây mẩy đem bán. Riêng hai nhà hàng xóm, mẹ gửi mỗi nhà một ít, gọi là ăn tết cho vui.
Thực sự đúng nghĩa “chợ tết” là từ ngày hai tám đến ba mươi tháng Chạp. Khỏi phải nói luôn. Mấy ngày này chợ đông đảo và thường trực từ sáng đến thâm chiều. Họp trong chợ không đủ chỗ, họp lấn ra lề đường, bãi cỏ. Nào thịt thà rau bí, bánh cốm hoa quả. Và đặc biệt hoa tươi. Cũng chỉ vàng thọ, lay ơn, năm nào xênh xang chợ có thêm gian hàng cúc đại đóa. Không rực rỡ muôn hồng nghìn tía nhưng chừng đó cũng đủ làm rực rỡ cái chợ quê thường ngày hiu hắt.
Trong ký ức tôi, phiên chợ cuối cùng của năm cũ là đặc biệt nhất. Ba mươi Tết. Từ khuya, khi màn đêm còn đen đặc đã nghe tiếng bước chân thình thịch và tiếng cười nói lao xao ngoài đường. Người đi bán hàng thật sớm, bưng theo cây đèn dầu, cầm pin. Người đi chợ cũng tranh thủ đi sớm, nên chợ họp lúc còn chưa rõ mặt người. Nhớ hồi đó, ba mươi Tết sẽ xin được theo mẹ ra chợ. Chẳng để làm gì. Chỉ vì tôi thích cái cảm giác bồi hồi nao nao khi được nhìn vẻ náo nức, rộn ràng của ngày giáp tết. Thích nhất là hàng hoa. Hoa được bày ra đường, người mua xem xét, trả treo và vui vẻ khi hai bên đã thuận mua vừa bán. Người quen không hà, ai bán mắc đâu mà sợ! Đó là câu tôi được nghe nhiều nhất trong phiên chợ hôm ấy. Chợ Xổm xưa nay buôn bán thởi lởi thì đến phiên chợ tết càng thởi lởi nhân đôi. Chợ tết không ai kì kèo, trả treo, gặp người quen thì vừa cho vừa bán, câu cửa miệng là “về ăn tết cho vui”.
Tôi - đã ba mươi năm xa quê. Nhưng chưa bao giờ quên những phiên chợ tết thời còn theo mẹ đi nhìn hoa, rộn ràng vui nhộn và thấm đậm nghĩa tình.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
