Vị tướng của tháng 12 lịch sử
Người cận vệ đầu tiên của Bác Hồ
Cách đây tròm trèm 20 năm, cơ duyên đã giúp tôi và Tiến sĩ Phùng Thế Tám - lúc này là giám đốc chi nhánh Pacific Airlines tại Đà Nẵng gặp và chơi thân với nhau. Điều làm tôi bất ngờ nhất khi biết anh là con trai của Thượng tướng Phùng Thế Tài - người cận vệ của Bác Hồ và sau này là vị Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không - Không quân, quân chủng đã góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Những lúc trà dư tửu hậu, tôi được anh Tám cho xem những bài báo viết về vị tướng tài ba này của Quân đội nhân dân Việt Nam.
![]() |
Bà Bùi Thị Yến, phu nhân cố Thượng tướng Phùng Thế Tài và con trai - Tiến sĩ Phùng Thế Tám giao tặng lại khẩu súng P38 cho Bảo tàng Phòng không - Không quân |
Thượng tướng Phùng Thế Tài (1920-2014) quê ở làng Văn Minh, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, nay là thành phố Hà Nội. Nói về ông, mọi người nhớ ngay tới những chiến công xuất sắc khi là “Người cận vệ của Bác Hồ”, bảo vệ tuyệt đối an toàn trong những ngày Bác hoạt động ở Côn Minh, những chuyến công tác của Bác Hồ từ Pắc Pó sang Côn Minh đầy gian nan, vất vả, hiểm nguy, chiến đấu bảo vệ Bác ở vòng ngoài trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Sau này, quá trình hoạt động cách mạng của ông còn gắn liền với những chiến công của quân và dân Hà Nội mà đỉnh cao là chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Nói về chiến công bảo vệ Bác Hồ của Thượng tướng Phùng Thế Tài, Trung tướng Phí Quốc Tuấn - nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội kể lại: Đêm mùng 2/3/1947 Bác Hồ rời Sài Sơn (Quốc Oai) đi Sơn Tây qua Xuân Mai trong khi quân địch đã chiếm Hà Đông và tiến theo hướng đường 6 về Ba La-Bông Đỏ. Chúng dùng xe tăng, cơ giới hành quân chớp nhoáng thọc qua Mai Lĩnh, vòng lên Quốc Oai đúng vào con đường Bác đang di chuyển. Cùng lúc đó, một cánh quân khác của địch từ Phùng đánh lên, hầu như theo sát chiếc xe chở Bác đang ậm ạch chạy về hướng Xuân Mai. Giữa lúc đó nảy ra tình huống hết sức nghiêm trọng, chiếc xe chở Bác bị nổ lốp nằm bẹp dí bên cạnh đường, trong lúc hàng nghìn đồng bào tản cư đang gồng gánh lũ lượt đi qua. Tiếng súng của địch phía sau đang đến gần. Cánh quân của địch từ phía Mai Lĩnh đánh quặt lên.
Trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc ấy, ông Phùng Thế Tài đã trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 80 phụ trách cụm Đông Chữ - Ba La Bông Đỏ dẫn quân ra đường 6 quyết chặn địch. Chỉ huy Tiểu đoàn 77 phụ trách khu vực Thanh Quang - Sấu Giá đánh mạnh vào cánh quân của địch từ Phùng lên. Do lực lượng địch nhất là lực lượng cơ giới quá mạnh, ta không ngăn được sức tiến công của chúng mà chỉ làm chậm được bước tiến của chúng. Đồng chí Trần Đăng Ninh buộc phải cho đồng chí Ngọc - lái xe của Bác, cho xe chạy bằng tang trống để kịp đưa Bác vượt ngã 4 Xuân Mai. Tới 4 giờ sáng ngày 3/3/1947, Bác đến thị xã Sơn Tây an toàn. Từ đây có thể sang tới Phú Thọ là an toàn tuyệt đối. Trong hồi ký của mình, Thượng tướng Phùng Thế Tài viết: “Chưa bao giờ tôi thấy trách nhiệm của mình nặng nề và thiêng liêng như thế”.
Sau này anh Phùng Thế Tám chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh công tác và giảng dạy tại Học viện Hàng không, thi thoảng anh em vẫn liên lạc với nhau. Năm 2018, anh cho biết: Sau 4 năm Thượng tướng Phùng Thế Tài qua đời, phu nhân cố Thượng tướng đã tặng lại cho Bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân khẩu súng mà vị Thượng tướng thường mang theo để bảo vệ Bác Hồ. Đây là khẩu súng P38 được tổ chức Việt Minh cấp cho ông để bảo vệ Bác Hồ. Sau đó, khẩu súng này được ông giữ mãi cho đến ngày mất.
Cũng theo hồi ký của Thượng tướng Phùng Thế Tài, khẩu súng này được ông dùng bắn trả những tên mật thám quân Tưởng, bảo vệ và đưa Bác Hồ thoát khỏi sự quản thúc của Quốc dân đảng Trung Quốc và trở về nước vào tháng 9/1944, vì thế ông lưu giữ như vật kỷ niệm. Là cận vệ đầu tiên, tuyệt đối trung thành với Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng vào sinh ra tử, liều chết bảo vệ Bác Hồ hoạt động ở Trung Quốc trước năm 1943 và Đông Dương sau này, khẩu súng là vật bất ly thân, đã luôn ở bên ông như người bạn tri kỷ.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
Trong một bài viết về Thượng tướng Phùng Thế Tài, Trung tướng Phí Quốc Tuấn chia sẻ: Nhắc đến những chiến công của quân và dân Hà Nội không thể không nhắc đến chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972. Trong đó Thượng tướng Phùng Thế Tài có những đóng góp rất quan trọng trên cương vị Phó Tổng tham mưu trưởng đặc trách chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và trước đó là Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân. Năm 1962 khi đảm nhiệm Tư lệnh Bộ đội Phòng không, ông đã được Bác Hồ gọi lên và nhớ nhất lời dạy của Bác Hồ: “Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B52 chưa?” và căn dặn “...Từ nay chú là Tư lệnh Bộ đội Phòng không chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến thằng B52 này”.
Với tầm nhìn xa của Bác, năm 1967 khi ông nhận nhiệm vụ Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, được Bác Hồ gọi lên hỏi thêm tình hình. Bác đã nói: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua”. Bác dạy: “Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm, càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị”. “Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Luôn nhớ lời Bác dạy, ông đã cùng các chỉ huy của Quân chủng, lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu làm thất bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Cũng từ chiến công vang dội này, ông vẫn thường được gọi “Vị tướng của tháng 12 lịch sử”. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi còn sống đã nói về ông: “Phùng Thế Tài là một người cộng sản kiên trung, một vị tướng tài ba của Quân đội ta... đồng chí sống trung thực, thẳng thắn, chiến đấu dũng cảm, chỉ huy quyết đoán, thông minh, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Bác Hồ và Quân đội giao phó. Chiến công và thành tích của đồng chí trong quá trình cách mạng và kháng chiến đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc”.
Để ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của những tướng lĩnh quân đội có công với đất nước, cùng với những tướng lĩnh quân đội như: Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Song Hào, Vũ Lăng, Phùng Chí Kiên… cố Thượng tướng Phùng Thế Tài vừa được đặt tên tại một tuyến đường ở thành phố Nha Trang và thành phố Lào Cai.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
