Vũ điệu những cây cọ
Tâm huyết trong sáng tạo, nhạc sĩ, NSƯT Trần Ngọc luôn hướng tác phẩm của mình đến những tổ ấm. Bởi theo ông đó là nơi bình yên nhất của mỗi con người. Mới đây, ông mở triển lãm tranh lần đầu tiên có tên “Vũ điệu những cây cọ” cũng không nằm ngoài cảm hứng về tình cảm thiêng liêng với gia đình, thiên nhiên.
![]() |
Nhạc sĩ Trần Ngọc bên những bức tranh mới vẽ |
Trách nhiệm và dấn thân
Hơn 70 tuổi mới lần đầu tổ chức triển lãm tranh vào ngày 10/3/2018, nhiều người sẽ thắc mắc tại sao nhạc sĩ Trần Ngọc lại làm muộn vậy? Nguyên do cũng bởi ông là người có năng khiếu, năm 15 tuổi, Trần Ngọc thi đỗ cả ba trường họa, nhạc, múa. Nhưng ông chọn trường âm nhạc, bây giờ là Học viện Âm nhạc quốc gia.
Đơn giản một điều, ông ước mơ sau này mình sẽ trở thành một nghệ sĩ sáng tác và chỉ huy âm nhạc. Vậy là ông đã gác lại đam mê hội họa để đi theo âm nhạc, bởi “sức con người có hạn, không thể cùng lúc làm quá nhiều việc”, như ông từng chia sẻ.
Tâm sự và tìm hiểu về những chặng đường của ông, càng thấy trân quý vì ông luôn chân thành, làm việc trách nhiệm và dấn thân, yêu mê đắm và đầy bản lĩnh… Chính ông tự đặt lên vai mình trách nhiệm phải sống ý nghĩa từng ngày. Hơn 70 tuổi, ông vẫn ham đi, ham viết và ham học. Suốt cuộc đời ông, sự học luôn song hành với quá trình công tác.
Trần Ngọc sinh năm 1942 tại Hà Nội. Trong thời gian đi học, Trần Ngọc lại xung phong đi miền núi công tác để có thời gian tiếp nhận các điệu múa của bà con dân tộc Cao Lan, Tày, Nùng… Là trai Hà Nội, lại là con gia đình tư sản, nhiều người nghĩ Trần Ngọc sẽ không chịu nổi gian khổ ở vùng Việt Bắc. Nhưng không, thời gian đó ông sinh hoạt ở Đoàn văn công Việt Bắc, ông tham gia vào tất cả các khâu như viết kịch, sáng tác nhạc, chơi đàn, biên đạo múa, trang trí sân khấu…
Đến đâu, ông cũng hòa đồng cùng bà con, cùng học, cùng làm nương và múa hát. Dành dụm được “vốn liếng” là những kinh nghiệm cho bản thân, Trần Ngọc quay trở lại học tiếp ngành Sáng tác - Chỉ huy tại Nhạc viện. Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Đoàn chèo Hà Nội.
Tại đây, ông tham gia trực tiếp với vai trò nghệ sĩ đàn Cello, sáng tác nhạc nền và chỉ huy dàn nhạc chèo. Ngoài ra, ông còn dạy các học trò, sau này nhiều người đã trở thành những nghệ sĩ chèo tên tuổi của nhà hát. Nhạc sĩ Khánh Vũ, là người bạn tâm huyết với nhạc sĩ, họa sĩ Trần Ngọc, tâm sự: “Giới nhạc sĩ nể ông, bởi ở mảng âm nhạc, hội họa hay đạo diễn, ông đều “làm ra trò”. Bằng chứng là ông đã được nhiều giải thưởng lớn về nghệ thuật, được phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú.
Nói đến ông là người ta nhắc đến ca khúc viết cho thiếu nhi “Em như chim câu trắng” - ca khúc trong top 50 ca khúc hay nhất cho thiếu nhi thế kỷ 20”. Tự hào, Trần Ngọc nói: “Đây là ca khúc đầu tay của tôi, được sáng tác năm 1973. Khi đó, chiến tranh chống Mỹ còn ác liệt với rất nhiều hy sinh, mất mát. Trước đó, nhiều cuộc chiến tranh trên thế giới cũng khiến bao gia đình ngập trong nỗi đau, chia lìa. Sự khao khát hòa bình hiện diện trên toàn thế giới đã thôi thúc tôi sáng tác”.
