Viết những điều giản dị
Mai quan niệm, hãy viết từ chính bản thân mình vì mỗi cá thể luôn chứa đựng vô vàn bí ẩn. Phóng viên có cuộc trao đổi với nữ nhà thơ về công việc sáng tạo, nhân dịp chị được kết nạp vào Hội Nhà văn Hà Nội và ra mắt tập thơ mới.
![]() |
Nhà thơ Lữ Thị Mai |
Chúc mừng Lữ Thị Mai với tập thơ mới “Mở mắt rồi mơ”, và thêm một sự kiện vui, chị vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Hà Nội. Với chị, khi trở thành hội viên, trách nhiệm của người sáng tác với tình yêu đất nước như thế nào?
Vào Hội Nhà văn Hà Nội với tôi là niềm vui rồi nhưng ở tâm thế một người viết, việc vào hội nào đó hay không thì khả năng, trách nhiệm sáng tác vẫn vậy. Tôi vẫn sẽ chọn cho mình một lối đi, viết những gì mình tâm huyết. Hẳn có người sẽ hỏi tôi rằng, nếu như thế còn vào hội làm gì nữa.
Nhưng xin thưa, mỗi người viết có quyền chọn cho mình những nguyện vọng, niềm vui và trải nghiệm riêng. Tôi tin khi chúng ta lựa chọn điều gì đó với sự nghiêm túc, trân trọng thì sẽ nhận được ý nghĩa, giá trị riêng cho mình và ở góc độ nào đó, đây là điều cần thiết với người sáng tác.
Chị sáng tác thơ, truyện và tản văn. Vậy đâu là thế mạnh của chị? Nhiều nhà văn ngày nay có thể sáng tác cùng lúc nhiều thể loại, liệu chị có dự định viết tiểu thuyết?
Bản thân tôi, cảm xúc, cách diễn đạt có vẻ gần với thơ hơn nhưng đôi khi, có những chi tiết, câu chuyện mà tôi ý thức rõ văn xuôi mới phù hợp. Là người sáng tác, tôi cho rằng muốn viết gì thì viết nhưng trước hết phải hiểu một cách cơ bản về thể loại và sẽ thuận lợi hơn nếu phát huy được lợi thế của mình. Thú thực, khi cùng lúc viết vài thể loại, tôi có nhiều lần thất bại nên cho đến bây giờ, những tác phẩm còn dang dở của tôi cũng kha khá! Còn viết tiểu thuyết ư? Có người từng hỏi tôi điều này nhưng tôi chưa từng nghĩ đến. Thôi mình cứ viết tất cả những gì đang trăn trở thay vì nghĩ rằng với giọng của mình thì phải “đánh chiếm” thể loại này, thể loại kia.
Chị được đánh giá là cây bút giàu nữ tính. Ngay cả tập thơ vừa mới xuất bản cũng vậy. Có người nói, giọng của chị có thể viết cả loại tiểu thuyết ngôn tình, hoặc tiểu thuyết tình cảm. Chị nghĩ sao?
Tiểu thuyết ngôn tình mà để viết cho hay, cho khác biệt là cũng khó lắm, không dễ dàng như nhiều người đang lầm tưởng nên quả thật tôi chưa dám nghĩ tới. Tôi hay nói vui, mỗi người đàn bà bản thân họ đã là một cuốn tiểu thuyết ngôn tình rồi.
Thực ra, trong những năm gần đây, sự “biến tướng” của thể loại sách này khiến độc giả ác cảm, kỳ thị nó nhiều hơn chứ tôi tin rất nhiều người trong số chúng ta, kiểu gì chẳng có thời mê sách ngôn tình! Nếu gặp ý tưởng, câu chuyện phù hợp và bản thân lại suy nghĩ một cách nghiêm túc biết đâu một lúc nào đó tôi sẽ viết.
Chị thấy bạn trẻ làm thơ ở thế hệ mình như thế nào? Là người sáng tác, có ba tập sách của riêng mình, chị có sốt ruột trước một số cây bút in thơ và trở thành hiện tượng thơ bán chạy hiện nay?
Thế hệ tôi mỗi người một vẻ! Cụ thể hơn là chúng tôi có những cá tính, ngôn ngữ và lối đi riêng trong mảnh đất hiện thực chung của đời sống. Trong số những người viết cùng thời, tôi quý mến một số người không phải vì thành tựu gì đáng kể mà vì sự lăn xả của họ vào đời sống, họ biết trân trọng, nghiêm khắc với lao động chữ nghĩa và cái nghiệp của mình.
