Ăn Tết ở quê
Đám trẻ chừng như có chút tiếc nuối vì mất ít ngày vui với bạn, chứ trẻ con, trung niên, người già thì lấy đó làm dịp trọng đại của cả năm. Chỉ để đi qua từng góc ngõ thấy cây si già thêm một chút, hay chỗ đầu xóm trước là ruộng trũng thì giờ đã được nhà nào đó đắp bồi lên trồng vài luống rau xanh mướt. Chỉ để thăm hỏi họ hàng từ làng trên đến xóm dưới, từ người quen thân đến sơ… Dịp trọng đại và ý nghĩa là thế, nên chuẩn bị cho các Tết ở quê cũng tuần tự từng đấy việc, từng đấy năm, “đến hẹn lại lên”.
![]() |
Chuẩn bị nồi bánh chưng Tết là công việc quan trọng bậc nhất của nhiều gia đình |
Quãng chừng trước Tết ông Công ông Táo, anh cả trong nhà thể nào cũng đi lùng mua bằng được một cây đào và một cây quất, bày biện hai bên cửa nhà ở quê. Cây phải cao cho vừa với không gian rộng của khoảng sân lát gạch đỏ đã lên sắc bóng. Thấy anh cả nói năm nay giá vẫn như mọi năm, chừng 1,5-2 triệu đồng là đủ hai chậu đào đỏ và quất vàng.
Gia đình anh thứ, như thường lệ, lo về cỗ bàn. Cơm quê không có lệ dùng đồ ăn nhanh như chân gà tây hun khói Hàn Quốc hay nem cuốn sẵn bán trong quầy đông lạnh siêu thị, mà cứ nhẩn nha những món chuẩn bị sẵn kiểu truyền thống như bánh chưng xanh, giò thủ gói lá dong, bát măng chân giò và sườn thăn ninh ngấu, với những món phải làm trước bữa như nem rán giòn, gà luộc, lòng gà nấu miến hay bóng thả nấm hương…
Nhà chú ba thì lo về đồ uống, trang trí bàn thờ. Từ trước hôm 23 tháng Chạp, gia đình đã dọn sạch bàn thờ, lau các món đồ đồng sáng bóng và biện lễ ngũ quả lên thắp nén nhang mời các cụ về ăn Tết với con cháu. Mâm ngũ quả thì tùy năm mà biện lễ, nhưng thế nào cũng phải có quả bưởi hái từ cây cạnh bờ ao, đã được chấm từ vài tháng trước, rồi nải chuối lối hàng rào. Những thứ khác như quất vàng, ớt đỏ, táo xanh, hồng xiêm nâu, trứng gà vàng… thì tùy chọn, tiện đầu chợ có thứ nào thì mua thứ đó.
Ăn Tết ở quê, dù rậm rạp từ trước 23 tháng Chạp, nhưng thực tế là phải từ ngày cuối cùng của năm cũ, khi bắc nồi bánh chưng ra giữa sân nhà, đun cho nước sôi lăn lăn, rồi ghé thêm nồi nước đun lá mùi già cho cả nhà cùng tắm, vùi bắp ngô, củ khoai củ sắn cho đám trẻ trông coi đỡ “nhàn mồm”.
Các bà các chị thì tranh thủ xào chảo thịt thủ lợn với tai, mũi giòn, quyện nấm hương, mộc nhĩ, tiêu hạt cho thơm, chuẩn bị sẵn lá dong gói thành cây tròn treo lên trái nhà. Khung cảnh tất bật, tiếng nói cười lúc đó mới ra dáng Tết về, Xuân đến.
Tất bật chuẩn bị như thế, tất cả chỉ để chờ đêm giao thừa. Khi nồi bánh chưng đã chín, người cao tuổi nhất nhà vớt những chiếc bánh chưng đầu nồi ra rồi đặt lên bàn thờ, thắp nén hương trầm để cùng mời tổ tiên về ăn Tết. Lũ trẻ thì thế nào cũng được gói riêng cho vài chiếc bánh nhỏ từ trước, lúc này được chia phần, bóc ra ăn. Không gì sánh bằng ăn bánh chưng đầu nồi, vị lá dong thơm quyện vào gạo nếp, đỗ, thịt, vừa ngọt vừa bùi, vừa béo ngậy…
Sáng mùng Một, cả nhà sắp sửa quần áo mới, màu đỏ cho lũ trẻ lấy hên, rồi ăn cùng nhau bữa cơm sáng, từng món đã sắp đầy trên bàn. Người lớn thì thêm ly rượu cho thắm môi, đỏ má. Trẻ nhỏ thì túc tắc hóng chuyện chờ được mừng tuổi, những bao lì xì đỏ, vàng chia tới cùng lời chúc hay ăn chóng lớn, học giỏi, ngoan hiền…
Quãng 10 giờ, đồ cũng lại được bày biện lên mâm để cả nhà cùng ra đình lễ Thành Hoàng. Đã là cái lệ, cả làng tôi đều làm thế. Mỗi chi, họ biện chung một lễ, cùng nhau cầu cho gia đình hòa thuận, con cháu thành đạt, toàn gia an khang thịnh vượng. Trong làng, ngoài xã đều lễ ở đình, vậy là gặp nhau chúc Tết, rồi hẹn giờ qua thăm, náo nức như hội.
Ăn Tết ở quê, thời gian quay quanh những chén rượu chúc mừng, bữa cơm đầy tiếng cười, những lời hỏi thăm, động viên, chia sẻ. Tết còn là thời gian nhìn lại một đời người, các cụ già nói về người đã mất. Lớp trung niên kể chuyện thay đổi ở làng, ở họ. Bọn trẻ thì có dịp gặp lại nhau, từ bạn ở quê cho đến anh chị em họ mạc, nhiều khi một năm chỉ được gặp một lần.
Ăn Tết ở quê như thế một nhịp cầu nối quá khứ và hiện tại, tới tương lai. Thói quen ăn Tết ở quê, vì thế, khó mà mai một, cho dù quãng đường về có xa và thành phố thì đủ đầy vật chất...
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
