Bảo tàng thơ trên đền đài cung điện
Điểm đến của 5 di sản thế giới
Ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2018 cho biết. Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước có 5 di sản thế giới gồm: Di tích cố đô Huế, Âm nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.
![]() |
Thơ văn viết bằng chữ Hán trang trí trên nóc điện Thái Hòa (Đại nội Huế) |
Đây là nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, mang bản sắc đặc trưng để giới thiệu với công chúng và bạn bè quốc tế. Riêng về di sản Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một khám phá độc đáo và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu.
GS-TS. Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết. Đi nhiều nơi nhưng ông chưa thấy hình thức lưu trữ tư liệu tương tự như ở Huế. Đó là cách sử dụng thơ văn như một hình thức trang trí cho công trình kiến trúc, kể cả kiểu “nhất thi, nhất họa” trên kiến trúc gỗ hay thi họa xen lẫn trên công trình kiến trúc hiện đại ở giai đoạn sau là phong cách hiếm gặp và gần như đã đi vào điển chế triều Nguyễn. Phong cách ấy tạo dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật trang trí Việt Nam.
Đặc biệt, thơ văn khắc trên kiến trúc Huế là những tác phẩm mỹ thuật có giá trị cao trong việc trang trí một công trình kiến trúc, có hiệu ứng lớn đối với cảm thức mỹ học của người thưởng thức với các tiêu chí đẹp - trang trọng - quý phái - trí tuệ. Thực hiện những tác phẩm thủ công mỹ nghệ độc bản này, đòi hỏi người nghệ nhân xưa không chỉ có tay nghề tài hoa mà còn phải giỏi về chữ Hán cổ, am tường về nghệ thuật thư pháp, họa pháp.
TS. Vũ Thị Minh Hương, Phó chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ: Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một loại hình di sản có giá trị rất đặc biệt. Đây sẽ là một hệ thống di sản tư liệu nằm trong di sản thế giới là quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận.
Song quá trình lập hồ sơ Huế phải tập trung vào những tiêu chí như: tính độc đáo, duy nhất, ý nghĩa thế giới hoặc khu vực, sự quý hiếm đến mức nếu mất đi sẽ không có gì thay thế được, tính toàn vẹn, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị để thuyết phục hội đồng di sản thế giới.
Đáp lại, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho rằng. Cùng với hoàn tất hồ sơ khoa học và thuyết minh bảo vệ trước Đại hội đồng Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương đề nghị công nhận thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là Di sản Ký ức thế giới, trung tâm đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để bảo tồn giá trị loại hình di sản này. Cụ thể như tổ chức hội thảo bàn về giá trị của di sản, số hóa các hình ảnh, tư liệu.
Di sản Ký ức thế giới
Tồn tại gần 1,5 thế kỷ (1802-1945), triều Nguyễn để lại trên đất Huế một khối lượng di sản kiến trúc cung đình khổng lồ bao gồm: hệ thống thành quách, lăng tẩm, đền đài với nhiều loại hình kiến trúc độc đáo cả về giá trị lịch sử lẫn văn hóa. Bên cạnh, di tích Huế còn lưu hàng ngàn bài thơ, câu đối của các vị hoàng đế, thân vương, quan lại dưới triều Nguyễn, được chạm khắc, khảm cẩn, tráng men hay đắp nổi trên các công trình kiến trúc cung đình với nhiều loại hình chất liệu khác nhau như gỗ, xà cừ, pháp lam, sành sứ…
Thống kê, trên kiến trúc cung đình Huế hiện còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men pháp lam và 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Qua đó, chuyển tải những thông điệp của lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc nhất của dân tộc thời kỳ cận đại.
Qua khảo sát thực địa, hầu hết các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều trầm trồ trước những giá trị nghệ thuật độc đáo hệ thống thơ văn trang trí tại các công trình di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế.
Trong đó, tại di tích lăng vua Minh Mạng, mọi người ngẩn ngơ trước mảng trang trí bằng pháp lam theo lối “một bài thơ, một họa tiết” tại hai đầu hồi và khắc gỗ trong nội điện Sùng Ân.
Thú vị hơn khi được giới thiệu đây là những vần thơ do vua Thiệu Trị tuyển chọn từ thơ của cha mình là vua Minh Mạng sáng tác để khắc gắn lên công trình. Ðây đều là những áng thơ hay, tả phong cảnh hữu tình hoặc cỏ cây hoa lá, được giao cho các nhà thư pháp đệ nhất cung đình lúc bấy giờ viết ra và những người thợ trứ danh thực hiện...
Tương tự, tại di tích điện Thái Hòa trong hoàng cung, sự trầm trồ cũng không ngớt khi người hướng dẫn giới thiệu về những áng hùng văn, như là “tuyên ngôn độc lập” cho nền tự chủ nước nhà được khắc trên nội và ngoại thất kiến trúc… Các nhà nghiên cứu đều đồng ý với nhận định của một nhà nghiên cứu Huế, rằng: “Ðây chính là bảo tàng thơ mà vương triều Nguyễn đã khắc ghi trên đền đài cung điện Huế”.
Đó là những áng thơ hay, ca ngợi vương triều Nguyễn, ca ngợi cảnh thái bình thị trị đất nước độc lập bờ cõi thống nhất; tả vẻ đẹp vùng đất đế đô, vẻ đẹp của hoa cỏ cây cối các mùa trong năm; khuyến khích nông nghiệp, chia sẻ nỗi niềm với người dân… Trong đó, nổi trội hơn là nội dung ca ngợi đất nước giữ vững nền độc lập, non sông thống nhất.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
