Tìm lại sức sống cho bảo tàng bằng công nghệ
Theo thống kê, cả nước hiện có gần 200 BT đang hoạt động. Tuy nhiều về số lượng, song các chuyên gia đánh giá việc vận hành các BT ở nước ta đang bộc lộ không ít điều bất cập: nghèo nàn về tư liệu, nội dung na ná nhau, hình thức trưng bày không đa dạng, thông tin sơ sài, chậm ứng dụng công nghệ mới, nội dung thuyết minh kém hấp dẫn... Điều này giúp lý giải tại sao BT vẫn mở cửa nhưng không đủ sức hấp dẫn khách tham quan. Trước tình cảnh này, nhiều BT đã phải thay đổi để duy trì hoạt động và phát triển, trong đó áp dụng công nghệ 4.0 vào triển lãm, trưng bày.
![]() |
Nhiều bảo tàng ở nước ta đã ứng dụng công nghệ, giúp du khách có nhiều trải nghiệm mới mẻ |
Mới đây, BT Phụ nữ Nam bộ khánh thành Phòng Trưng bày ứng dụng công nghệ chuyên đề “Phụ nữ miền Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”. Phòng trưng bày là sự kết nối giữa truyền thống - hiện đại khi những câu chuyện kể hiện vật, các bài học lịch sử được thông qua các trang thiết bị, công cụ công nghệ. Các công cụ thiết bị trình chiếu hỗ trợ khách tham quan tương tác và trải nghiệm mô hình bảo tàng 3D thông qua thiết bị trình diễn Hologram kết hợp ứng dụng phần mềm bảo tàng tương tác thông minh 360 độ trong trưng bày bảo tàng số, hỗ trợ công nghệ thực tế ảo (VR) giúp khách tham quan không cần mang thiết bị hỗ trợ vẫn có thể xem các hiện vật trên hình chiếu 3D lơ lửng trong không trung, dễ dàng quan sát ở nhiều góc độ khác nhau. Khách tham quan cũng có thể chọn nhiều vị trí tham quan, chọn chuyên đề và chỉ cần “click” vào nơi mình cần đến, mở nội dung hiện vật cần xem, tra cứu các bài viết, sự kiện; xem rõ hình ảnh hiện vật sắc nét với màu sắc, từng vết xước, vết thời gian… Điều này được nhiều người đánh giá cao bởi việc đưa công nghệ vào sẽ đem đến cho khách thưởng lãm những trải nghiệm mới lạ, tạo ra điểm nhấn và tránh nhàm chán.
BT Lịch sử Quốc gia được biết đến là đơn vị đã tiên phong triển khai hoạt động BT ảo từ nhiều năm nay. TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc BT Lịch sử Quốc gia chia sẻ, một bộ phận công chúng bắt đầu quen với thao tác sử dụng công nghệ, điện thoại, máy tính để truy cập và thưởng lãm những cuộc trưng bày trực tuyến, tương tác ảo. Nhiều cuộc triển lãm không cần phải đi đến tận nơi, chỉ ngồi một chỗ vẫn có thể nhìn ngắm, nghiên cứu về các hiện vật trưng bày trong BT. BT Lịch sử Quốc gia đã ứng dụng công nghệ tương tác 3D để giới thiệu 2 trưng bày chuyên đề: Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam và Đèn cổ Việt Nam nhận được sự đánh giá cao của người dân.
Đặc biệt là phần tương tác, tìm hiểu giá trị những hiện vật tiêu biểu mà thông thường khi tham quan trưng bày BT, khách tham quan sẽ bị hạn chế trong việc quan sát kỹ các chi tiết hoa văn, hoặc nội dung giới thiệu sâu, phong phú về hiện vật... thì khi xem trưng bày ảo mọi thứ trở nên dễ hiểu, chi tiết và đầy đủ thông tin. Như khi quan sát trống đồng Ngọc Lũ trong tủ kính, khách không thể cảm thụ được hết những giá trị của bảo vật quốc gia này, nhưng khi tham quan trên trưng bày tương tác ảo 3D, du khách lại có thể quan sát được các chi tiết hoa văn trang trí, các thông tin chi tiết về hiện vật và tự tương tác các nội dung tham quan mong muốn.
Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách, BT tỉnh Ninh Thuận cũng vừa đưa vào sử dụng công nghệ quét mã tem QR Code bằng điện thoại thông minh giúp du khách truy xuất thông tin liên quan đến hiện vật trưng bày một cách dễ dàng, thuận tiện, có những trải nghiệm mới mẻ. Theo đó, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối wifi miễn phí tại BT, du khách cài ứng dụng quét mã QR Code rồi mở ứng dụng chiếu camera quét lên các mã tem QR Code được dán cạnh các hiện vật, toàn bộ thông tin liên quan đến hiện vật sẽ hiện lên màn hình điện thoại, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách. Ứng dụng quét mã QR Code giúp du khách trải nghiệm hiện vật được lâu hơn với những giây phút riêng tư ở bất kỳ không gian trưng bày nào trong BT, thoải mái đắm chìm vào những điều mình thích. Du khách sẽ không rơi vào tình huống chưa kịp ngắm nhìn, tìm hiểu hiện vật đã phải đi theo hướng dẫn viên sang khu trưng bày khác.
Tương tự, BT Đà Nẵng từ năm 2019 đã ra mắt hệ thống thuyết minh đa ngữ qua thiết bị di động và ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng. Chỉ cần cầm trên tay điện thoại thông minh (smart phone) thì bất cứ du khách nước nào cũng được nghe thuyết minh về lịch sử Đà Nẵng và văn hóa miền Trung. Du khách có thể tìm hiểu thông tin về nội dung trưng bày thông qua việc sử dụng thiết bị điện thoại di động thông minh để quét mã QR Code được gắn cho hiện vật và có thể nghe giới thiệu về nội dung của 600 tư liệu, hiện vật đang được trưng bày tại BT.
Theo các chuyên gia, không gian trưng bày, hiện vật của BT ứng dụng công nghệ 3D bảo đảm tính chân thực, độ chính xác cao, là công cụ hữu hiệu cho du khách ngắm nghía đa chiều các “báu vật” lịch sử. Nếu hệ thống BT của Việt Nam biết cách tận dụng những ưu thế vượt trội của công nghệ, bảo tàng 3D không chỉ tạo ra cơ hội quảng bá và phát huy các giá trị di sản văn hóa, mà còn thu hút đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ quan tâm hơn tới BT, đến văn hóa và lịch sử dân tộc.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
