Vấn nạn “loạn danh hiệu”
Chính vì hành vi sai trái này, mới đây Bộ VH-TT&DL đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ, ngành liên quan chấn chỉnh việc công nhận, tôn vinh, vinh danh trái quy định của pháp luật.
![]() |
Vụ việc ca sĩ Ngọc Sơn được gọi “Giáo sư âm nhạc” khiến dư luận xôn xao, bức xúc |
Một trong những minh chứng cụ thể nhất diễn ra gần đây về việc tổ chức, hội nghề nghiệp trao bằng khen, phong danh trong lĩnh vực văn hóa là trường hợp của ca sĩ Ngọc Sơn. Theo đó, Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam vừa trao bằng khen cho nam ca sĩ này và trong bằng khen có ghi “Giáo sư âm nhạc, ca sĩ Ngọc Sơn”.
Nội dung trong bằng khen này còn đánh giá ca sĩ Ngọc Sơn “đã có nhiều hoạt động xuất sắc trong công tác xây dựng thương hiệu vì sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản Văn hóa Việt Nam”. Sự việc này sau đó đã làm nóng dư luận, tạo ra nhiều tranh cãi và Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam đã phải giải trình với cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương.
Có thể nói, việc Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam trao bằng khen và ghi “Giáo sư âm nhạc, ca sĩ Ngọc Sơn” là điều khó chấp nhận. Bởi trước hết hội nghề nghiệp này không phải hội chuyên môn như Hội nhạc sĩ. Đồng thời, học hàm giáo sư rất thiêng liêng và cao quý, trong khi ca sĩ Ngọc Sơn dù hoạt động nghệ thuật hơn 20 năm nhưng chỉ là ca hát, biểu diễn trên sân khấu, chưa kể trước đây anh còn có nhiều scandal ở đời tư như ăn mặc phản cảm, phát ngôn gây sốc, khoe khoang vật chất, tài sản cá nhân... làm dư luận xôn xao.
Về vấn đề này, đại diện Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh việc ca sĩ Ngọc Sơn được gắn với chức danh “Giáo sư âm nhạc” là “vớ vẩn”. Hiện nay ở nước ta không có chức danh giáo sư âm nhạc, mà chỉ có giáo sư chuyên ngành lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc hoặc giáo sư chuyên ngành âm nhạc học.
Trường hợp trao bằng chứng nhận, bằng khen, vinh danh danh hiệu của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam đối với ca sĩ Ngọc Sơn nói trên chỉ là một trong rất nhiều trường hợp không đúng với quy định pháp luật. Trên thực tế, Bộ VH-TT&DL cho biết, thời gian qua nhiều tổ chức, hội nghề nghiệp đã để tình trạng “loạn” danh hiệu xảy ra.
Đó là Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cấp bằng chứng nhận “Đền thiêng linh ứng đạt tiêu chuẩn văn hóa đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hóa truyền thống Việt Nam”; Bằng chứng nhận, tôn vinh “Phong tặng nghệ nhân ưu tú văn hóa dân gian trong nghi lễ chầu văn của người Việt”; công nhận “Việt Nam linh thiêng cổ tự”, bằng chứng nhận “Tôn vinh nghệ nhân”.
Trong khi đó, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam lại có các loại công nhận “Cây di sản Việt Nam”, “Cây di sản”; Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cấp bằng “Nghệ nhân văn hóa dân gian”; Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cấp bằng “Công nhận cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam” và tôn vinh “Nghệ nhân”.
Ngoài ra Bộ VH-TT&DL cho biết thêm, một số điện thờ, đền tư gia tự xây không có giá trị kiến trúc nghệ thuật, đồ thờ được làm mới và không gắn với sự kiện, nhân vật lịch sử nhưng vẫn được một số Hội, tổ chức nghề nghiệp công nhận “đạt chuẩn” và “linh thiêng”.
Điển hình là đền Giáp Đàm ở Hải Hậu (Nam Định) không phải là di tích kiến trúc nghệ thuật, xây mới năm 2016 kiểu 2 tầng có hầm; Chùa Thực Khánh, chùa Long Mỹ, chùa Miếu Môn, chùa Duyên Ứng ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã được xếp hạng di tích quốc gia và cấp tỉnh, thành phố, nhưng Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam lại cấp bằng chứng nhận “Việt Nam linh thiêng cổ tự”.
Trước thực tế này, Bộ VH-TT&DL vừa có công văn 3754/BVHTTDL-TTr báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ VH-TT&DL kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ, ngành liên quan chấn chỉnh việc công nhận, tôn vinh, vinh danh trái quy định của pháp luật.
Bởi lẽ cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa và các chuyên gia cho rằng, nếu để tình trạng “loạn danh hiệu” diễn ra tại các tổ chức, hội nghề nghiệp như thời gian qua sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng tiêu cực trong xã hội, đặc biệt là tình trạng “mua, bán” danh hiệu của các bên liên quan.
Theo chia sẻ của GS-TS. Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam với truyền thông gần đây thì “có nhiều người được mời gọi tham gia hoạt động phong tặng danh hiệu với một số tiền không nhỏ”. Điều này phản ánh việc phong tặng danh hiệu trong lĩnh vực văn hóa, di sản của các tổ chức, hội nghề nghiệp ở nước ta thời gian qua đã bị thương mại hóa, đó không phải là cơ chế “xin – cho” mà đã chuyển sang “mua – bán”.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, công chúng tin tưởng rằng những danh hiệu, bằng khen “trên trời” như trường hợp của Ngọc Sơn kể trên sẽ không còn diễn ra. Điều này sẽ góp phần giúp nền văn hóa phát triển lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc như mục tiêu, chiến lược đã đặt ra trước đó.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
