Thiếu trầm trọng vốn chống sạt lở
![]() | Nỗi niềm sau bão lũ |
![]() | TPHCM có 44 điểm sạt lở bờ sông nghiêm trọng |
Thiếu tiền thiếu cả cách tiêu
Giữa tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 và bổ sung 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để hỗ trợ các địa phương vùng ĐBSCL nhằm xử lý các khu vực sạt lở cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến dân cư và các công trình hạ tầng thiết yếu.
![]() |
Ngân sách dành cho các dự án chống sạt, lở giai đoạn 2018-2020 hiện chỉ đạt khoảng 20% nhu cầu |
Động thái ưu tiên vốn ngân sách cho các dự án phòng, chống sạt lở đó cho thấy mức độ quan tâm của Chính phủ đến công tác phòng chống sạt lở tại các khu vực ven sông, ven biển phía Nam là hết sức tích cực. Với 2.500 tỷ đồng ngân sách bổ sung, rất có thể trong năm 2018 nhiều dự án đê, kè chắn sóng và các tuyến đường dọc biển sẽ được hoàn thiện.
Tuy nhiên, theo ghi nhận tại một số địa phương, với nguồn lực tài chính hiện có công tác phòng chống sạt lở tại khu vực ĐBSCL trong vài năm tới chắc chắn sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Bởi nếu chỉ tính riêng nhu cầu vốn thì hiện nay để khắc phục 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm ở các địa phương như: An Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp, Tiền Giang… thì số tiền đã lên tới 7.000 tỷ đồng. Trong khi đó, toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 550 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài gần 800 km sẽ phải khắc phục trong các năm tới.
Điều quan trọng hơn, theo chuyên gia nghiên cứu về an ninh môi trường Nguyễn Minh Quang (Đại học Cần Thơ), là cách thức tiếp cận, đầu tư các công trình phòng chống sạt lở tại khu vực ĐBSCL hiện nay không phù hợp. Theo ông Quang, các công trình chẳng hạn như dự án xây kè trên sông Cần Thơ (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) sở dĩ bị đội vốn gần 1.600 tỷ đồng/10,2km bờ sông là vì cách tiếp cận không phù hợp với đặc điểm địa - thủy văn ở ĐBSCL.
Theo đó, cách xây dựng vách ngăn bê tông thẳng đứng dọc bờ sông đáng ra chỉ nên thực hiện ở những khu vực sông có chế độ dòng chảy nhẹ và ổn định, thì hiện nay lại được thực hiện phổ biến ở nhiều đoạn sông có chế độ dòng chảy phức tạp với nền đất kết dính kém và lớp đất mặt dưới đáy sông mềm nhão.
Vì thế, hàng chục dự án làm vách ngăn bê tông thẳng đứng tưởng là tiết kiệm cho ngân sách nhưng lại không hiệu quả và phản tác dụng. Bởi khi sóng lớn va đập vào thành vách ngăn sẽ khiến năng lượng sóng chuyển xuống phía chân bờ kè, tạo ra sạt lở theo chiều thẳng đứng. “Vì vậy, càng đóng vách ngăn thì càng tạo thuận lợi cho hiện tượng xâm thực diễn ra mau chóng hơn”, ông Quang cho biết.
Lập quỹ và rà soát tổng thể
Thừa nhận việc đánh giá hiệu quả của các dự phòng chống sạt lở là chưa được thực hiện một cách cụ thể, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam cho rằng, mặc dù trong các năm vừa qua ngân sách nhà nước đã chi khoảng 21.000 tỷ đồng cho các công trình thủy lợi (giai đoạn 2011-2015) và bố trí kinh phí ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu vực ĐBSCL khoảng gần 1.500 tỷ đồng (2012-2016), tuy nhiên việc hạn chế các thiệt hại của sạt lở bờ sông, bờ biển trên thực tế chưa được như kỳ vọng.
Cụ thể, trong suốt giai đoạn 2011-2016, tại các điểm sạt lở xung yếu (kể cả các khu vực đã xây dựng các dự án bờ kè ngăn sóng), tốc độ xói lở vẫn diễn ra với mức độ 5-45m/năm. Trung bình mỗi năm khu vực ĐBSCL mất khoảng 500 ha đất do sạt lở tại vùng ven sông, ven biển.
Theo tính toán của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, trong những năm tới (2018-2020) với các kịch bản biến đổi khí hậu ở khu vực ĐBSCL thì tổng kinh phí dự kiến cần phải đầu tư cho các chương trình, dự án chống sạt, lở quy mô toàn vùng sẽ đạt khoảng 34.000 tỷ đồng.
Trong đó, 20.000 tỷ đồng để bố trí sắp xếp lại dân cư kết hợp với chống lũ và xây dựng nông thôn mới; 13.000 tỷ đồng để chống sạt lở bờ sông, bờ biển, trồng rừng ngập mặn và quan trắc diễn biến xói - bồi sông rạch. Ngoài ra, ngân sách cũng cần bố trí khoảng 1.000 tỷ đồng cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực phòng chống sạt lở.
Để có được nguồn kinh phí lớn trên, hiện nay ngoài việc bố trí 2.500 tỷ đồng ngân sách (giai đoạn 2018-2020) cho khu vực ĐBSCL, Chính phủ cũng đã đồng ý chủ trương bổ sung 36 triệu USD vốn ODA từ dự án WB9 và dự án GMS1 để lập Quỹ Chống biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về môi trường tại Đại học Cần Thơ, ngoài việc chuẩn bị nguồn ngân sách thì Bộ NN&PTNT cần phải lập tức tiến hành rà soát lại toàn bộ quy hoạch đô thị, nông thôn có liên quan đến xói lở bờ sông và bờ biển. Việc rà soát này cần đi kèm với các tính toán chi tiết để cụ thể hóa lộ trình và phân mảng các công tác chống xói lở.
Chẳng hạn, ở các khu vực ven sông lớn, trục chính cần có tính toán cụ thể về kinh phí bố trí lại dân cư, quy hoạch lại các trục đường để nâng cấp trong giai đoạn sau. Ở các dự án liên tỉnh cần có quy chế phối hợp thống nhất chặt chẽ về quản lý đất đai. Vì vậy, Bộ NN&PTNT phải nhanh chóng triển khai dự án “ngân hàng đất” ở khu vực ĐBSCL để các địa phương có sẵn nguồn đất phục vụ tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng khi xây dựng các công trình chống sạt lở.
Riêng đối với việc huy động vốn xã hội cho các chương trình dự án chống sạt lở bờ sông, bờ biển, nhiều chuyên gia cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế xã hội hóa nguồn lực trong các hoạt động phòng chống sạt lở. Theo đó, ở địa phương cần tạo điều kiện để huy động được nguồn vốn từ dân cư thực hiện các công trình quy mô nhỏ như làm đê mềm để mở rộng đất đai, mặt nước, ngăn mặn, chống sạt lở kết hợp phát triển kinh tế.
Ngoài ra, đối với các dự án hạ tầng đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) cũng cần có cơ chế ưu đãi thích hợp, cụ thể để các DN tư nhân tham gia bỏ vốn đầu tư vào các hợp phần, tiểu phần của những dự án chống xói lở quy mô cấp tỉnh và cấp vùng.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
