“Thời hoa đỏ” một thi hứng tươi rói... đã đi xa
Giai điệu bài hát như con thuyền chở những dòng thơ dào dạt xúc cảm bồi hồi, đưa tâm thức người nghe trở về thời... hoa đỏ, thời của thanh xuân cuộc đời với bao thổn thức và tiếc nuối. Thời ký ức... mà dội về tươi rói như mới hôm qua. Một nỗi đau ngọt ngào, khó phai khó quên và sâu lắng. Đến độ, bài hát lời thơ luôn đeo bám tâm trí tôi... dù muốn hay không, bài hát lời thơ đã nói lời của bao tâm hồn biết đau và biết nhớ.
![]() |
Nhà thơ Thanh Tùng cùng con gái và cháu ngoại trong dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của ông |
Cảm ơn Thanh Tùng. Tiễn biệt ông nhưng ông vẫn hiện diện mỗi khi trong tâm hồn vang lên day dứt "mỗi mùa hoa như lửa cháy khát khao/bước lặng trên con đường vắng năm nao/ chỉ còn tiếng ve sôi ồn ào/ mà chẳng cho lòng nguôi yên chút nào...".
Chưa từng một lần gặp và kỳ lạ thay, dù có nhiều cơ hội gặp gỡ ông, nhưng tôi đều giữ lại một khoảng cách… vì tôi trân trọng từng con chữ thả trong thơ ông. Nó tự nhiên, nó bình dị, không khiên cưỡng mà chân thật đến nao lòng. Tôi muốn kết nối với ông bằng trường cảm xúc của tâm hồn đồng điệu, chỉ thế thôi là rất tràn đầy rồi!
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kể rằng: “ Thanh Tùng rất dễ xúc động trước cuộc đời và thường bật khóc trước những nỗi đời bất hạnh, trái ngang. Được sự yêu thương anh cũng khóc. Nhưng đấy lại là một người vạm vỡ ngoài đời và vạm vỡ trong cảm xúc. Và thơ anh như tung ra những mảnh trái tim quặn thắt mà lấp lánh thương yêu. Anh có thể ứng tác thành thơ trước bất cứ một tình huống nào, nhưng không phải lúc nào cũng được ghi lại…”.
Thi nhân, đâu cứ phải viết thật nhiều bài thơ, đâu cứ phải in thật nhiều tập thơ và nổi đình đám với những câu lập ngôn gây sốc! Thi nhân Thanh Tùng, thực ra là phần tinh túy chưng cất của một phận người bình dị vô cùng. Ông tên thật là Doãn Tùng, một người lao động vạm vỡ, cơ bắp, cất giấu bên trong một trái tim mong manh dễ khóc. Doãn Tùng sinh ra ở Nam Định (1935) cái nôi sinh ra những văn nhân nổi tiếng nhiều thời đại; nhưng ông lại lớn lên với công việc khuân vác ở đất cảng Hải Phòng vùng đất biển ăn sóng nói gió.
Rồi ông làm công nhân đóng tàu đất cảng, rồi trở thành người bán sách vỉa hè, chữa xe đạp… cuối cùng thì ông làm thơ và bán… thơ cho đời. Đường trần ông đi toàn với những nghề bặm bụi, gian truân, không chút hào nhoáng bóng bẩy. Và, chính từ nơi gốc rễ bặm bụi trần thế ấy, yêu thương và đau khổ trong từng tế bào sống được ông chưng cất thành những dòng thơ chất chứa men đời làm say lịm biết bao trái tim đồng điệu.. mà họ bất lực không thể diễn đạt!
Doãn Tùng có một người em bị bệnh tâm thần tên là Doãn Thanh. Thương em trong nỗi thương máu ruột, ông ghép tên em với tên mình trở thành tên thi nhân Thanh Tùng – âu cũng là cách ông muốn luôn được đồng hành bên đứa em bất hạnh. Âu điều đó cũng nói lên rất nhiều về ông: Một nhân cách, một nhân phẩm, chưa từng làm bất cứ điều gì để nổi danh, để đánh bóng tên tuổi, ông cặm cụi yêu thương và nâng niu những phận đời hẩm hiu, đau đáu xót xa theo cách của ông, một cách âm thầm mà vô cùng dào dạt.
Bài thơ Thời hoa đỏ được Thanh Tùng sáng tác năm 1972, nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc năm 1989, và từ đó nhạc phẩm này được vang lên bởi nhiều giọng ca có độ sâu lắng về tuổi nghề và tuổi đời như Bảo Yến, Lệ Thu… càng khiến cho ca khúc có sức lan tỏa mãnh liệt, đi vào trái tim người nghe. Mấy ai đã nghe một lần mà không nghe lại và rồi… mang nó trong tim suốt hành trình.
Ngoài thi phẩm “Thời hoa đỏ” đầy day dứt, cồn cào và ám ảnh một thời tiếc nuối, Thanh Tùng còn có những thi phẩm phổ nhạc cũng khiến người nghe khó lòng quên được như “Hà Nội ngày trở về” - phổ nhạc bởi nhạc sĩ Phú Quang: “Vội vã trở về vội vã ra đi/ Chẳng thể nào quen hết từng con phố….”. Quả thật, những thi phẩm đó bản thân nó đã rất giàu nhạc cảm và nhạc điệu.
Thanh Tùng, người phu khuân vác; người thợ chữa xe đạp nơi góc phố dưới gốc cây rợp màu hoa đỏ; người bán sách rong vỉa hè; người thơ và thi nhân… cuộc dấn thân trần thế hay chỉ là một thoáng rong chơi nơi tinh cầu có triệu giọt mưa mang hình giọt lệ? Thi nhân đi rồi, một chuyến vào viễn du, có vội vã không như lời thơ anh viết “Vội vã trở về vội vã ra đi…”.
Ngồi thưởng trà cùng một vị thiền sư xuất gia, chúng tôi nhắc về “Thời hoa đỏ” cuộc đời và thi hứng, vị xuất gia cười ý vị “Thanh Tùng là người tiên. Ông đi vào cõi vô thủy vô chung và bay lên cao, bởi người người đều nhớ đến ông với một tình cảm hàm ơn trìu mến ngưỡng mộ!.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
