Thủ tướng cùng các bộ, ngành tìm giải pháp tháo gỡ ‘điểm nghẽn’ phát triển cho Cao Bằng
![]() |
Là tỉnh miền núi, có lợi thế về vị trí địa lý và là cái nôi cách mạng với những di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng nhưng kinh tế Cao Bằng chưa phát triển, tỷ lệ huyện nghèo, hộ nghèo còn cao.
Đặc biệt, Cao Bằng có diện tích tự nhiên 6724,6 km2 nhưng diện tích sử dụng đất rất thấp khi chỉ có 9% là đất nông nghiệp, hơn 90% là đất lâm nghiệp, núi rừng, sông suối… Dân số tỉnh hiện là 52 vạn người, bao gồm 8 dân tộc anh em.
Với đường biên giới đất liền dài đến 333 km, tiếp giáp với khu vực phía Tây của Trung Quốc, Cao Bằng có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biên mậu, dịch vụ du lịch… Tuy nhiên, địa hình giao thông khó khăn Cao Bằng vẫn chưa kết nối được với các vùng kinh tế khác cũng như khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Tại buổi làm việc chiều 24/11, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để Cao Bằng tháo gỡ những điểm nghẽn, phát triển tiềm năng, lợi thế.
Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết ngành Ngân hàng rất quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội của Cao Bằng. Kinh tế - xã hội của Cao Bằng phát triển cũng tạo điều kiện cho hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh phát triển.
Tính đến 31/10/2018, quy mô huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt trên 16 ngàn tỷ đồng nhưng tổng dư nợ tín dụng chỉ trên 10 ngàn tỷ đồng. Nhu cầu vốn tín dụng còn thấp nên nguồn vốn huy động tại tỉnh phải điều chuyển đi nơi khác cho vay.
Do đó, ngành Ngân hàng nhất trí với việc tỉnh cần có giải pháp đột phá cho phát triển các tiềm năng, thế mạnh về du lịch và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh sẽ cấp tín dụng cho Cao Bằng phát triển du lịch.
Ngân hàng kiến nghị Tỉnh cần xây dựng các Đề án phát triển khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ xây dựng, phát triển doanh nghiệp lớn để tạo sự gắn kết, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Hiện Cao Bằng chưa có quy hoạch khu vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tỉnh cũng chưa cấp phép cho doanh nghiệp nào trong lĩnh vực này. Do đó, mặc dù tín dụng cho nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng nhưng tín dụng nông nghiệp công nghệ cao lại chưa có dư nợ.
Thống đốc khẳng định, “để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh quan tâm đến tín dụng cho lĩnh vực nhưng tỉnh cũng cần cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng như có quy hoạch cho khu vực phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…”.
Thống đốc cũng đồng tình với chủ trương phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh Cao Bằng, song phải tính toán rất kỹ về tính khả thi của dự án, lưu lượng xe và các phương án tài chính có liên quan…
Nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông rất lớn và chủ yếu do các ngân hàng thương mại Nhà nước gánh vác nhưng hiện các ngân hàng này đang rất khó khăn trong tăng vốn điều lệ. Do đó, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng thương mại Nhà nước không chia cổ tức bằng tiền mặt mà giữ lại để tăng vốn nhằm đủ nguồn lực đầu tư cho các dự án quốc gia quan trọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại Nhà nước rất quan trọng, vì một đồng vốn (vốn điều lệ - PV) có thể tạo ra nhiều đồng vốn. Do đó, Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng nghiên cứu, sớm trình Chính phủ xem xét vấn đề này.
Tại cuộc làm việc chiều 24/11, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã nêu kiến nghị, đề xuất đầu tiên với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư tuyến đường bộ cao tốc nối Cao Bằng với Lạng Sơn (tuyến Trà Lĩnh - Đồng Đăng) dài khoảng 115 km.
Tuyến cao tốc này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh mà còn góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư và đã được Thủ Tướng chính phủ đồng ý về mặt chủ trương.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
