Thời điểm thích hợp để lồng ghép mô hình kinh tế tuần hoàn
Hội thảo chuyên đề trực tuyến “Tiếp cận Đa bên – Chìa khóa Thành công của nền Kinh tế Tuần hoàn” đã được Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội, Cơ quan thương mại của Đại sứ quán Na Uy - Innovation Norway, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam đồng tổ chức ngày 30/11.
![]() |
Ông Andre Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam . |
Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu về các vấn đề quản lý chất thải rắn tổng hợp và biến đổi khí hậu; sự phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương cũng như ý nghĩa của sự phối hợp này trong việc đạt được mục tiêu kinh tế tuần hoàn và phát thải ròng bằng không; cách thức điều phối các hành động và đầu tư tập thể cho nền kinh tế tuần hoàn, cũng như các giải pháp và hệ thống quản lý tài nguyên tổng hợp nhằm tối ưu hóa hệ thống quản lý chất thải theo hướng tuần hoàn và trung hòa carbon.
Phát biểu tại hội thảo, ông Jan Wilhelm Grythe - Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho biết: “Cách tiếp cận đa bên của Na Uy, trong đó các cơ quan chính phủ/chính quyền các cấp hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu, khu vực tư nhân, và các tổ chức phi chính phủ trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, đã được chứng minh là một mô hình thành công trong nhiều mọi lĩnh vực (kể cả kinh tế tuần hoàn đối với ngành nhựa). Chúng tôi muốn chia sẻ mô hình này với Việt Nam vì nó đã giúp Na Uy đạt được mục tiêu tuần hoàn của mình”.
Ông Andre Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng phát sinh chất thải là vấn đề dai dẳng đi kèm với quá trình tăng trưởng của Việt Nam trong những năm gần đây. Thực tế cho thấy, đã có nhiều thành phố trở thành các trung tâm kinh tế lớn và đòi hỏi nhiều hơn phải có sự cải thiện về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ chủ chốt; trong đó, bao gồm cả hệ thống quản lý chất thải rắn. Nghiên cứu chuẩn bị dự án về quản lý chất thải rắn tại Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong nhiều hướng đi mà ADB đang hỗ trợ cho quá trình phục hồi xanh hậu COVID và chiến lược phát triển carbon-thấp của Việt Nam.
"Đại dịch COVID-19 là một cơ hội để tái thiết cộng đồng theo mô hình bền vững nhằm tạo dựng một tương lai xanh hơn và tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn cũng là một trong những cách tiếp cận để đạt được điều này", ông Andre Jeffries nhấn mạnh.
![]() |
Tính đến năm 2019, ước tính đã có khoảng 9,3 tỷ tấn nhựa nguyên sinh được sản xuất trên quy mô toàn cầu. Trong số đó, 6,3 tỷ tấn đã trở thành rác thải nhựa; chỉ có khoảng 9% số rác này được tái chế, 12% được xử lý bằng phương pháp đốt và khoảng 79% còn lại được chôn lấp – điều này có nghĩa là gần 5 tỷ tấn rác thải nhựa đang tích tụ tại các bãi rác trên toàn thế giới. Chúng sẽ vỡ vụn dần dần và rò rỉ vào tầng nước ngầm và các con sông, trở thành một trong những nguồn ô nhiễm vi nhựa liên tục của các đại dương. Làm thế nào để giảm thiểu 5 tỷ tấn chất thải nhựa này hoặc làm sao có thể biến rác thải nhựa thành những thứ có giá trị? Các diễn giả tại hội thảo đều thống nhất: "Nếu quyết tâm, chúng ta sẽ có cách!"
Việt Nam đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng trong việc giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế (3R) chất thải nhựa. Cụ thể như, Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; trong đó đặt mục tiêu thu gom, tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý 85% tổng lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm 50% lượng rác thải nhựa trên biển; 100% các địa điểm, cơ sở du lịch và các khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần…
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng với UNDP công bố thành lập Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho tất cả các bên liên quan, bao gồm cả các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự và giới học thuật/nghiên cứu trong áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn; tạo sức mạnh tổng hợp và tích hợp các nguồn lực tài chính và kỹ thuật nhằm hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi để Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển carbon-thấp và tuần hoàn. Đã đến lúc phải biến lời nói thành hành động và mỗi người đều cần thực hiện vai trò của mình.
Trước đó, tại hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam đã ký kết bản Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi từ than sang năng lượng sạch. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ rằng, Việt Nam sẽ có những nỗ lực để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Điều này cho thấy ý chí chính trị mạnh mẽ của Việt Nam, đảm bảo sự đóng góp quan trọng của Việt Nam trong các nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C và giúp ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu ở mức độ thảm họa, như đã được đưa ra trong Thỏa thuận Paris.
Đây là thời điểm thích hợp để lồng ghép mô hình kinh tế tuần hoàn vào ngành nhựa nhằm sử dụng tài nguyên thông minh, giảm phát thải hiệu quả và phục hồi môi trường. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có những hỗ trợ và hợp tác của cộng đồng quốc tế để giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Cũng tại hội thảo, các bên tham gia từ Na Uy, các nhà tài trợ quốc tế, giới nghiên cứu/học thuật và khối doanh nghiệp tư nhân đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng thành công nền kinh tế tuần hoàn cho ngành nhựa, qua đó giúp Việt Nam thựchiện những cam kết bảovệ môi trường của mình và đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế bền vững hơn và xanh hơn.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
