Trước thềm những cuộc đấu giá lớn
![]() | Thị trường kỳ vọng vào đấu giá trực tuyến |
![]() | Quy định mức thu phí đấu giá tài sản |
![]() | Cần luật hóa đấu giá tài sản, nợ xấu |
Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam) cách đây không lâu đã IPO thành công, không chỉ đem về nguồn vốn lớn cho DN mà còn tạo cơ hội tìm kiếm lợi ích cho các NĐT khi rót tiền vào DN này. Còn trong tháng 7 tới đây, một số “đại gia” là Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng sẽ tiến hành IPO. Điểm chung của các DN trên là có hệ thống cơ sở kinh doanh rộng, nhiều tài sản tốt, nên được dự báo sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều NĐT.
Đất vàng tạo lực hút lớn
Sau cuộc đấu giá vào ngày 19/5 vừa qua, có 22 NĐT đã mua thành công trên 6,35 triệu cổ phiếu (tương đương gần 30% vốn điều lệ) của Vigecam. Trong khi đó, trước cuộc đấu giá này, Vigecam đã chính thức chọn 2 NĐT chiến lược để mua 70% vốn điều lệ còn lại của mình, đó là Tổng công ty Rau quả, nông sản (Vegetexco) và CTCP Bảo hiểm hàng không (VNI). Các NĐT này lần lượt đăng ký mua 45% và 25% vốn điều lệ của Vigecam.
![]() |
DN sở hữu đất vàng khi IPO thu hút sự quan tâm đặc biệt của NĐT |
Theo kế hoạch, việc bán cổ phần cho NĐT chiến lược sẽ thực hiện sau khi đấu giá công khai thành công. Như vậy, đến thời điểm này có thể chắc chắn rằng đơn vị sẽ chiếm giữ nhiều nhất cổ phiếu của Vigecam sẽ là Vegetexco. Còn thực sự đứng đằng sau Vegetexco là Tập đoàn T&T. Bởi trước đó vào cuối năm 2015, tập đoàn này chính là đơn vị đã thâu tóm thành công Vegetexco.
Việc thâu tóm Vigecam của Vegetexco, dù không được nhìn nhận công khai, nhưng rõ ràng có thể thấy nhiều khả năng NĐT hướng đến là các tài sản tốt của Vigecam tại Hà Nội, Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh. Bởi hiện nay, Vigecam đang quản lý và sử dụng 6 lô đất ở những vị trí cực kỳ đắc địa.
Tiêu biểu như lô đất tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội với diện tích trên 23.000 m2 đang có quy hoạch trở thành trung tâm giải trí. Hay các lô đất tại quận 5, TP. Hồ Chí Minh; huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng đều được đánh giá là những “mặt tiền” có giá trị thương mại cực lớn.
Nhiều cổ phiếu tốt sắp “bung hàng”
Nối tiếp Vigecam, các đợt đấu giá lớn được thị trường kỳ vọng là Satra, Vinafood 2... Bởi tính đến thời điểm hiện tại, các DN này đều đã cơ bản hoàn tất khâu định giá tài sản.
Về phía Satra, những thông tin mới nhất cho biết rằng DN này khả năng sẽ IPO vào khoảng cuối tháng 8/2017. Sau khi bán đấu giá cổ phiếu đợt đầu, Nhà nước vẫn sẽ giữ trên 65% vốn điều lệ của Satra. Nhưng sau đó, sang năm 2019, tỷ lệ vốn Nhà nước tại DN sẽ được thoái xuống dưới mức 50%, theo Quyết định 58/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện Satra đang đặt kế hoạch phát triển mạnh hệ thống bán lẻ. Theo đó, DN dự kiến sẽ khai trương thêm 55 cửa hàng Satrafoods, 3 nhà hàng ẩm thực, đồng thời tập trung khai thác mạnh mẽ các dự án như khu thương mại Bình Điền, dự án sàn giao dịch hoa - cây cảnh… với kỳ vọng tăng trưởng từ 10% doanh thu so với mức 2,5 tỷ USD của năm 2016. Do vậy, không quá ngạc nhiên khi các tên tuổi lớn như Masan, CJ CheilJedang… sẵn sàng trả giá cao cho cổ phiếu của Satra ngay khi DN này thoái vốn từ các đơn vị thành viên như Vissan, Cầu Tre…
Ở mặt trận lương thực, kỳ vọng lớn nhất là cổ phiếu của Vinafood 2. Theo ghi nhận, hiện nay mặc dù vẫn đang vướng vào việc xử lý các sai phạm thời kỳ 2014-2015, nhưng cơ bản Vinafood 2 đã được định giá xong vào đầu tháng 1/2017 và được Kiểm toán Nhà nước công bố giá trị DN một cách khá minh bạch. Theo đó, giá trị DN tăng thêm 393 tỷ đồng so với mức 4.980 tỷ đồng đã được xác định hồi tháng 9/2016.
Đáng nói hơn, trong phương án cổ phần hóa được trình Chính phủ vào tháng 3 vừa qua, tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ khi thực hiện IPO Vinafood 2 chỉ còn 51% vốn điều lệ, thay vì 65% như phương án cũ. Điều này cho thấy rằng khi Vinafood 2 IPO có thể cũng sẽ là một trong những cuộc đấu giá đình đám mà thị trường đang trông đợi.
Thận trọng với lỗ hổng định giá
Rõ ràng, sự góp mặt IPO của các DN lớn như Satra, Vinafood 2… trong các tháng tới đây đang được kỳ vọng mang lại sự khởi sắc cho thị trường vốn. Bởi ngay sau khi IPO, cổ phiếu của các DN sẽ nhanh chóng được chào sàn UPCoM, góp phần tăng thanh khoản và giá trị vốn hóa của thị trường.
Tuy nhiên, trở lại câu chuyện của Vigecam vừa mô tả ở trên, rõ ràng nguy cơ thâu tóm đất vàng sau cổ phần hóa vẫn là câu chuyện được các nhà quan sát lưu ý. Bởi thực tế diễn ra cho thấy những trường hợp sai sót, vi phạm quy định trong quá trình định giá tài sản DNNN trước khi IPO vẫn đang diễn ra khá phổ biến.
Những vụ tiêu biểu có thể kể đến như: định giá 21.200m2 đất trung tâm Hà Nội của Bệnh viện Giao thông - Vận tải Trung ương chỉ 140 tỷ đồng; 1.500m2 của Kem Tràng Tiền chỉ được định giá 3,2 tỷ đồng; hoặc hơn 1,4ha đất của Hãng Phim truyện Việt Nam không được tính vào giá trị DN khi cổ phần…
Trong khi đó, theo kế hoạch đến năm 2020 sẽ có khoảng 240 DN được cổ phần hóa, trong đó có khá nhiều những tên tuổi lớn như: Viglacera, Licogi, Lilama, CC1, FICO, Sông Đà, VICEM, MobiFone, VNPT, Sabeco, Habeco… Hầu hết các DN này đều sở hữu hàng loạt các vị trí đất vàng ở khắp các đô thị lớn trên địa bàn cả nước.
Chính vì vậy, việc định giá tài sản, tổ chức đấu giá và kiểm soát hậu cổ phần hóa sẽ tiếp tục là một thách thức lớn. Nếu những công việc này không được thực hiện nghiêm túc và minh bạch, thì những lỗ hổng định giá tài sản này sẽ biến làn sóng IPO trở thành cơ hội chiếm giữ tài sản cực lớn của các NĐT có năng lực tài chính...
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
