Tình yêu ca trù được tiếp nối qua hai thế hệ
Phát huy giá trị di sản ca trù Thủ đô |
Nghệ nhân ca trù Phạm Thị Huệ: Hành trình 20 năm “giữ lửa” nghề
Cho đến nay chưa ai biết chính xác ca trù có từ bao giờ, chỉ biết nó manh nha ở thế kỷ 11 và thịnh hành từ thế kỉ 15. Có giai thoại kể rằng ca trù được khai sinh bởi Đinh Dự - con trai công thần Lam Sơn và công chúa Đường Hoa - người nhà trời. Nên ca trù có nguồn gốc nửa nhân nửa thần, linh thiêng mà cao quý, phát triển gắn liền với giới thượng lưu và tri thức.
![]() |
Buổi biểu diễn ca trù của các nghệ nhân |
Trước sự bùng nổ của thời đại văn hóa giải trí, ca trù - loại hình diễn xướng dân gian từng chiếm vị trí hàng đầu trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, hiện đang trải qua một hành trình đầy thách thức để phát triển. Trong thầm lặng, vẫn còn nhiều những con người như ca nương Phạm Thị Huệ đang bền bỉ giúp ca trù tìm lại chỗ đứng.
![]() |
Ca nương với tài đào – kép hai vai Phạm Thị Huệ |
Ca nương Phạm Thị Huệ, được biết đến là đào nương đầu tiên của ca trù Việt Nam được tổ chức World Master của Hàn Quốc công nhận danh hiệu Nghệ nhân Thế giới.
Đến với Nhạc viện Hà Nội từ năm 8 tuổi, dù có hơn 15 năm gắn bó cùng cây đàn tỳ bà và trở thành giảng viên cũng như nhiều lần thử sức với nhiều loại hình truyền thống khác như chèo Huế, cải lương,… ca trù vẫn là thứ âm nhạc đặc biệt khiến cô tò mò và mong muốn khám phá.
“Sau khi tìm hiểu thì cô lại được biết đây là một môn nghệ thuật mà bây giờ cũng không có mấy ai hát, thậm chí là để tìm được nghệ nhân truyền dạy thì lại vô cùng khó. Cô cũng là người thích những việc khó, càng khó càng muốn làm. Ấp ủ ý tưởng nếu có cơ hội thì mình sẽ học thêm môn nghệ thuật này” - cô Huệ chia sẻ.
Năm 2000, cô đã vô tình gặp được nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc ở trong một canh hát mùa xuân. May mắn được cụ Chúc và nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ nhận làm đệ tử chân truyền, cô bắt đầu hành trình ca trù của mình.
Năm 2006, cô Phạm Thị Huệ đã được hai nghệ nhân đồng ý tổ chức lễ “mở xiêm y” – đây được coi như một buổi lễ tốt nghiệp dành cho ca nương để bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Sau đó, cô đã cùng hai người thầy của mình xây dựng giáo phường Ca trù Thăng Long để mở rộng cơ hội cho các bạn trẻ yêu thích âm nhạc truyền thống. Ca trù Thăng Long đã được du khách ngoại quốc ví như “một hòn ngọc giữa lòng phố cổ”.
Năm 2009, UNESCO đã chính thức công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Đến năm 2010, cô đã mở rộng hoạt động biểu diễn tại nhà cổ số 87 Mã Mây nhằm quảng bá ca trù đến với du khách quốc tế và cộng đồng người Việt yêu văn hoá truyền thống. Nhờ sự tận tâm cống hiến của mình, nghệ nhân Phạm Thị Huệ đã làm nổi bật nghệ thuật ca trù cả trong và ngoài nước.
Những người trẻ “tiếp lửa” cho nét văn hóa cổ truyền
Tiếp nối “bước chân” ca trù từ mẹ khi bộ môn nghệ thuật này còn đang gặp khó khăn về nhiều mặt, sự xuất hiện của các ca nương trẻ đầy nhiệt huyết với nghề như Huệ Phương đã thổi một luồng gió mới, thắp lên hy vọng viết tiếp tương lai cho ca trù và giúp lan toả ca trù đến với khán giả đại chúng.
![]() |
Huệ Phương cùng mẹ - Ca nương Phạm Thị Huệ trong một buổi diễn |
Nguyễn Huệ Phương, con gái của nghệ nhân thế giới Phạm Thị Huệ, là một ca nương trẻ đến từ giáo phường Thăng Long. Sinh năm 1999, với tuổi đời còn rất trẻ nhưng chị đã có hơn 15 năm gắn bó với nghề.
Chập chững đến với bộ môn nghệ thuật ca trù từ những câu hát ê a năm 5 tuổi, cô bé Huệ Phương đã trở thành một trong những học trò nhỏ tuổi nhất của Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc. Cô con gái cũng chính là “cầu nối” để cô Phạm Thị Huệ - ca nương nổi tiếng với tài đào - kép hai vai, được theo học sau một thời gian thuyết phục cụ Chúc truyền nghề.
“Khi mẹ chị đến xin học, cụ Chúc bảo cô đã thành nghề, lại lớn tuổi rồi còn học hát làm gì. Lúc đó mẹ bảo “Thế bà dạy con của con có được không?”. Cụ quay sang hỏi Phương “Cháu có thích học ca trù không?”. Chị thấy hay hay nên gật đầu đồng ý” - chị Phương chia sẻ.
Xuất thân trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, tiếp xúc với ca trù từ khi mới lên 2, con đường khám phá, bồi đắp tình yêu với bộ môn nghệ thuật truyền thống này chưa bao giờ là dễ dàng đối với cô gái trẻ Huệ Phương. Nhưng trên hành trình theo đuổi đam mê đó, chị đã may mắn luôn có mẹ là ca nương Phạm Thị Huệ đồng hành và giúp đỡ. Huệ Phương cũng tâm sự, học ca trù đem đến cho chị cảm giác bình yên, lánh xa những bon chen, xô bồ của cuộc sống hiện đại.
Tuy bắt đầu còn gặp nhiều khó khăn trong việc học ca trù từ cụ Chúc, Huệ Phương đã vượt qua những thách thức và hiện đã có nền móng vững chắc trong bộ môn nghệ thuật này. Với nền tảng sự nghiệp như vậy, Huệ Phương có nhiều tiềm năng trở thành gương mặt sáng giá của thế hệ ca nương kế cận. Sự nghiệp ca trù của Huệ Phương chính là khởi đầu cho những người hát ca trù trẻ tuổi về hành trình “hồi sinh” và phát triển nghệ thuật truyền thống, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam đến thế giới.
Cùng với Nguyễn Huệ Phương, vẫn còn những đào nương trẻ tuổi khác như Nguyễn Thị Thu Thủy, Vũ Thị Thùy Linh... thuộc Giáo phường Ca trù Thăng Long đang say mê, chăm chỉ với “chặng đường” nghệ thuật của mình để có những bước phát triển vững chắc tiếp theo. Mẹ con “nhà” ca trù Phạm Thị Huệ - Nguyễn Huệ Phương luôn hy vọng rằng, các cơ quan chức năng sẽ có những chính sách cụ thể, thiết thực hơn để các nghệ nhân ca trù nói riêng và những con người yêu thích các bộ môn nghệ thuật văn hoá truyền thống nói chung có điều kiện thể hiện, khẳng định tài năng của mình.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
