Yếu tố truyền thống trong phim Việt lên ngôi
Vừa qua, bộ phim Song Lang của đạo diễn Leon Lê và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân trở thành 1 trong 8 phim được yêu thích nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo lần thứ 31 năm 2018 tại Nhật Bản.
![]() |
Song Lang là 1 trong 8 phim được yêu thích nhất tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo lần thứ 31 |
Điều đáng nói, Song Lang là bộ phim khai thác yếu tố truyền thống văn hóa Việt, đó là nghệ thuật cải lương. Phim kể về đời sống cải lương những năm của thập niên 1980, Dũng “Thiên Lôi” là con kép nữ chính và nghệ sĩ đàn kìm (đàn nguyệt), say mê cải lương từ bé nhưng vì bố mẹ mâu thuẫn, ly hôn nên anh không theo nghiệp mà trở thành dân xã hội đen chuyên đi đòi nợ thuê.
Tình cờ anh gặp Linh Phụng, một nghệ sĩ cải lương đang tỏa sáng ở gánh hát Thiên Lý, giấc mơ theo tổ nghiệp của Dũng sống lại. Anh quyết định bỏ hết mọi thứ, mang đàn đến gánh hát nhưng rồi bị một con nợ đâm chết ngay trước rạp hát.
Khán giả xem Song Lang không khỏi đong đầy cảm xúc với những hình ảnh Sài Gòn của thập niên 80 của thế kỷ trước, cùng với đó là phần âm nhạc da diết và mùi mẫn. Đặc biệt, Song Lang là một trong số không nhiều phim Việt đã khắc phục được nhiều điểm yếu cố hữu của điện ảnh Việt bao năm qua: cốt truyện thiếu chiều sâu, phục trang xấu, ít thước phim đẹp giàu chất thơ.
Bộ phim kết thúc để lại cho người xem nhiều thông điệp: đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, dù có thế nào hãy sống lương thiện và nhân văn; hãy theo đuổi đam mê và hết mình cho đam mê… Chính vì điều này, Song Lang phim không bị sa vào tính giải trí thông thường với dàn diễn viên đẹp khoe cơ bắp, cốt truyện kịch tính pha mùi mẫn.
Năm 2018, bộ phim chiếu rạp Tháng năm rực rỡ (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) cũng hút khán giả và có doanh thu vượt kỳ vọng. Dù là tác phẩm làm lại từ bản gốc của Hàn Quốc, tuy nhiên Tháng năm rực rỡ đã được Việt hóa một cách khéo léo để thuần Việt.
Bối cảnh quá khứ trong phim được ưu tiên khai thác sâu hơn trong phiên bản Việt. Phim đưa khán giả chìm đắm trong bối cảnh Đà Lạt những năm 1974 -1975 rực rỡ và thơ mộng, từ những căn nhà, hàng quán nhiều màu sắc, cho đến những bộ trang phục trẻ trung, phá cách và đậm chất retro.
Ở đó, thời thanh xuân tươi đẹp của nhóm Ngựa Hoang hiện lên vô cùng trẻ trung, ấn tượng. Cùng với đó, âm nhạc trong phim có khi sôi động, đa sắc màu của thập niên 70 thế kỷ 20 với các ca khúc như Kim, Vết thù trên lưng Ngựa hoang, Ngày xưa hoàng thị, Tôi muốn, Niệm khúc cuối qua cách phối khí mới nhưng vẫn giữ được năng lượng đã chạm vào xúc cảm người xem.
Cách đây không lâu, 50 tập phim truyền hình Mỹ nhân Sài Thành của đạo diễn Lê Cung Bắc cũng được nhiều người đánh giá cao. Bởi mỗi tập phim, thông qua số phận của ba người đẹp Thanh Trà, Bạch Trà và Hồng Trà, cùng những mối quan hệ xung quanh các cô, Mỹ nhân Sài Thành đã phản chiếu cuộc sống của Sài Gòn những năm 50 của thế kỷ trước những hình ảnh xưa cũ đến nếp sống, sinh hoạt của người dân lúc bấy giờ. Nhưng trên hết, Mỹ nhân Sài Thành đã lóe sáng những con người biết sống vì lý tưởng cao đẹp, vì quê hương đất nước.
Ngoài ra cũng cần nhắc đến phim Cô Ba Sài Gòn (đạo diễn Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn) với doanh thu hơn 60 tỉ sau đợt công chiếu. Đưa tà áo dài truyền thống của phụ nữ lên màn ảnh rộng, bằng một câu chuyện thú vị, trong đó có cả sự nổi loạn, nước mắt và niềm vui, phim Cô Ba Sài Gòn truyền đến khán giả thông điệp cần gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc là chiếc áo dài từ quá khứ đến hiện tại.
Bộ phim còn truyền tải nhiều kiến thức thời trang cùng những gì tinh hoa nhất của chiếc áo dài như: cách làm ra một bộ áo dài đẹp ra sao, vai trò quan trọng của nó trong đời sống tinh thần người Việt, quá trình lưu giữ áo dài giữa làn sóng thời trang Âu hóa... Chính yếu tố truyền thống đã đưa Cô Ba Sài Gòn đến với giải thưởng danh giá Cánh diều vàng 2018 (phim điện ảnh) và gần đây, bộ phim này được Cục Điện ảnh chọn gửi dự sơ loại giải Oscar 2019 tại Mỹ hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”.
Hoặc phim Mẹ chồng (đạo diễn Lý Minh Thắng), tái hiện câu chuyện về những trận chiến đầy kịch tính của những người phụ nữ trong gia đình ở mảnh đất miền Tây Nam Bộ những năm 50 thế kỷ XX đã khiến người xem phải thổn thức.
Theo đạo diễn Mai Thế Hiệp, một bộ phim khai thác về văn hóa truyền thống sẽ thuyết phục và lôi cuốn nếu giúp khán giả tưởng nhớ, hoài niệm về những giá trị xưa cũ, ngoài yếu tố giải trí. Nếu “áp” vào tiêu chí này thì những bộ phim kể trên đã đáp ứng được, thổi một luồng gió mát lành cho nền điện ảnh Việt đương đại.
Những bộ phim trên cũng đi đúng chiến lược phát triển điện ảnh Việt từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030: đưa điện ảnh Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc và tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