Về phần tôi, tôi chưa bao giờ sốt ruột cả. Sự sốt ruột với văn chương chứa đựng nhiều vấn đề đáng bàn, đáng nghĩ lắm. Sốt ruột vì mình chưa viết nổi tác phẩm nào cho ra hồn thì được chứ sốt ruột vì người ta bán sách ầm ầm thì theo tôi lại không ổn. Sách bán chạy thuộc về câu chuyện khác.
Ngoài chất lượng, bây giờ điều đó còn phụ thuộc vào cách truyền thông, kết nối thậm chí là chiêu trò... Tôi biết những người bán thơ chạy trên mạng xã hội, cũng mừng cho họ ở khía cạnh nào đó nhưng nhiều người trong số này gần như chẳng có gì ngoài cái mác có thơ bán chạy.
Vậy để tự đánh giá một “tạng” trong sáng tác, thì chị thuộc “tạng” nào?
Là phụ nữ nên cái tạng của tôi là “âm tính”. Dù viết văn xuôi hay thơ, tôi cũng thích lối diễn đạt tinh tế, sâu lắng và nhân văn. Ngôn ngữ, cảm xúc của người phụ nữ sẽ mang một vẻ đẹp khác đấng nam nhi khi cầm bút.
Đó là sự tỉ mỉ, nhạy cảm như bản năng vốn có. Cũng vì thế mà độc giả khó có thể trông chờ sự vạm vỡ, hùng tráng trong tác phẩm của các cây bút nữ. Tôi quan niệm, hãy viết từ chính bản thân mình vì mỗi cá thể luôn chứa đựng vô vàn bí ẩn.
Có người nói rằng, phụ nữ làm thơ thì cách sống phải khá chua ngoa, hoặc ít nhất sắc sảo thì thơ mới có dấu ấn. Theo chị, phụ nữ làm thơ có nhất thiết phải thật cá tính ở ngoài đời?
Tôi không biết những người khác quan niệm thế nào nhưng các nhà thơ nữ trong nước và trên thế giới tôi mến mộ qua tác phẩm thì ngoài đời đều là người phụ nữ “dữ dội và dịu êm/ ồn ào và lặng lẽ”.
Các thái cực đối lập trong cùng một con người rõ ràng khác với sự chua ngoa bề nổi. Tôi không tin người phụ nữ chua ngoa đúng nghĩa lại làm thơ hay được bởi những gì còn lại với thời gian thuộc về vẻ đẹp, sự nhân văn đích thực.
Với một người viết, cá tính đầu tiên cần thể hiện ở tác phẩm còn ngoài đời sống lại phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác nữa. Nhưng có một điều tôi nhận thấy rằng, phụ nữ mà đắm đuối với văn chương thường đa đoan lắm. Lúc nào họ cũng như đang chênh vênh ở mép vực đời sống và rất dễ mà sa chân sẩy bước.
Vừa qua, dư luận xôn xao về các vụ đạo thơ. Nhiều người cho rằng, ranh giới giữa “đạo” và không khá mong manh. Nhiều người đã đọc, nhớ, rồi lâu lâu nghĩ lại, cứ tưởng do mình… nghĩ ra, và chép câu đó vào, coi như thơ của mình. Chị có sợ rằng mình sẽ “đạo” ai đó?
Đúng là ranh giới anh đang nhắc đến khá mong manh. Nhưng dư luận xung quanh sự việc này thì lại chẳng mong manh chút nào. Đó là những đòn roi, chỉ trích thực sự và đủ sức làm ai đó tổn thương, gục ngã sau mỗi nghi vấn “đạo”. Nhưng làm sao để chúng ta đi đến tận cùng sự lý giải cho một sự thật?
Dù cố ý hay vô tình để cho ra đời một tác phẩm bị dính vào nghi vấn này cũng là trải nghiệm mà không người viết nào muốn trải qua. Tôi chưa bao giờ sợ mình sẽ “đạo” tác phẩm của ai đó hoặc ngược lại. Vì sao? Vì trong câu chuyện này, tôi là chủ thể, ít nhất tôi cũng sẽ nắm 50% bản chất sự việc. Khi hiểu được bản chất thì chuyện giải quyết thế nào không còn là điều khó khăn nữa.
Xin cảm ơn chị và chúc chị thành công trên con đường mình đã chọn!
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