Con người hướng đến những điều tốt đẹp
49 tác phẩm hội họa trong triển lãm đầu tiên của Trần Ngọc, tư tưởng xuyên suốt là giáo dục con người hướng tới những giá trị tốt đẹp, dẹp bỏ cái xấu, tôn vinh những tổ ấm và sự thủy chung. Người xem dễ nhận ra âm nhạc chảy trong tranh của tôi thông qua màu sắc, bố cục và hình tượng. Mỗi bức tranh đều có tiết tấu, tĩnh đấy nhưng mà lại động.
Vì thủ pháp hội họa trang trí, biểu hiện, kết hợp với thư pháp nên tranh khoáng đạt, thỏa sức diễn đạt ý tưởng. Người xem sẽ nhận ra ở đó sự hài hòa, đậm tính nhân văn, triết mỹ, chân lý sống. Đồng thời sống có luân lý, đạo đức, mở lòng ra với cõi đời, cõi người.
Ví dụ, bức “Sức mạnh tơ liễu” ý nói trong cuộc sống có người ở vào địa vị cao, nhưng chỉ một chút xiêu lòng trước vẻ đẹp tính nữ, mà sa ngã, quên mất những điều quan trọng hơn thì dễ rơi vào tình trạng đổ đốn. Tình trạng “Anh hùng không qua được cửa ải mỹ nhân” đã trở thành bài học từ hàng trăm năm qua. Hay bức “Tình ca mặt trăng, mặt trời” gợi người xem nghĩ đến chuyện mặt trăng và mặt trời xa cách nhau. Cái này lặn đi thì cái kia mới xuất hiện.
Nhưng Trần Ngọc không nghĩ theo sự thông thường. Ông bảo, đó là cái đẹp của anh và của em được sẻ chia một cách nhuần nhị. Anh nhường cho em tỏa sáng thì em cũng nhường lại. Em cho anh cái đẹp của em, thì ngược lại, anh cũng cho em cái đẹp của anh. Vì thế chúng ta cùng hạnh phúc.
Hay trong bức “Tranh thư pháp”, ông vẽ những dòng thơ: “Em tạo nên chữ hạnh, anh kết thành chữ phúc, con dệt nên chữ lộc”. Ông vẽ ba cánh chim. Cánh chim tượng trưng cho người cha sải rộng, cánh chim người mẹ ấp ủ người con, tạo thành niềm hạnh phúc ấm cúng của một gia đình. Khi người vợ có chữ hạnh, người chồng có chữ phúc, con dệt chữ lộc thì gia đình sẽ không bao giờ tan vỡ.
Ở mảng hội họa, tuy là người đi sau nhưng Trần Ngọc có phong cách riêng, không bắt chước ai. Tranh của ông là dòng ý tưởng. Nhưng ý tưởng dựa trên cái nền hiện thực, thông qua tư duy của một người đã trải qua nhiều cung bậc của cuộc sống. Tranh của ông ca ngợi cái đẹp và phê phán cái xấu. Ngoài ra ông cũng vẽ tranh trên cái nền của thư pháp. Khi đó tôi kết hợp cả múa, âm nhạc vào trong hội họa để đạt được hiệu quả sâu hơn. Nói văn hoa một chút thì âm nhạc và nghệ thuật múa đã hiện diện trên toan, nhảy nhót trong tranh của ông.
Nói thêm về âm nhạc, sau ca khúc “Em như chim câu trắng”, Trần Ngọc có nhiều bài hát nổi tiếng khác là “Tình em xứ Quảng”, “Xót xa”, “Người mẹ sông Hồng”, “Con là hoa của mẹ”… Ở tác phẩm âm nhạc hay hội họa nào, Trần Ngọc cũng hướng nhiều đến giá trị chân-thiện-mỹ, hướng đến cuộc sống bình yên, gia đình bình yên. Nhìn hiệu quả công việc cũng như những gì đã trải qua, tôi không rõ ông đã lấy đâu ra sức lực để làm được nhiều việc đến thế?
Ắt hẳn ông đã làm bằng 200% sức lực. Vậy thì ông đã nhận lại được gì cho những tháng năm cống hiến? Vâng, ông nghèo và sống vô tư, nhưng bù lại, ông giàu quan hệ cộng đồng, giàu tình nghĩa. Ông nhận về sự mến mộ của những người bình dị nhất, những trẻ em chịu nhiều thiệt thòi. Ở nơi họ, ông thấy mình tìm được niềm vui.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
